Vị trí: Các trung tâm logistics cần đáp ứng đồng thời các tiêu chí về vị trí như: Chọn khu vực được định hướng phát triển mạnh các hoạt động logistics và cơ sở hạ tầng logistics, khu tập trung nhiều hoạt động logistics, có cơ sở hạ tầng logistics phát triển. Đặc biệt, các trung tâm phải có quỹ đất rộng để có thể phát triển bền vững lâu dài, quá trình phát triển phải có tầm nhìn đến năm 2050-2100 mà không bị hạn chế do phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và địa phương, không bị giới hạn do phát triển của hệ thống giao thông vận tải trong vùng và đặc biệt phải đảm bảo nguyên tắc phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế thương mại cho vùng KTTĐ cũng như thúc đẩy và thuận lợi giao thương giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.
Cấu trúc: Cấu trúc của các trung tâm logistics quốc gia cần được định hướng phát triển thành các cụm trung tâm logistics. Trong đó sẽ có một trung tâm logistics lõi và chùm nhiều trung tâm logistics vệ tinh. Các trung tâm logistics vệ tinh sẽ được xác định trên cơ sở hệ thống ICD hiện tại .
Quá trình phát triển cấu trúc hệ thống trung tâm logistics quốc gia cần phát triển theo ba giai đoạn: Giai đoạn đầu: Tập trung phát triển cho 3 trung tâm logistics lõi và một số trung tâm logistics vệ tinh cấp 1 quan trọng nhất. Giai đoạn phát triển: Tập trung phát triển các trung tâm logistics lõi và phát triển các trung tâm logistics vệ tinh cấp 1, cấp 2, cấp 3,…. Giai đoạn hoàn thiện: Hoàn thiện và hiện đại hoá toàn bộ hệ thống trung tâm logistics về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị đảm bảo các hệ thống trung tâm logistics hoạt động hiệu quả, tương hỗ liên kết chặt chẽ.
Quy mô, thiết bị: quy mô diện tích khoảng 200-300 ha, cũng như có khu đất dự trữ từ 100-200 ha phục vụ cho chiến lược phát triển lâu dài. Trung tâm phải có hệ thống kho bãi hiện đại và trang thiết bị chuyên dụng để phục vụ tốt nhất cho khách hàng. Hệ thống giao thông nội bộ của trung tâm phải được quy hoạch cho phù hợp với hoạt động và kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông bên ngoài. Trung tâm cần có kho hàng riêng theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ các nhóm hàng chuyên biệt như hàng đông lạnh, hàng điện tử, hàng quý hiếm, hàng lỏng, hoá chất,…. Đặc biệt trung tâm cần phải được trang bị cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị CNTT hiện đại phục vụ hiệu quả công tác quản lý khai thác trung tâm cũng như phục vụ khách hàng với chất lượng dịch vụ trung tâm logistics tốt nhất.
Bên cạnh đó, các trung tâm logistics lõi cung cấp đầy đủ, chất lượng cao các chức năng của một trung tâm logistics quốc gia như: lưu kho bãi, xếp dỡ hàng, gom hàng, chia nhỏ hàng, phối hợp phân chia hàng, dịch vụ giá trị gia tăng logistics VAL, lưu giữ hàng hóa tối ưu, logistics ngược, chuyển tải, các dịch vụ hỗ trợ,… , cần có các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động của trung tâm như: cơ quan hải quan, kiểm dịch, ngân hàng, dịch vụ tư vấn, dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa, dịch vụ bao bì, bao gói, dãn nhãn,… Bên cạnh trung tâm logistics lõi, các trung tâm logistics vệ tinh các cấp cũng được thiết lập xung quanh trung tâm logistics lõi nhằm hỗ trợ cho trung tâm logistics lõi vừa đóng vai trò giảm tải vừa đóng vai trò nâng cao hiệu quả cho cả hệ thống cụm logistics.
Các trung tâm logistics vệ tinh về cơ bản cũng có kết cấu, trang thiết bị và các chức năng cơ bản như trung tâm logistics lõi nhưng có quy mô nhỏ hơn, cũng như có những cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và chức năng riêng đặc trưng cho vùng kinh tế thương mại mà trung tâm đó phục vụ. Các trung tâm logistics vệ tinh cấp 1 nên có diện tích quy mô từ 200-300 ha, các trung tâm logistics vệ tinh cấp 2 nên có diện tích quy mô từ 50-100 ha, cấp 3 nên có diện tích quy mô từ 20-30 ha. Các trung tâm logistics vệ tinh cũng cần phải được quy hoạch có quỹ đất dự trự để phát triển quy mô khi khối lượng hàng thông qua tăng lên cũng như lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của trung tâm phát triển.
Để lại một bình luận