Logistics khởi nguồn từ một hoạt động chuyên môn trong quân đội với ý nghĩa là công tác hậu cần, đến nay thuật ngữ logistics đã được áp dụng cho mọi lĩnh vực kinh tế, được lan truyền giữa các quốc gia cũng như giữa các châu lục và do đó cũng có sự bổ sung và phát triển về ngữ nghĩa. Đến cuối thế kỷ 20, logistics được ghi nhận như một chức năng kinh tế chủ yếu, một công cụ hữu hiệu mang lại thành công cho các doanh nghiệp cả trong lĩnh vực sản xuất lẫn trong lĩnh vực dịch vụ.
Xu thế của kinh tế thế giới là toàn cầu hóa với ưu điểm tuyệt đối là làm cho nền kinh tế thế giới phát triển năng động và vững chắc hơn. Toàn cầu hóa khiến giao thương của các quốc gia, các khu vực trên thế giới phát triển mạnh mẽ và đương nhiên sẽ kéo theo những nhu cầu mới về vận tải, kho bãi và các dịch vụ hỗ trợ khác. Xu thế mới này dẫn đến sự phát triển tất yếu của logistics. Vì vậy, nghiên cứu về logistics là một yêu cầu cần thiết, quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc các ngành khác nhau, từ đó nâng cao hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế quốc dân và năng lực cạnh tranh giữa các quốc gia.
Ủy ban quản trị logistics quốc tế (1998) đã đưa ra định nghĩa về logistics như sau: “Logistics là quá trình hoạch định, tổ chức thực hiện và kiểm soát hiệu quả dòng lưu chuyển và dự trữ hàng hóa từ khâu bảo quản nguyên liệu thô đến khâu hoàn thiện sản phẩm cũng như các thông tin liên quan đến quy trình này từ điểm xuất phát đầu tiên đến nơi tiêu thụ cuối cùng nhằm thỏa mãn các yêu cầu của khách hàng”.
Dưới góc độ quản trị chuỗi cung ứng thì “Logistics là quá trình tối ưu hóa về vị trí, lưu trữ và chu chuyển các tài nguyên/yếu tố đầu vào từ điểm xuất phát đầu tiên là nhà cung cấp, qua nhà sản xuất, bán buôn, bán lẻ, đến tay người tiêu dùng cuối cùng thông qua hàng loạt các hoạt động kinh tế”.
Bên cạnh đó, còn có nhiều khái nhiệm về logistics từ các nguồn khác nhau phải kể đến là: “Logistics là việc tổ chức các hoạt động thực tiễn cần thiết nhằm để thực hiện một kế hoạch phức hợp thành công khi mà kế hoạch đó liên quan đến nhiều người và trang thiết bị”.
Hay theo quan điểm bảy đúng “Logistics là quá trình cung cấp đúng sản phẩm với đúng số lượng và đúng điều kiện tới đúng địa điểm vào đúng thời gian cho đúng khách hàng với đúng giá cả”.
Hoặc “Logistics là nghệ thuật và khoa học giúp quản trị và kiểm soát dòng chảy của hàng hóa, năng lượng, thông tin và những nguồn lực khác”.
Từ các khái niệm trên, theo quan điểm của tác giả: Logistics là một chuỗi các hoạt động liên tục, có quan hệ mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, được thực hiện một cách khoa học và có hệ thống qua các bước nghiên cứu, hoạch định, tổ chức, thực hiện, kiểm tra, kiểm soát và hoàn thiện từ khâu bảo quản, lưu trữ, vận chuyển nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm từ điểm xuất phát là nhà cung cấp đến nơi tiệu thụ cuối cùng nhằm thoả mãn nhu cầu khách hàng. Vì thế, logistics là quá trình liên quan tới nhiều hoạt động khác nhau trong cùng một tổ chức, từ xây dựng chiến lược cho đến các hoạt động chi tiết, cụ thể để thực hiện chiến lược.
Tại Việt Nam hiện nay, khi nói đến logistics người ta quá chú tâm vào khâu vận chuyển và lưu trữ – mà chưa quan tâm đúng mức đến nguồn tài nguyên đầu vào được lấy từ đâu và đưa đi đâu. Chính vì vậy mà cho đến nay rất nhiều người nhầm lẫn coi hoạt động logistics về cơ bản cũng giống như các hoạt động giao nhận, vận tải [41].
Logistics được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau, nếu theo hình thức tổ chức logistics thì có các hình thức sau:
Logistics bên thứ nhất (1PL-First Party Logistics): Người chủ sở hữu hàng hóa tự mình tổ chức và thực hiện các hoạt động logistics để đáp ứng nhu cầu của bản thân. Theo hình thức này, chủ hàng phải đầu tư vào phương tiện vận tải, kho chứa hàng, hệ thống thông tin, nhân công để quản lý và vận hành hoạt động logistics. 1PL làm phình to quy mô của doanh nghiệp và thường làm giảm hiệu quả kinh doanh, vì doanh nghiệp không có đủ quy mô cần thiết, kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn để quản lý và vận hành hoạt động logistics.
Logistics bên thứ hai (2PL-Second Party Logistics): Người cung cấp dịch vụ logistics bên thứ hai là người cung cấp dịch vụ cho một hoạt động đơn lẻ trong chuỗi các hoạt động logistics (vận tải, kho bãi, thủ tục hải quan, thanh toán,….) để đáp ứng nhu cầu của chủ hàng, hình thức này chưa tích hợp các hoạt động thành chuỗi logistics đồng nhất. Loại hình này bao gồm: các hãng vận tải đường biển, đường bộ, đường hàng không, các công ty kinh doanh kho bãi, khai thuê hải quan, trung gian thanh toán….
Logistics bên thứ ba (3PL- Third Party Logistics): Là người thay mặt cho chủ hàng quản lý và thực hiện các dịch vụ logistics cho từng bộ phận chức năng, như thay mặt cho người gửi hàng thực hiện thủ tục xuất khẩu và vận chuyển nội địa hoặc thay mặt cho người nhập khẩu làm thủ tục thông quan và vận chuyển hàng tới địa điểm quy định. Do đó 3PL bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau, kết hợp chặt chẽ việc luân chuyển, tồn trữ hàng hóa, xử lý thông tin, và có tính tích hợp vào dây chuyền cung ứng của khách hàng.
Logistics bên thứ tư (4PL-Fourth Party Logistics): Là người tích hợp, hợp nhất, gắn kết các nguồn lực, tiềm năng và cơ sở vật chất khoa học kỹ thuật của mình với các tổ chức khác để thiết kế, xây dựng và vận hành các giải pháp chuỗi logistics. 4PL chịu trách nhiệm quản lý dòng lưu chuyển logistics, cung cấp giải pháp dây chuyền cung ứng, hoạch định, tư vấn logistics, hướng đến quản trị cả quá trình logistics, như nhận hàng từ nơi sản xuất, làm thủ tục xuất, nhập khẩu, đưa hàng đến nơi tiêu thụ cuối cùng.
Logistics bên thứ năm (5PL- Fifth Party Logistics): phát triển gắn liền với thương mại điện tử. Các nhà cung cấp dịch vụ 5PL đứng ra quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng trên nền tảng thương mại điện tử.
Có thể phân loại logistics theo quá trình:
Logistics đầu vào (inbound logistics): là các hoạt động đảm bảo cung ứng tài nguyên đầu vào (nguyên liệu, thông tin, vốn,. ) một cách tối ưu cả về
vị trí, thời gian và chi phí cho quá trình sản xuất.
Logistics đầu ra (outbound logistics): là các hoạt động đảm bảo cung cấp các thành phẩm đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu cả về vị trí, thời gian và chi phí nhằm đem lại lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp.
Logistics ngược hay còn gọi là logistics thu hồi (reverse logistics): là quá trình thu hồi các phụ phẩm, phế liệu, phế phẩm, các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường phát sinh từ quá trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng trở về để tái chế hoặc xử lý.
Để lại một bình luận