Dịch vụ có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội của các quốc gia.
Trong quá trình sản xuất thì dịch vụ là “cầu nối” giữa các yếu tố “đầu vào” và “đầu ra”, nó thúc đẩy nền kinh tế phát triển năng động, hiệu quả. Sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ sẽ góp phần thúc đẩy sự phân công lao động xã hội, thúc đẩy chuyên môn hóa, tạo điều kiện cho lĩnh vực sản xuất tăng năng suất lao động, đáp ứng được nhu cầu đa dạng, phong phú của xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống xã hội.
Theo A.Fisher nhà kinh tế học người Mỹ thì: Phát triển dịch vụ sẽ tạo ra nhiều ngành nghề mới, tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần giải quyết một lực lượng lớn nguồn lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong nền kinh tế, làm giảm gánh nặng xã hội, giảm tiêu cực, tệ nạn xã hội; theo Ông khi nền kinh tế càng phát triển, khoa học kỹ thuật – công nghệ tiên tiến thì trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp có thể được thay thế nhiều bằng công nghệ hiện đại. Song trong lĩnh vực dịch vụ được coi là khó có khả năng thay thế nhất do đặc điểm kinh tế kỹ thuật của việc tạo ra nó, nên rào cản cho việc thay thế kỹ thuật, công nghệ là rất cao; trong khi đó độ co giãn nhu cầu về sản phẩm dịch vụ khi nền kinh tế ở trình độ phát triển cao là rất lớn, do vậy thì tỷ trọng lao động dịch vụ sẽ tăng nhanh.
Kinh tế dịch vụ có vị trí quan trọng trong sự phát triển chung của nền kinh tế quốc dân và ảnh hưởng lớn đến đời sống của con người.
Ngày nay các chuyên gia kinh tế dựa vào tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế các ngành (CN, DV, NN) của các quốc gia để đánh giá sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia đó, trong lĩnh vực dịch vụ người ta lấy các chỉ tiêu về quy mô, sự đa dạng, chất lượng dịch vụ, hiệu quả dịch vụ làm thước đo để đánh giá sự tăng trưởng kinh tế. Và như vậy khi xã hội càng phát triển, mức sống của người dân được nâng cao thì nhu cầu về các sản phẩm dịch vụ cũng tăng lên. Điều này có thể khẳng định xu hướng và nhu cầu về sự phát triển nhanh của dịch vụ trong nền kinh tế của các nước trên thế giới là tất yếu, lúc này dịch vụ sẽ giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế quốc dân. Dịch vụ là cầu nối giữa các yếu tố “đầu vào” và “đầu ra” trong quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Nó thúc đẩy nền kinh tế phát triển năng động hơn, chuyên môn hóa cao, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo thuận lợi, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Kinh tế dịch vụ phát triển sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, thu hút một lượng lớn nguồn lao động xã hội, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, làm tăng thu nhập cho nhân dân.
Do bao gồm hàng trăm lĩnh vực, trong đó có nhiều lĩnh vực cần có nhu cầu lớn về nhân lực mà máy móc, công nghệ khó có thể thay thế được. Ví dụ: Cơ cấu lao động trong ngành dịch vụ năm 1997 của Mỹ là 73,3%; Anh 71,6%; Pháp 67,1%; Hồng Kong 72,3%; Hàn Quốc 62%… [96], hay Nhật Bản là 58,7% (1997), hiện nay Chính phủ Nhật Bản vẫn khẳng định vai trò của kinh tế dịch vụ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế của đất nước.
Dịch vụ phát triển sẽ làm biến đổi cơ cấu kinh tế của quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả.
Theo nhà kinh tế học người Mỹ W.Rostow trong tác phẩm “Các giai đoạn phát triển kinh tế”. Ông đã đưa ra mô hình năm giai đoạn phát triển kinh tế thì ở các giai đoạn 1, 2 và 3 thì dịch vụ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn, nhưng đến giai đoạn 4 thì cơ cấu kinh tế sẽ chuyển dịch theo hướng công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp và đặc biệt đến giai đoạn 5 “Giai đoạn tiêu dùng” thì cơ cấu nền kinh tế là dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp. Sự dịch chuyển này sẽ làm cho nền kinh tế vận động hiệu quả, thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế cả về tổng sản phẩm trong nước (GDP) và tổng sản phẩm quốc dân (GNP), góp phần làm cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.
Dịch vụ phát triển còn là cầu nối quan trọng giữa các vùng miền trong cả nước, giữa trong và nước ngoài, tạo điều kiện thực hiện quá trình hợp tác, đan xen, hội nhập trong phát triển kinh tế giữa các quốc gia, dân tộc vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, bình đẳng, cùng phát triển và cùng có lợi.
Trong lý thuyết về “Quy luật tiêu dùng” của E. Engel (nhà kinh tế học người Đức cuối thế kỷ 19) ông cũng cho rằng khi xã hội càng phát triển, thu nhập xã hội càng cao thì tiêu dùng sản phẩm dịch vụ là hàng hóa cao cấp, còn hàng hóa nông sản chỉ là thiết yếu, hàng hóa công nghiệp là hàng hóa lâu bền và ông cho rằng tỷ lệ chi tiêu cho hàng hóa dịch vụ có xu hướng ngày càng tăng cao.
Trong tác phẩm “Tăng trưởng kinh tế ở các nước Châu Á gió mùa” của H.T.Oshima (Nhật Bản). Ông đã phân tích mô hình kinh tế hai khu vực, theo ông sự phát triển kinh tế phải trải qua ba giai đoạn, ở giai đoạn thứ ba ông có đề cập đến kinh tế dịch vụ; theo ông nền kinh tế sẽ chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp và sau đó là chuyển sang giai đoạn tiếp theo đó là “sự quá độ từ công nghiệp sang dịch vụ” và giai đoạn ba kết thúc tức là nền kinh tế đã phát triển đến giai đoạn cao nhất.
Theo đó sẽ đảm bảo tăng trưởng nhanh tổng sản phẩm xã hội (GDP, GNP), góp phần làm cho nền kinh tế phát triển bền vững. Phát triển dịch vụ có vai trò hết sức quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế – xã hội giữa các vùng, miền trong một quốc gia, dân tộc và hội nhập khu vực cũng như trên phạm vi toàn thế giới, nó là cầu nối hiệu quả nhất trong các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội.
Ngày nay, với sự phát triển mạnh của nền kinh tế thế giới, thì dịch vụ đang phát triển với tốc độ nhanh hơn các lĩnh vực khác trong nền kinh tế; khi thu nhập xã hội tăng cao thì nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dịch vụ sẽ tăng nhanh, nhiều loại dịch vụ mới như dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ lao động, dịch vụ tư vấn, thiết kế, dịch vụ thẩm mỹ… đây là động lực to lớn cho sự phát triển dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Kinh tế dịch vụ ngày càng có vị trí quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế nhất là ở các nước phát triển.
Kinh tế dịch vụ cũng đang trong xu hướng khu vực hóa, toàn cầu hóa, nó thể hiện mạnh mẽ giữa các nước trong khối ASEAN, các nước thuộc liên minh Châu Âu (EU), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (AFEC), Tổ chức thương mại thế giới (WTO), hay sự ra đời của TPP, AEC… đây là xu thế tất yếu đòi hỏi các quốc gia, nhất là các nước kém phát triển phải nắm bắt thời cơ để cùng hội nhập và phát triển.
Để lại một bình luận