TTTT ở Trung Quốc hình thành tương đối muộn, sau khi thống nhất được thị trường tín dụng liên ngân hàng và thị trường trái phiếu liên ngân hàng. Cùng với quá trình cải cách kinh tế nói chung và phát triển thị trường tài chính nói riêng tại Trung Quốc, TTTT ngày càng phát triển, nhanh chóng mở rộng cả về quy mô cũng như chất lượng hoạt động, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định của hệ thống tài chính cũng như thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển. TTTT ở Trung Quốc gồm các thị trường bộ phận sau:
(i) Thị trường tín dụng liên ngân hàng
Các nghiệp vụ cho vay liên ngân hàng của Trung Quốc bắt đầu hình thành từ năm 1984, sau khi Trung Quốc tiến hành bước cải cách quan trọng trong hệ thống ngân hàng. Thị trường tín dụng liên ngân hàng bao gồm: Hệ thống giao dịch điện tử tại trung tâm giao dịch tín dụng liên ngân hàng toàn quốc; Hệ thống các hoạt động cho vay của các chi nhánh Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC); Hệ thống các giao dịch khác do PBC chấp nhận.
Sự phát triển của thị trường tín dụng liên ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tự do hóa lãi suất tại Trung Quốc. Lãi suất trên thị trường tín dụng liên ngân hàng do các bên tham gia quan hệ tín dụng tự quyết định dựa trên cung cầu của thị trường. Các mức lãi suất hình thành trên thị trường (lãi suất Chibor và Shibor) nhanh chóng trở thành các mức lãi suất cơ sở, là cơ sở quan trọng trong định giá các sản phẩm tài chính khác.
(ii) Thị trường trái phiếu liên ngân hàng
Thị trường trái phiếu Trung Quốc gồm 3 bộ phận: thị trường trái phiếu liên ngân hàng quốc gia, các trung tâm giao dịch trái phiếu (Thượng Hải và Thẩm Quyến) và các quầy giao dịch trái phiếu tại các ngân hàng; trong đó thị trường liên ngân hàng đóng vai trò chủ đạo với hơn 97 % tổng quy mô giao dịch trái phiếu của toàn thị trường.
Các thành viên tham gia thị trường bao gồm: các tổ chức tài chính và các tổ chức phi tài chính có đủ tư cách pháp nhân; Bộ Tài chính, các ngân hàng chính sách, các công ty ủy thác và đầu tư quốc tế (CITIC)… PBC vừa đóng vai trò như thành viên của thị trường – một nhà bán buôn, thực hiện phân phối trái phiếu đến các nhà đầu tư tài chính, vừa đóng vai trò của cơ quan quản lý vĩ mô của nhà nước, duy trì sự vận hành ổn định của thị trường. Các nghiệp vụ thị trường mở trên thị trường trái phiếu liên ngân hàng đồng thời cũng là công cụ quan trọng để PBC thực hiện các CSTT, đặc biệt là từ khi nước này bãi bỏ chế độ quản lý bằng hạn mức tín dụng năm 1998.
Các loại trái phiếu được giao dịch chủ yếu trên thị trường bao gồm: tín phiếu NHTW, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu tài chính (được phát hành chủ yếu bởi các NHTM và các tổ chức tài chính phi ngân hàng như công ty chứng khoán), ngoài ra còn có nhiều loại trái phiếu khác như: trái phiếu của các tổ chức phi tài chính (thương phiếu), trái phiếu tài chính do các ngân hàng chính sách…được tiến hành giao dịch theo hai hình thức: giao dịch giao ngay (cash bond) và hợp đồng mua lại (repo).
Sự phát triển của thị trường trái phiếu liên ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành các trái phiếu Chính phủ và trái phiếu tài chính, góp phần tích cực để thực hiện chính sách tài khóa, cung cấp công cụ để thực hiện các hoạt động điều tiết thị trường tài chính ngân hàng, thực hiện CSTT, góp phần quan trọng cho việc tự do hóa lãi suất.
Ngoài ra, trên TTTT của Trung Quốc còn có hoạt động của Hiệp hội các tổ chức đầu tư trên thị trường tài chính (National Association of Financial Market Institutional Investors – viết tắt NAFMII) là hiệp hội phi lợi nhuận hình thành trên cơ sở tự nguyện của các thành viên tham gia thị trường liên ngân hàng (bao gồm thị trường tín dụng liên ngân hàng, thị trường trái phiếu liên ngân hàng, thị trường ngoại hối, thị trường thương phiếu và thị trường vàng). NAFMII được Quốc vụ viện thông qua, và Bộ Dân chính phê chuẩn thành lập vào ngày 3 tháng 9 năm 2007, trực thuộc sự quản lý của PBC.
Việc thành lập NAFMII thực chất là một trong những biện pháp của PBC nhằm nâng cao năng lực tự quản lý của thị trường trước khi tiến hành các bước nới lỏng dần các quy phạm pháp luật trên thị trường liên ngân hàng, đồng thời tạo ra những cơ quan hỗ trợ cần thiết cho PBC trong khi thị trường phát triển ngày càng mạnh mẽ. Mặc dù NAFMII là một hiệp hội độc lập nhưng các hoạt động của hiệp hội thực chất vẫn là thực thi và nâng cao chất lượng các hoạt động quản lý của PBC. Tuy nhiên việc ra đời của NAFMII cũng là động thái quan trọng để hình thành tính chủ động trong quản lý rủi ro và nâng cao năng lực hoạt động cho các thành viên, phần nào cũng cho thấy những bước chuyển đổi chủ động của Trung Quốc trong quá trình chuẩn bị cho việc mở cửa hoàn toàn thị trường.
Nhiệm vụ của NAFMII tập trung vào 3 nội dung chủ yếu: (i) tạo lập những quy tắc hoạt động trên thị trường và kêu gọi tính đồng thuận của tất cả các thành viên tham gia từ đó giúp thị trường vận hành ổn định; (ii) là cầu nối giữa các thành viên, giữa các thành viên với khách hàng, giữa các thành viên với các cơ quan quản lý, cơ quan lập pháp, tạo ra sự thông suốt về thông tin trên thị trường; (iii) tiến hành các hoạt động nghiên cứu, đào tạo tạo điều kiện để phát triển thị trường theo chiều sâu.
NAFMII đã tổ chức nhiều hội nghị đăng ký phát hành trái phiếu, giới thiệu đợt phát hành trái phiếu của các tập đoàn lớn, tạo điều kiện thuận lợi cũng như minh bạch hóa thông tin trong các đợt phát hành trái phiếu phi tài chính. Ngoài ra, tổ chức này cũng ban hành “Hiệp định giao dịch các sản phẩm tài chính phái sinh trên thị trường liên ngân hàng Trung Quốc” góp phần quan trọng trong việc hình thành các sản phẩm mới trên thị trường, tạo lập hành lang quản lý ngành nghề để các sản phẩm mới đó có thể hoạt động an toàn hiệu quả.
Để lại một bình luận