Là địa phương ven biển miền Trung với dân số khoảng 1,1 triệu người, có nhiều đảo, bán đảo. Đà Nẵng đã và đang trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Với mục tiêu, định hướng tổng quát là xây dựng Thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế – văn hoá – xã hội lớn, một cực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là hạt nhân gắn kết các địa phương, trở thành đầu tàu năng động, là trung tâm công nghiệp; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển và vận tải trong nước và quốc tế, cửa ngõ chính ra biển của các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và các nước tiểu vùng sông Mê Kông… Xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ lớn của Việt Nam, chuẩn bị cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp”, trong đó du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của thành phố và Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm du lịch, gắn với tổng thể du lịch Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam – Tây Nguyên, trong mối quan hệ quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Do đó Đảng ủy, Chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, khai thác và tận dụng nguồn vốn, kỹ thuật và quản lý trong nhân dân. Tỉnh đã đầu tư xây dựng riêng các KCN cho phát triển công nghệ thông tin, khu công nghệ cao.
Vì vậy trong những năm qua với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, Đà Nẵng đã đầu tư và phát triển các dịch vụ giải trí, ưu tiên giải trí cao cấp như: casino, sân golf, thể thao giải trí trên biển (thuyền buồm, lướt sóng, lặn biển); xây dựng các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tắm nước khoáng nóng; phát triển các tour, tuyến du lịch mới… Nâng cấp khu du lịch Ngũ Hành Sơn thành sản phẩm du lịch văn hóa – sinh thái đặc thù; phát triển làng đá mỹ nghệ, xây dựng công viên, vườn tượng, tôn tạo các di tích chùa chiền, hang động… Xây dựng phố đi bộ, phố ẩm thực, phố du lịch, các dịch vụ giải trí về đêm phong phú để thu hút và phục vụ du khách. Xây dựng tuyến du lịch sinh thái sông Hàn, tàu du lịch cao tốc, du thuyền, nhà hàng nổi, tour du lịch sinh thái sông Cu Đê – Trường Định…, do vậy đến năm 2014 cơ cấu kinh tế của địa phương đã dịch chuyển tích cực với tỷ trọng công nghiệp – xây dựng 36,33%, nông – lâm thủy sản là 2,56% và dịch vụ 61,11%. Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2020 cơ cấu kinh tế sẽ là: Công nghiệp – xây dựng 35-37%, nông nghiệp 1-3% và dịch vụ 62-65%.
Để lại một bình luận