Lĩnh vực du lịch được Đảng, Nhà nước ta xác định là thế mạnh của nền kinh tế. Song đến nay du lịch biển, đảo nước ta vẫn chưa thực sự có được dấu ấn riêng, vẫn chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính cạnh tranh cao so với khu vực và quốc tế, có rất ít khu du lịch biển tổng hợp đạt quy mô và trình độ quốc tế, một số khu du lịch hiện đại đã được đưa vào hoạt động nhưng còn bị vướng về cơ chế, chính sách như khu Hồ Tràm Ship (Bà Rịa – Vũng Tàu); vấn đề quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu sự thống nhất của các cấp, các ngành, đội ngũ nhân lực ngành du lịch thì lại luôn trong tình trạng thừa về số lượng thiếu về chất lượng, vấn nạn chèo kéo, đeo bám khách du lịch, “chặt chém” du khách tại các điểm du lịch gây nên một hình ảnh không tốt ảnh hưởng đến những nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam.
Ở các nước du lịch phát triển thì đầu tư cho công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch rất được chú trọng và quan tâm đúng mức. Song ở nước ta công tác đầu tư xúc tiến quảng bá du lịch vẫn còn hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, đặc biệt là quảng bá ra thị trường thế giới, còn thiếu các chương trình hội nghị, hội chợ chuyên về du lịch biển, đảo, chưa xây dựng các dự án du lịch bằng tàu biển, còn thiếu sự liên kết với các hãng du lịch biển trong khu vực và thế giới để phát triển du lịch biển, đảo. Các thủ tục về cấp Visa cho du khách quốc tế vẫn còn là rào cản cho phát triển du lịch nói chung và du lịch biển, đảo nói riêng.
Đối với các loại hải sản, trong những năm gần đây mặc dù cũng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhưng sản phẩm của chúng ta vẫn chủ yếu tiêu thụ nội địa; chưa tạo được thương hiệu trên thị trường thế giới, nhất là các loại đặc sản như Cá ngừ đại dương, Tôm sú, Cua, Hào, Mực…các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm còn rất hạn chế; nguyên nhân chính là do các phương tiện cho dịch vụ hậu cần thủy sản chưa được đầu tư công nghệ hiện đại, thiếu đồng bộ; chất lượng hải sản không cao; cho đến nay ngành thủy sản nước ta vẫn chưa thoát khỏi hình bóng của một nghề thủ công, trình độ sản xuất nhỏ, quy mô hộ gia đình, khai thác, đánh bắt theo kiểu “thời Mai An Tiêm”, sự phát triển còn mang tính tự phát theo cơ chế thị trường, chất lượng bảo quản hải sản còn kém, công nghệ chế biến còn lạc hậu; các chính sách cho ngư dân và doanh nghiệp kinh doanh thủy sản vay vốn ưu đãi của Đảng, Nhà nước còn nhiều bật cập, nhất là các doanh nghiệp dịch vụ hậu cần thủy sản, nên chưa tạo ra sự chuyển biến căn bản cho thủy sản; công tác dự báo thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước của các cơ quan chức năng còn chậm; công tác quản lý kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn còn hạn chế; việc chế biến xuất khẩu, chưa thực hiện tốt ở khu vực sản xuất nguyên liệu và bảo quản sau thu hoạch, chưa kiểm soát được chất lượng nguyên liệu, các văn bản pháp lý chưa thực sự đầy đủ, chưa đồng bộ và không được thực thi có hiệu quả, thiếu trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm, chưa có thanh tra chuyên ngành về chất lượng, an toàn vê ̣sinh thủy sản.
Để lại một bình luận