Báo cáo kinh tế mới nhất của HSBC nhận định rằng năm 2014 sẽ là “năm của các nhà xuất khẩu”, hàm ý xuất khẩu sẽ là nhân tố thúc đẩy sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
Theo HSBC, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất của HSBC (HSBC PMI) tháng 12 đã tăng lên 51,8 điểm – kết quả cao nhất kể từ tháng 4.2011 với đơn đặt hàng tăng mạnh.
Chỉ số PMI ngành sản xuất trong tháng 12 đã tăng lên 51,8 điểm từ mức 50,3 điểm trong tháng trước. Chỉ số PMI cho thấy ngành sản xuất đã tăng trưởng mạnh trong quý IV. 2013 và thể hiện GDP đạt mức tăng trưởng 6% cũng trong quý này. Điểm tích cực về kết quả chỉ số PMI tháng này là các chỉ số phụ đều mạnh hơn đặc biệt là đơn đặt hàng mới và việc làm. Chỉ số phụ đơn đặt hàng mới đã tăng mạnh từ mức 48,8 điểm trong tháng 11 lên 52,5 điểm trong tháng 12.
Trong khi đó, đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất cộng với nhu cầu từ các nước châu Âu và Mỹ đã cải thiện sẽ giúp gia tăng xuất khẩu trong năm 2014
“Chúng tôi kỳ vọng tình hình xuất khẩu đang được cải thiện và nhu cầu trong nước ổn định sẽ thúc đẩy GDP Việt Nam tăng trưởng từ mức 5,4% trong năm 2013 lên 5,6% trong năm 2014”, báo cáo viết.
Cụ thể, HSBC nhận định rằng trong những năm tới, Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi nhu cầu từ các nước phương Tây đã được cải thiện. Lý do rất đơn giản vì nền kinh tế Việt Nam vốn là một quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu với việc xuất hàng chiếm tỷ trọng 81% GDP cả nước trong năm 2012.
Mặc dù nhu cầu toàn cầu có sự dao động trong năm 2013 và giá cả hàng hoá đang giảm nhưng tăng trưởng xuất khẩu vẫn đạt mức đáng kể 15,4%. Nguyên nhân là do tình hình xuất hàng dệt may cùng với đầu tư nước ngoài mới trong lĩnh vực điện tử đã phục hồi. Với nguồn vốn giải ngân FDI tăng 9,9% và nguồn vốn đăng ký tăng tốc đáng kể, HSBC kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ khởi sắc trong năm 2014.
“Từ một quốc gia luôn ở tình trạng thâm hụt thương mại trong nhiều năm, Việt Nam trong năm 2013 đã đạt mức thặng dư thương mại 900 triệu USD sau khi đã có thặng dư nhẹ trong năm 2012. Kết quả này đã giúp Việt Nam cải thiện sự ổn định kinh tế vĩ mô nhưng đồng thời cũng thể hiện những mặt yếu kém của nhu cầu nội địa”, báo cáo của HSBC có đoạn.
Xuất khẩu, đặt biệt ở các doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho Việt Nam. Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 12 đã thể hiện sản lượng ngành sản xuất tăng tốc đạt mức 51,8 điểm – mức cao nhất kể từ tháng 4.2011. Tuy nhiên sản lượng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà tăng trong những tháng tới khi hàng tồn kho ở mức thấp trong khi đơn đặt hàng đang phục hồi.
HSBC kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng 20% trong năm 2014 từ mức tăng 15,4% trong năm 2013. Điều này sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng GDP đạt mức 5,6% trong năm 2014 từ mức 5,4% trong năm 2013.
Trong khi đó, lạm phát cũng đang trên đà giảm từ mức 9,3% trong năm 2012 xuống còn 6,6% trong năm 2013 và HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tăng nhẹ trong năm 2014 do giá xăng dầu và thực phẩm tăng cao hơn.
Lạm phát tăng tốc trong tháng 12 lên 6,6% từ mức 5,8% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này là do giá cả vận chuyển và thực phẩm tăng mạnh và Bộ Tài chính gần đây đã cho phép các nhà bán lẻ tăng giá gas và xăng dầu.
“Tiến tới năm 2014 chúng tôi kỳ vọng giá cả sẽ còn tăng thêm đối với các mặt hàng năng lượng như điện và xăng dầu. Trong khi lạm phát năm 2014 dự kiến sẽ tăng trung bình 7,9%, Ngân hàng Nhà nước đang có cơ sở để giữ mức lãi suất ổn định trong quý 1/2014”, báo cáo viết.
Báo cáo cũng đưa ra nhận định rằng mặc dù hoạt động xuất khẩu trong năm 2014 sẽ tăng lên nhưng nhu cầu nội địa có thể sẽ vẫn trì trệ do tình hình nợ xấu vẫn đang treo lơ lửng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thành lập công ty quản lý nợ nhưng vẫn chưa giải quyết rốt ráo nhiều vấn đề về cải cách lĩnh vực tài chính. Để cải thiện tình hình thì Nhà nước cần phải thực hiện những cải cách thêm nữa để xử lý những khoản nợ xấu và giảm áp lực trong hệ thống tài chính.
“Nếu Việt Nam không thực thi những cải cách để giải quyết những vướng mắt thì đất nước sẽ còn tiếp tục tăng trưởng dưới mức tiềm năng khi các doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng bởi hệ thống tài chính bị đóng băng trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh. Cải tổ ngành ngân hàng, đầu tư cho hệ thống hạ tầng cơ sở, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và phát triển nguồn nhân lực là một vài cải cách cần được thực hiện để kích thích nền kinh tế phát triển lên một tầm cao mới”,
Để lại một bình luận