Một trong những nhân tố tác động đến CSKT của Nhà nước hỗ trợ DN nâng cao NLCT là sự biến động chính trị, kinh tế toàn cầu, quá trình hội nhập của mỗi quốc gia vào nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng mang lại nhiều lợi ích hơn đối với các nước đang phát triển. Do hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng làm cho các rào cản quốc tế ngày càng nới lỏng, nguồn lực di chuyển dễ dàng hơn giữa các quốc gia nên xu hướng kiếm tiền ở một nơi, hưởng thụ tại một chỗ khác sẽ ngày càng phổ biến.
Vị trí địa lý tự nhiên, địa kinh tế của mỗi quốc gia, địa phương là nhân tố cần được xem xét khi hoạch định chính sách kinh tế của Nhà nước. Nếu quốc gia hoặc địa phương có vị trí địa lý ở đầu mối giao thông, đầu mối giao lưu kinh tế quốc tế sẽ là lợi thế cạnh tranh trong trong phát triển kinh tế nói chung và trong việc hoạch định các chính sách nói riêng. Vị trí địa lý thuận lợi cho phép khai thác tối đa các nguồn lực và lợi thế so sánh của từng quốc gia và địa phương.
Điều kiện địa lý tự nhiên của mỗi quốc gia và vị trí cụ thể của từng địa phương rất khác nhau, địa phương nằm trong quốc gia nhưng lại mang tính đặc thù riêng cả về nguồn lực (đất đai, tài nguyên, quy mô dân số), thời tiết, khí hậu cũng như vị trí tự nhiên (đồng bằng, có biển, rừng núi, đô thị).
Sự phát triển, thịnh vượng của các doanh nghiệp là rường cột của sự phát triển kinh tế, liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của quốc gia và địa phương. Các quốc gia, địa phương có đội ngũ doanh nghiệp mạnh, các tập đoàn lớn toàn cầu việc xem xét, hoạch định chính sách khác với các quốc gia, địa phương chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và vừa, sức cạnh tranh yếu. Nhận rõ mối quan hệ mật thiết của doanh nghiệp đối với việc phát triển kinh tế xã hội, các chính phủ cũng như chính quyền các địa phương luôn có xu hướng hỗ trợ doanh nghiệp ở mức độ cao nhất có thể. Tuy nhiên, do điều kiện phát triển của từng ngành nghề, nhóm ngành cũng như trình độ, năng lực của các doanh nghiệp không giống nhau, vì thế chính sách của quốc gia (Trung ương) và địa phương phải được phân theo quy mô, mức độ cạnh tranh, ngành vùng và các nhóm doanh nghiệp cho phù hợp với trình độ và năng lực cụ thể của doanh nghiệp mới phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả của chính sách.
Để lại một bình luận