TTTT có vai trò quan trọng trong việc truyền tải các tác động CSTT đến nền kinh tế, là cơ sở hạ tầng cho lưu chuyển tiền tệ. Mối quan hệ mật thiết giữa phát triển TTTT và CSTT là không thể phủ nhận bởi thông qua thị trường này mà CSTT mới tác động đến nền kinh tế thực. Một TTTT kém phát triển có thể cản trở các cú sốc thanh khoản từ NHTW và làm giảm hiệu quả của kênh truyền dẫn của lãi suất, từ đó làm giảm hiệu quả điều hành CSTT (Laurens, 2005).
Trong một nền kinh tế thị trường, nhất là nền kinh tế thị trường phát triển, lãi suất là biến số kinh tế rất nhạy cảm, chịu tác động bởi tổng hòa các nhân tố (thu nhập, mức giá, cung tiền, lãi suất quốc tế, tỷ giá…).Thêm vào đó, tác động chủ yếu của cơ chế truyền dẫn CSTT đến TTTT được thể hiện ở kênh lãi suất, bắt đầu từ sự lan truyền của hoạt động thị trường mở đến lãi suất thị trường hoặc thông qua kênh dự trữ hoặc thông qua quan hệ cung cầu tiền tệ. Trong điều kiện TTTT kém phát triển, việc điều tiết giá cả là rất khó khăn, nhất là khi lãi suất nền kinh tế được tự do hóa, đặt ra yêu cầu NHTW phải xây dựng được một hành lang/biên độ giao động của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, phát huy được hiệu quả của lãi suất chính sách trong định hướng thị trường.
Vì vậy, xu thế sử dụng lãi suất liên ngân hàng làm mục tiêu hoạt động thay cho tiền dự trữ đang trở nên ngày càng phổ biến ở các nước có thị trường tài chính phát triển và đang phát triển, nguyên nhân do: (i) Việc tự do hóa lãi suất đã làm cho lãi suất được xác định bởi các yếu tố thị trường hơn; (ii) Vai trò của lãi suất trong cơ chế truyền dẫn tác động CSTT đến nền kinh tế ngày càng tăng lên; (iii) Thị trường và các nhà đầutư ngày càng nhạy cảm với lãi suất hơn; (iv) Khả năng kiểm soát và đo lường lãi suất dễ dàng hơn (các số liệu về lãi suất có thể thu thập tức thì trong khi số liệu về cung tiền M2 chỉ có thể thu thập sau hàng tháng).
Trên thực tế, NHTW có thể lựa chọn các lãi suất ngắn hạn khác nhau làm lãi suất mục tiêu, dựa trên nguyên tắc: (i) lãi suất này phải là lãi suất chủ yếu của thị trường và có tác động đến các loại lãi suất khác; (ii) lãi suất này phải là lãi suất mà NHTW dễ dàng có thể kiểm soát và tác động theo mong muốn.
Trong từng thời kỳ, NHTW có trách nhiệm xác định mức lãi suất mục tiêu kỳ vọng cụ thể – là mức lãi suất mà NHTW mong muốn và cố gắng duy trì cho lãi suất thị trường cùng loại biến động xung quanh mức lãi suất này. Mức lãi suất mục tiêu kỳ vọng có các đặc điểm sau: (i) Là giá trị cụ thể trong từng thời kỳ của loại lãi suất mục tiêu mà NHTW lựa chọn; (ii) phản ảnh được những ưu tiên trong điều hành CSTT của NTHW; (iii) có thể là một mức cụ thể hoặc là một khung lãi suất bao gồm lãi suất trần và sàn. Thông thường, lãi suất mục tiêu kỳ vọng trong từng thời kỳ được NHTW thông báo để định hướng cho hoạt động của thị trường và NHTW sẽ can thiệp thông qua các công cụ điều hành CSTT của mình khi lãi suất thực tế biến động vượt mức lãi suất mục tiêu kỳ vọng của NHTW.
Việc điều hành CSTT của NHTW có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và các chức năng của TTTT. Việc gia tăng khối lượng và hoạt động giao dịch trong một số thị trường bộ phận của TTTT, nơi mà tại đó NHTW lựa chọn các công cụ hoạt động và phương thức can thiệp có thể giúp cải thiện độ sâu và sự phát triển của TTTT một cách tổng thể. Theo đó, việc NHTW lựa chọn phân khúc TTTT để điều hành CSTT mà không phải là một bộ phận nào khác hay việc sử dụng các công cụ thị trường trên TTTT thay vì sử dụng các công cụ phi thị trường (kiểm soát tín dụng) sẽ góp phần làm tăng khối lượng giao dịch và do đó, ảnh hưởng đến độ sâu cũng như sự phát triển toàn diện của TTTT (Loretan & Wooldridge, 2008).
Để lại một bình luận