Đối với nhiều loại tài sản trong bảng cân đối kế toán nêu trong chương 1 – tiền mặt, hàng tồn kho, bất động sản và thiết bị – giá trị được ghi là chi phí gốc. Do đó, đất đai và nhà cửa mà chủ doanh nghiệp mua năm 1946 để xây dựng trụ sở tại khu trung tâm Manhattan với giá là 300.000 USD đến bây giờ cũng phải được ghi cùng giá đó trừ đi giá trị khấu hao. Dù cho giá trị bất động sản đó hiện nay đáng giá gấp hàng ngàn lần giá trị ban đầu, nhưng trên sổ sách kế toán vẫn phải ghi chi phí lúc mua.
Bất động sản không phải là loại tài sản duy nhất có giá trị thực khác với giá trị ghi trong bảng cân đối kế toán. Hàng tồn kho cũng tương tự như vậy. Vì thế, nếu nhà xuất bản tái bản một cuốn sách về kinh tế nổi tiếng của Paul Samuelson, giá thị trường của số sách tồn kho xuất bản lần trước sẽ giảm mạnh vì ai cũng muốn mua sách mới xuất bản. Tuy nhiên, giá trị tồn kho của lần xuất bản sách trước được nêu trong bảng cân đối kế toán vẫn giữ nguyên – là chi phí gốc. (Một số công ty còn bao gồm cả giá trị dự trữ tồn kho để thể hiện các giá trị mất đi mà một vài tỷ lệ phần trăm của lượng tồn kho nào đó có khả năng phải gánh chịu.)
Hiển nhiên, nguyên tắc chi phí gốc thường dẫn đến sự chênh lệch giữa các giá trị thực và giá trị liệt kê trong các báo cáo tài chính. Vậy tại sao các kế toán viên vẫn sử dụng chúng? Đơn giản là vì họ không có cách nào khác hiệu quả hơn. Rõ ràng là các doanh nghiệp không thể muốn ghi chi phí cao thấp tùy thích. Và việc định giá tài sản hàng năm của doanh nghiệp bởi một đội ngũ chuyên viên thẩm định độc lập như vậy là rất tốn kém và không thiết thực. Do vậy, chúng ta phải theo hệ thống đã định. Cách duy nhất để không diễn giải sai các giá trị nêu trong bảng cân đối kế toán là bạn phải hiểu rằng chúng được ghi theo chi phí gốc.
Để lại một bình luận