1. Đối với hoạt động thương mại :
Những hạn chế trong bảo hộ quyền SHTT có thể bóp méo nền thương mại của một quốc gia. Một quốc gia có hệ thống bảo hộ yếu (về bản quyền) sẽ tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp, cụ thể như sao chép bất hợp pháp băng đĩa, phần mềm máy tính, v.v… thay vì nhập khẩu các sản phẩm này với giá cao. Bên cạnh đó, việc kiểm soát hoạt động buôn bán qua biên giới một cách lỏng lẻo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu các mặt hàng vi phạm và hàng giả. Nhà kinh doanh cũng có thể thay đổi phương án kinh doanh của mình do những hạn chế trong việc bảo hộ quyền SHTT. Ban đầu nhà kinh doanh có ý định triển khai phương án kinh doanh, nhưng nếu nhận ra những khiếm khuyết trong việc bảo hộ bí mật thương mại, có thể họ sẽ từ bỏ ý định này. Như vậy, hệ thống bảo hộ quyền SHTT yếu là một trong những lý do chính dẫn đến các hoạt động kinh doanh phi pháp và mang tính “chụp giật”. Trong trường hợp ngược lại, một hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh sẽ tạo điều kiện cho việc chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh, giảm thiểu rủi ro của quá trình kinh doanh và đó chính là tiền đề thúc đẩy sự phát triển của nền thương mại.
2. Đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ:
Một công ty đa quốc gia có nhiều lựa chọn khác nhau để xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường nước ngoài. Họ có thể đầu tư trực tiếp, hoặc liên doanh với doanh nghiệp địa phương thông qua góp vốn, công nghệ, nhân lực hay là chuyển giao công nghệ. Việc lựa chọn hình thức đầu tư và kinh doanh của nhà đầu tư phụ thuộc vào thị trường và hệ thống luật pháp của nước sở tại, trong đó hệ thống bảo hộ SHTT đóng một vai trò quan trọng. Nét đặc trưng của các công ty đa quốc gia là chúng thường sở hữu những khoản tài sản vô hình rất lớn, trong đó công nghệ là một trong những loại tài sản vô hình quan trọng nhất. Xét trên góc độ quyền SHTT, đó là các nhãn hiệu nổi tiếng, các sáng chế đã tạo nên danh tiếng của công ty và là một phần không thể mất đi của công ty. Các công ty đa quốc gia có xu hướng xây dựng các công ty 100% vốn của mình tại các nước có hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh, đối với nhà đầu tư, ưu điểm của hình thức này là có thể bảo hộ tốt bí mật công nghệ và nhãn hiệu hàng hóa, còn nhược điểm của nó là tốn kém, không tận dụng được hết các ưu thế mà địa phương đem lại và quốc gia được đầu tư không học hỏi được kỹ năng quản lý cũng như cách thức sản xuất.
Quyền SHTT còn ảnh hưởng đến kênh chuyển giao công nghệ. Công nghệ ở đây được phân loại thành loại dễ bắt chước và loại khó bắt chước. Loại công nghệ dễ bắt chước thường gồm có công nghệ sao chép băng đĩa nhạc, sản xuất đồ chơi, v.v… Có nhiều lý do dẫn đến hiện tượng bắt chước công nghệ, chẳng hạn, đối với các công ty nhỏ, việc bắt chước công nghệ nhằm phục vụ cho sản xuất kinh doanh, còn đối với các công ty có nhiều đối thủ cạnh tranh, việc nghiên cứu công nghệ của đối phương sẽ giúp họ khắc phục những nhược điểm của công nghệ hiện đang sử dụng và phát minh ra những công nghệ mới. Loại công nghệ khó bắt chước thường được sử dụng trong lĩnh vực dược phẩm và phần mềm máy tính. Việc bắt chước công nghệ sẽ giúp các chuyên gia trong ngành giảm bớt chi phí trong việc phát hiện và tạo ra những loại thuốc mới và nhanh chóng tung ra thị trường các sản phẩm cạnh tranh tương tự, thậm chí có thể là những sản phẩm ưu việt hơn. Nhìn chung, các sản phẩm máy móc, thiết bị y tế thường khó bắt chước. Tuy nhiên, dù tinh vi và phức tạp đến mức nào, tất cả các sản phẩm đều hàm chứa rủi ro bị lộ bí mật công nghệ, hay bị bắt chước. Chính vì vậy, các nhà đầu tư phải cân nhắc khá nhiều vấn đề khi tiến hành chuyển giao công nghệ. Một hệ thống bảo hộ SHTT mạnh có thể hạn chế việc sao chép, làm giả sản phẩm và tăng chi phí bắt chước. Bất kỳ quốc gia nào xây dựng được một hệ thống bảo hộ SHTT mạnh sẽ có điều kiện tiếp nhận các công nghệ tiên tiến phục vụ cho việc phát triển đất nước. Ngược lại, các quốc gia có hệ thống bảo hộ quyền SHTT yếu sẽ chỉ có cơ hội tiếp nhận các công nghệ đã phát minh từ lâu, thậm chí đã lỗi thời và mất dần giá trị khai thác.
3. Vai trò của hệ thống SHTT đối với phát triển kinh tế:
Bảo hộ SHTT không những mang lại lợi ích kinh tế cho chủ sở hữu sản phẩm trí tuệ, cơ quan nhà nước cấp giấy phép, mà còn cho những người mua quyền sử dụng tài sản trí tuệ đó.
Nhìn vào lịch sử phát triển của các quốc gia, nhất là các nước công nghiệp phát triển, sở hữu trí tuệ được đánh giá là loại tài sản chiếm vị trí quan trọng nhất đối với sự tăng trưởng của đất nước. Với mỗi phát minh, sáng chế ra đời và được bảo hộ, chủ thể sở hữu sản phẩm trí tuệ có được tỷ lệ tiền bản quyền cao hơn và có giá trị thị trường cao hơn nhiều lần, người mua quyền sở hữu trí tuệ và người xin cấp giấy phép sử dụng cũng vui lòng trả nhiều tiền hơn do có sự bảo hộ. Việc bảo hộ này nhằm giảm rủi ro trong các giao dịch thương mại về quyền sở hữu trí tuệ, nhưng đồng thời cũng tạo nguồn thu cho nhà nước thông qua việc cung cấp các hiệp định bảo hộ và nhân lên nhiều lần giá trị sử dụng của các tài sản trí tuệ đã được bảo hộ đó bằng việc thương mại hoá chúng, chính việc thương mại hoá các tài sản trí tuệ đã đem lại cho chủ thể sở hữu cũng như những người mua quyền sử dụng tài sản trí tuệ đó những lợi ích kinh tế. Ví như với việc mỗi năm có đến hàng trăm các phát minh, sáng chế mới ra đời, NOKIA không chỉ thu được lợi nhuận khổng lồ từ những sản phẩm trí tuệ mới này được cung cấp bởi chính hãng mà còn thu được nhiều tỷ USD từ việc bán bản quyền. Theo tài liệu của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới thì tổng thu nhập từ bản quyền về sáng chế trên toàn thế giới tăng từ 10 tỷ USD năm 1990 lên 110 tỷ USD năm 2000; riêng hãng máy tính IBM (Mỹ) năm 2000 đã thu được 1,7 tỷ USD.
Cụ thể có các công ty Việt Nam điển hình như, Công ty Phân lân Văn Điển thành công với hàng loạt các sáng chế và giải pháp hữu ích, như: Lò cao sản xuất phân lân nung chảy (1 BĐQ sáng chế, 2 BĐQ giải pháp hữu ích); Thiết bị và phương pháp sàng rửa phân loại nguyên liệu (1 BĐQ GPHI), phối liệu đóng bánh quặng phốt phát (1 BĐQ GPHI), phối liệu để sản xuất phân lân nung chảy… Hiệu quả đạt được là Công ty đã sử dụng 100% nguyên vật liệu trong nước, giảm tiêu hao nhiên liệu 70%, giảm tiêu hao điện 81%, làm lợi 253 tỷ đồng (1992-2002) v.v….; Giống lúa mới TH3-3 của PGS-TS Nguyễn Thị Trâm đã chuyển nhượng quyền với giá 10 tỷ đồng (6/2008); Cơ sở Duy Lợi cũng thành công với kiểu dáng công nghiệp Võng xếp được bảo hộ ở Việt Nam và nước ngoài, là doanh nghiệp thành công trong nước và nước ngoài, đã và đang phát triển mạnh mẽ và doanh thu tăng qua từng năm, chống vi phạm quyền SHTT thành công, chống cạnh tranh bất chính ở Nhật Bản và Hoa Kỳ. Có thể nói Duy Lợi là một trong những doanh nghiệp đã đi lên từ công cụ sở hữu trí tuệ.
Bảo hộ SHTT là công cụ cạnh tranh hữu hiệu cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế quốc gia
Đỗi với mỗi quốc gia, doanh nghiệp, năng lực sở hữu trí tuệ là một trong những năng lực nội sinh quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững. Quốc gia, doanh nghiệp nào có được càng nhiều quyền sở hữu trí tuệ thì năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp đó càng cao.
Với các nước đang phát triển, năng lực cạnh tranh thường thấp, khả năng tiếp cận thị trường hạn chế, cho nên để có thể phát triển bền vững và hội nhập hiệu quả, cần thiết phải đánh giá đúng vị trí quan trọng của sở hữu trí tuệ. Cách tốt nhất là phải tiếp cận các chuẩn mực quốc tế về sở hữu trí tuệ nhằm xây dựng hệ thống sở hữu trí tuệ có hiệu quả. Điều đó làm cho hoạt động sở hữu trí tuệ xét trên phạm vi quốc gia ngày càng có khuynh hướng tiến gần hơn tới chuẩn mực chung của thế giới.
Bảo hộ SHTT là phương tiện đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia và của từng doanh nghiệp
Bất kỳ tài sản hữu hình nào đều bị giới hạn bởi thời gian, không gian, khối lượng và giá trị của nó. Các tài sản hữu hình này không chỉ bị thu hẹp về quy mô, số lượng mà còn có khả năng bị thay thế bởi các sản phẩm mới do tri thức tạo ra. Do đó, sở hữu các tài sản hữu hình là sở hữu cái có giới hạn, còn sở hữu tri thức, trí tuệ của nhân loại là sở hữu cái vô hạn, vì vậy sẽ là vô cùng bền vững nếu chúng ta biết khai thác và sử dụng một cách hiệu quả – có thể nói sở hữu trí tuệ là sở hữu một thứ tài sản đặc biệt, khi sử dụng không những không mất đi mà còn có khả năng kiến tạo những sản phẩm trí tuệ cao hơn, là những tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững đối với những chủ thể sở hữu và xã hội.
Thực tiễn cho thấy, lợi nhuận lớn thường đổ dồn về những doanh nghiệp nào biết quan tâm đầu tư và khai thác sản phẩm trí tuệ của mình hay những quốc gia sở hữu nhiều phát minh, sáng chế của nhân loại. Vì lẽ đó mà hàng năm, hãng sản xuất danh tiếng như Nokia đầu tư hàng tỷ USD và huy động nhiều ngàn lao động trí tuệ trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, mỗi năm hãng này đệ trình đăng ký bảo hộ sáng kiến và giải pháp mới cho 500 phát minh các loại.
Tuân thủ hệ thống quản lý SHTT là cách thức để các nước đang phát triển tiếp cận bền vững hơn với các hoạt động đầu tư và hội nhập hiệu quả
Việc tạo dựng và củng cố giá trị của mọi đối tượng sở hữu trí tuệ là một quá trình đầu tư tốn kém về vật chất và trí tuệ. Do vậy, việc sao chép, mô phỏng, thậm chí đánh cắp nguyên vẹn các thành quả sáng tạo kỹ thuật – kinh doanh của đối thủ cạnh tranh là biện pháp hấp dẫn nhất để đạt mục tiêu lợi nhuận và chiến thắng. Nguy cơ chiếm đoạt các sản phẩm trí tuệ là nguy cơ thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng trong các nền kinh tế công nghiệp hoá. Bởi vậy, việc ngăn chặn nguy cơ này là vấn đề ám ảnh đối với các nhà đầu tư nước ngoài, họ sẽ chỉ chấp nhận chuyển giao công nghệ và thực hiện các biện pháp đầu tư, nếu họ nhận thấy có đủ cơ hội khai thác an toàn, hiệu quả công nghệ ở quốc gia dự định đầu tư.
Vì vậy, sẽ là sai lầm nếu cho rằng vì lạc hậu về kỹ thuật và công nghệ mà không cần phải có một sự bảo hộ công nghệ nào ở các nước đang phát triển. Cần thấy rằng, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng lo sợ rằng bảo hộ sở hữu trí tuệ lỏng lẻo sẽ dẫn đến việc thiếu kiểm soát đối với công nghệ được chuyển giao và như vậy công nghệ chuyển giao này sẽ dễ trở thành mục tiêu bị vi phạm bản quyền. Vì lẽ đó, xác lập được một hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả và việc tuân thủ hệ thống quản lý bảo hộ sở hữu trí tuệ một cách nghiêm túc sẽ là một điều kiện tiên quyết tác động đến quyết định đầu tư và chuyển giao của các công ty nước ngoài.
Hệ thống bảo hộ SHTT hiệu quả xóa bỏ được nguy cơ tụt hậu
Kinh nghiệm phát triển của Nhật Bản cho thấy, một quốc gia hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ mà không nhất thiết phải có nguồn lực vật chất dồi dào, mà vấn đề là nhận thức được giá trị thực sự của tài sản trí tuệ và việc bảo hộ các tài sản trí tuệ đó. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Tanzan Ishibashi đã từng nói: “ Tôi tin chắc rằng, đây là bí quyết phát triển công nghiệp của chúng tôi từ thời Meiji. Chỉ trong một nước đã nhận ra giá trị thực sự của hệ thống bảo hộ sáng chế và quyết tâm dùng mọi sức lực của nó để xây dựng hệ thống đó, người ta mới có thể hy vọng công nghiệp phát triển ”.
Một khi cơ sở hạ tầng và khả năng kỹ thuật cho việc cải tiến công nghệ đã được thiết lập ở một nước, nhất là ở các nước đang phát triển, hệ thống bảo hộ sáng chế sẽ thành một yếu tố thúc đẩy sự nghiệp cải tiến kỹ thuật. Bởi vậy, câu hỏi đặt ra cho các nước đang phát triển không phải là có thiết lập hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ hay không, mà phải là thiết lập như thế nào và vào lúc nào trong quá trình phát triển kinh tế, kỹ thuật của đất nước sẽ là phù hợp cho việc áp dụng một hệ thống bảo hộ toàn diện và hiệu quả.
Tóm lại, việc đánh giá và phân tích vai trò của quyền SHTT đối với phát triển kinh tế của một quốc gia là công việc tương đối phức tạp và cần phải được xem xét từ nhiều góc độ. Việc bảo hộ quyền SHTT tốt sẽ khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa và tạo uy tín cho sản phẩm. Ngoài ra, việc bảo hộ tốt sẽ dẫn đến giá thành sản phẩm cao, hạn chế các vi phạm như tình trạng khai thác công nghệ không được phép của người sở hữu bằng độc quyền, hay sản xuất hàng giả, hàng nhái và các vi phạm khác. Xét về lâu dài, hệ thống SHTT mạnh sẽ có tác dụng tốt trong việc phát triển công nghệ và kinh doanh lành mạnh, đóng một vai trò tích cực đối với công cuộc phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là, xét trên một khía cạnh nào đó, hệ thống bảo hộ SHTT yếu sẽ cho phép một quốc gia phát triển công nghệ với chi phí thấp. Đương nhiên, trong bối cảnh mới khi mà xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và chuyên nghiệp đang ngày càng trở thành nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia và toàn thế giới, chúng ta không thể và không muốn khuyến khích và áp dụng cách tiếp cận này. Thực tế chỉ ra rằng, hiện nay, đa phần các nước nghèo vẫn coi đây là giải pháp để hiện đại hóa công nghệ của mình và qua đó, phát triển nền kinh tế của mình. Song phải khẳng định rằng, một hệ thống SHTT mạnh luôn là cái đích cuối cùng trên con đường phát triển kinh tế của một nước.
Để lại một bình luận