Xét về mặt lịch sử, sản xuất hàng hoá là kiểu tổ chức sản xuất có sau sản xuất tự cấp, tự túc. Do vậy, sản xuất hàng hoá có nhiều ưu thế hơn hẳn so với sản xuất tự cấp, tự túc. Những ưu thế được thể hiện ở những khía cạnh chủ yếu sau đây:
Trước hết, do yêu cầu của qui luật cạnh tranh, liên quan đến sự sống còn của người sản xuất hàng hoá, buộc mỗi người sản xuất hàng hoá phải tìm cách để hạ thấp chi phí sản xuất, thông qua việc cải tiến kỹ thuật sản xuất, áp dụng công nghệ mới, cải tiến tổ chức sản xuất… Tất cả những nỗ lực đó của những người sản xuất hàng hoá một mặt, đem lại vị trí vững vàng của họ trên thị trường, mặt khác, đã thúc đẩy lực lượng sản xuất xã hội ngày càng phát triển.
Thứ hai, do động lực của lợi nhuận thúc đẩy, những người sản xuất hàng hoá vô tình hay hữu ý cũng đã thúc đẩy lực lượng sản xuất xã hội ngày càng phát triển.
Thứ ba, sự cạnh tranh để hạ thấp chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm giữa những người sản xuất hàng hoá không chỉ đem lại lợi nhuận cho họ, mà còn tạo ra cho xã hội ngày càng nhiều sản phẩm với chất luợng cao, giá cả hạ.
Tuy nhiên, sản xuất hàng hoá, kinh tế hàng hoá vận hành theo cơ chế thị trường cũng có những khiếm khuyết nhất định. Kinh tế thị trường luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra khủng hoảng kinh tế thừa hoặc thiếu, theo đó là tình trạng lãng phí tài nguyên của xã hội; là tình trạng thất nghiệp thường xuyên xảy ra. Kinh tế thị trường dẫn đến sự phân hoá xã hội, dẫn đến sự phá hoại môi trường… Để phát huy ưu thế của sản xuất hàng hoá, kinh tế hàng hoá và cao hơn là của kinh tế thị trường, hạn chế những khuyết tật của nó, rất cần tăng cường vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Vai trò đó có thể được thể hiện thông qua cơ chế quản lý vĩ mô, thông qua các chính sách và giải pháp định hướng, hoặc thông qua sự đầu tư trực tiếp của Nhà nước vào một vùng, ngành, sản phẩm nào đó.
Để lại một bình luận