Bước 1: Phân tích và đánh giá thực trạng tình hình tài chính và cơ cấu nguồn vốn của DN
Việc phân tích và đánh giá thực trạng tình hình tài chính và cơ cấu nguồn vốn của DN sẽ cho phép nhà quản trị tài chính nhìn nhận một cách khách quan, trung thực về tình hình tài chính và cơ cấu nguồn vốn hiện hành của DN. Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế tồn tại để xây dựng mục tiêu và phương án hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn DN. Mục tiêu chung hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn là nhằm nâng cao khả năng sinh lợi, giảm thiểu chi phí sử dụng vốn và gia tăng giá trị DN mà cụ thể là giảm bớt gánh nặng về áp lực đối với dòng tiền và lợi nhuận, cung cấp nguồn vốn mới phục vụ cho sự tăng trưởng nâng cao năng lực cạnh tranh của DN
Bước 2: Hoạch định cơ cấu nguồn vốn mục tiêu
Lý thuyết về cơ cấu nguồn vốn tối ưu đã cho rằng trong DN tồn tai một mức cơ cấu nguồn vốn tối ưu mà tại mức cơ cấu nguồn vốn này sẽ làm cân bằng giữa rủi ro và tỷ suất sinh lời dành cho chủ sở hữu của DN qua đó làm tối thiểu hoá chi phí sử dụng vốn bình quân và tối đa hoá giá trị DN. Tuy nhiên trong thực tế việc xây dựng một mức cơ cấu nguồn vốn tối ưu là khó khăn nên nhà quản trị tài chính phải căn cứ vào đặc điểm hoạt động kinh doanh cũng như từng giai đoạn phát triển của DN, mối quan hệ giữa rủi ro và tỷ suất sinh lời vốn chủ sở hữu để xây dựng mức cơ cấu nguồn vốn mục tiêu cho DN. Mức cơ cấu nguồn vốn mục tiêu cũng có sự thay đổi do sự biến động của các nhân tố bên trong và bên ngoài DN nên DN cần định kỳ đánh giá lại cơ cấu nguồn vốn nhằm điều chỉnh lại cơ cấu nguồn vốn mục tiêu và đảm bảo việc huy động vốn phải hướng đến mức cơ cấu nguồn vốn mục tiêu.
Bước 3: Xây dựng phương án và giải pháp hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn của DN
Căn cứ vào mức cơ cấu nguồn vốn mục tiêu đã xây dựng, DN cần phải xây dựng phương án và giải pháp hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn của DN. Phương án và giải pháp hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn phải được thực hiện theo lộ trình và căn cứ vào bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia. Giải pháp hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn phải xác định rõ được những vấn đề quan trọng bao gồm: kế hoạch điều chỉnh nợ vay; kế hoạch tăng vốn góp của chủ sở hữu hoặc tái cấu trúc sở hữu…
Bước 4: Tổ chức thực hiện và đánh giá giải pháp hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn
Sau khi đưa ra sự lựa chọn đối với phương án hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn việc hoạn thiện cơ cấu nguồn vốn được các DN tiến hành và trong quá trình tổ chức thực hiện có thể có sự điều chỉnh căn cứ vào tình hình thực tiễn của DN và bối cảnh kinh tế – xã hội. Ngoài ra, sau mỗi giai đoạn thực hiện việc hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn, DN nhất thiết phải có sự đánh giá lại kết quả, tính hiệu quả của phương án lựa chọn cũng như tiến độ thực hiện các biện pháp hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn để có sự điều chỉnh kịp thời và hợp lý.
Để lại một bình luận