Khánh Hòa là tỉnh miền Trung có dân số khoảng 1,2 triệu người và là tỉnh ven biển với gần 400km đường bờ biển và 135km đường bờ ven đảo cùng với hơn 200 đảo lớn, nhỏ phân bố rải rác từ ven bờ đến giữa trùng khơi, có vùng biển sâu, lặng gió có thể phát triển hệ thống cảng biển hiện đại cho cả khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước cũng như hàng hải quốc tế.
Trong hơn hai thập kỷ qua Khánh Hòa luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của địa phương, trong đó đặc trưng du lịch Khánh Hoà là du lịch biển, đảo. Chính vì vậy Đảng bộ, chính quyền địa phương đã có những chính sách, chủ trương khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh. Ngân sách nhà nước đã chi hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông… và đào tạo nguồn nhân lực, nhằm hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch. Đồng thời xác định hoạt động du lịch không chỉ là nhiệm vụ của riêng của ngành du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch mà phải có sự nỗ lực góp sức của toàn xã hội, kể cả thái độ ứng xử của người dân. Đặc biệt, từ năm 1995, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã mạnh dạn giao quyền sử dụng đất lâu dài cho một số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính (kể cả nhà đầu tư nước ngoài) quản lý, khai thác một số diện tích trên những hòn đảo tuyệt đẹp giữa vịnh Văn Phong, Nha Trang, Cam Ranh… Sản phẩm du lịch của Khánh Hoà nhờ vậy mà phong phú, hấp dẫn và chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng du khách. Do vậy trong nhiều năm qua, Khánh Hòa là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế và thu ngân sách cao trong khu vực và cả nước. Khánh Hòa được biết tới không chỉ là địa phương có tiềm năng lớn về du lịch biển, đảo mà cũng là địa phương có tốc độ phát triển về công nghiệp khá. Năng lực kinh doanh và môi trường du lịch ngày càng được cải thiện, nhờ vậy số lượng khách, doanh thu và cả chỉ tiêu nộp ngân sách của ngành du lịch Khánh Hòa tăng bình quân trên 16%/năm. Riêng doanh thu du lịch Khánh Hòa tăng từ 6.9 tỷ năm 1990 lên 300 tỷ năm 2002 và 3.950 tỷ năm 2013, dự kiến đến năm 2020 doanh thu du lịch đạt 7.000 tỷ đồng.
Bên cạnh du lịch tỉnh Khánh Hòa đã huy động mọi nguồn lực của trung ương và địa phương cũng như huy động sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực dịch vụ hàng không, hàng hải, dịch vụ cảng biển như: Sân bay Cam Ranh nằm ở trung tâm bán đảo Cam Ranh, là một trong số ít sân bay có đường băng lớn và dài ở Việt Nam hiện nay, sắp tới sẽ được đầu tư xây dựng nâng cấp để trở thành sân bay quốc tế; cảng Cam Ranh có vị trí hết sức quan trọng về quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế; cảng Vân Phong, có độ nước sâu từ 20-30 m, tương đối kín gió…đã và đang quy hoạch xây dựng thành cảng trung chuyển Container quốc tế và khu kinh tế tổng hợp đa ngành gồm: thương mại, công nghiệp, du lịch, v.v… liên kết với hệ thống đường bộ, đường sắt, hàng không, có đủ khả năng để có thể cạnh tranh với các cảng trung chuyển Container đang hoạt động ở khu vực như: Singapore, Hồng Kông…
Với vị trí địa lý, điều kiện thiên nhiên ưu đãi, hệ thống giao thông vận tải thuận lợi, dịch vụ phát triển, tài nguyên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào; Khánh Hòa đã và đang có các chính sách ưu đãi để thu hút vốn đầu tư vào sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao, hướng sản xuất hàng xuất khẩu thay thế hàng nhập khẩu, công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ, hải sản; tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, dịch vụ cao cấp v.v… Khánh Hòa đã trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế – xã hội cao. Ngành công nghiệp tàu thuỷ của tỉnh cũng phát triển mạnh với hoạt động của nhà máy tàu biển Hyundai-Vinashin với quy mô lớn nhất Đông Nam Á, nhà máy đóng tàu Cam Ranh do Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam đầu tư cùng với nhiều các nhà máy có quy mô nhỏ và trung bình phục vụ đóng và sửa chữa các tàu chạy ven biển và thuỷ nội địa phục vụ du lịch, thể thao đã ngày càng khẳng định được khả năng đóng và sửa chữa tàu của tỉnh. Bên cạnh ngành chế biến thuỷ sản cũng được đầu tư nhất là khâu dịch vụ hậu cần thủy sản.
Nhờ có cơ chế, chính sách phù hợp với việc thực hiện các giải pháp đồng bộ trong những năm qua cơ cấu kinh tế của Khánh Hòa có sự chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ; năm 2010 là công nghiệp – xây dựng 43,5%; nông – lâm – ngư nghiệp 13%; dịch vụ 43,5% và năm 2015, cơ cấu kinh tế ước tính: công nghiệp – xây dựng là 45,0%, nông nghiệp là 8,0% và dịch vụ là 47,0%.
Để lại một bình luận