Sau hơn 30 năm cải cách, thị trường tài chính Việt Nam đến nay đã hình thành đủ các cấu phần cơ bản với hai trụ cột chính là hệ thống ngân hàng (TTTT và thị trường tín dụng) và thị trường vốn (thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu); tuy nhiên, mức độ phát triển của từng cấu phần này là rất khác nhau và sự liên kết giữa các cấu phần chưa chặt chẽ để tạo nên một thị trường tài chính phát triển, thực hiện chức năng thu hút và phân bổ một cách hiệu quả nguồn lực tài chính cho nền kinh tế.
Xét về mặt quy mô tài sản, khu vực ngân hàng (hệ thống các tổ chức tín dụng – TCTD) đến nay vẫn đang giữ vị trí trụ cột trong hệ thống tài chính khi chiếm tới 96,2% tổng tài sản trong hệ thống tài chính; trong khi thị trường chứng khoán và bảo hiểm chỉ chiếm khoảng dưới 4%; bảo hiểm là 2,8% và công ty chứng khoán và quản lý quỹ là 1%.Tính đến tháng 12/2017, tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt 5,4 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 135% GDP. Tổng vốn huy động bình quân hàng tháng năm 2017 của các ngân hàng và TCTD đạt khoảng 7,4 triệu tỷ đồng.
Năm 2017, mặc dù giá trị giao dịch trái phiếu tăng cao nhưng tổng giá trị tham gia trái phiếu của các NHTM (bao gồm cả bảo lãnh và đấu thầu) chiếm 1,28% tổng vốn huy động và 1,23% tổng vốn cho vay của hệ thống ngân hàng nên tác động của thị trường chứng khoán đến hoạt động ngân hàng còn rất hạn chế.
Trái phiếu Chính phủ chiếm hơn 90% tổng giá trị trái phiếu lưu hành trên thị trường; tuy nhiên chỉ chiếm chỉ khoảng hơn 20% GDP cuối năm 2017, còn rất khiêm tốn nếu so với các nước trong khu vực. Tính thanh khoản trên thị trường trái phiếu vẫn ở mức khá thấp. Mặc dù số lượng trái phiếu Chính phủ phát hành tại Việt Nam là tương đối lớn, nhưng số lượng giao dịch hàng ngày lại rất ít. Thêm vào đó, số lượng nhà đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp tại Việt Nam còn rất hạn chế. Đồng thời, cơ sở công nghệ hạ tầng cho thị trường trái phiếu cũng còn chưa phát triển (trái phiếu Chính phủ chủ yếu được giao dịch qua thỏa thuận môi giới).
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam mặc dù khá tiềm năng và đang phát triển nhanh chóng, nhưng quy mô thị trường còn khá nhỏ (chỉ khoảng 1,25% GDP), chỉ giới hạn xung quanh các tổ chức tài chính lớn do hạn chế của khuôn khổ pháp lý về trái phiếu doanh nghiệp. Cũng giống như trái phiếu Chính phủ, phần lớn các nhà đầu tư đều mua trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường sơ cấp và giữ cho tới khi đáo hạn. Thêm vào đó, những tác động từ kinh tế vĩ mô cũng làm ảnh hưởng tiêu cực tới việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Việc tín dụng ngân hàng vẫn tiếp tục là nguồn cung vốn chủ yếu của nền kinh tế là một động lực thúc đẩy sự phát triển của TTTT Việt Nam nói chung và thị trường cho vay, gửi tiền truyền thống nói riêng. Tuy nhiên, điều này tạo gánh nặng cho hệ thống các TCTD khi đồng thời phải gánh vác cả chức năng cung ứng vốn trung và dài hạn cho nèn kinh tế trong khi bản chất của TCTD vốn dĩ là vốn ngắn hạn, tiềm ẩn không ít những rủi ro về chênh lệch kỳ hạn.
Thực tế trên cho thấy, nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể phát triển bền vững nếu như có một hệ thống tài chính với khu vực ngân hàng và thị trường vốn phát triển cân đối và hiệu quả. Mặt khác, với bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với những cam kết mở cửa thị trường vốn, nếu không kịp thời thay đổi sẽ tạo những thách thức không nhỏ tới thị trường vốn non trẻ nói riêng và toàn bộ thị trường tài chính nói chung của Việt Nam. Bởi vậy, định hướng cho việc phát triển thị trường vốn (thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm) đặt trong sự cân đối và hài hòa với sự phát triển của khu vực ngân hàng (TTTT, thị trường tín dụng ngân hàng) là yêu cầu cấp thiết hiện nay và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Từ nhiều năm nay, Đảng và Chính phủ cũng đã luôn định sự phát triển thị trường tài chính với việc dần chuyển sang cấu trúc dựa vào thị trường vốn song hành với sự phát triển hệ thống ngân hàng lành mạnh và hiệu quả.
Để lại một bình luận