Chỉ số TTX mới chỉ có ở cấp quốc gia, địa phương; ở cấp ngành/doanh nghiệp chưa có nghiên cứu thực hiện mà những nghiên cứu chỉ nêu ra hướng ngành tập trung nghiên cứu. Tuy nhiên, các phương pháp/quy trình xây dựng chỉ số đánh giá TTX này không được đưa ra hay chỉ rõ trong các nghiên cứu. Quy trình/phương pháp xây dựng chỉ số thường xuất hiện ở lĩnh vực PTBV cũng như SXBV. Do đó, luận án nghiên cứu các phương pháp/quy trình xây dựng chỉ số PTBV, SXBV; đánh giá, so sánh các phương pháp/quy trình xây dựng để đưa ra những ưu nhược điểm của các phương pháp/quy trình điển hình. Đó là xuất phát điểm, căn cứ hình thành phương pháp/quy trình xây dựng bộ tiêu chí của luận án.
Nghiên cứu xây dựng chỉ số PTBV, SXBV đã có ở cấp vùng/địa phương, cấp ngành, doanh nghiệp. Ở cấp thành phố/vùng, quy trình xây dựng chỉ số PTBV đã được đề cập đến trong các nghiên cứu Hartmut Bossel (1999) [19] khi xây dựng chỉ số bền vững ở cấp thành phố/vùng. Nghiên cứu sử dụng chuyên gia và thủ tục xác định chỉ số gồm 4 giai đoạn. Quy trình triển khai xây dựng chỉ số được thực hiện qua 10 bước. Barry Dalal- Clayton & Stephen Bass (2002) [34] xây dựng thủ tục 5 bước lựa chọn chỉ số có hiệu quả (tính đại diện tốt, tin cậy và khả thi) và cho rằng bộ chỉ số nên được phân chia theo thứ bậc. Trong một nghiên cứu khác, khi nghiên cứu xây dựng chỉ số đánh giá bền vững cho một địa phương, tác giả Lê Trịnh Hải & Phạm Hoàng Hải (2014) [25] sử dụng phương pháp Delphi thực hiện quan nhiều vòng lặp để đạt được sự đồng thuận cuối cùng của các chuyên gia. Ở cấp ngành, tác giả Nguyễn Công Quang (2016) [27] xây dựng bộ chỉ tiêu bền vững ngành Than dựa trên phương pháp áp lực-trạng thái-ứng phó (PSR), phương pháp này cũng đã được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) áp dụng khi xây dựng bộ chỉ số PTBV năng lượng (ISED). Ở cấp doanh nghiệp, nghiên cứu của Rahdari
H & Anvary Rostamy A. A (2015) [21] xây dựng bộ chỉ số bền vững chung cho các doanh nghiệp theo một quy trình mang tính hệ thống và cấu trúc cao.
Bên cạnh phương pháp/quy trình xây dựng chỉ số, các công cụ, kỹ thuật bổ trợ cũng được các nghiên cứu sử dụng để xây dựng chỉ số. Kỹ thuật phân tích quá trình (PAM) được sử dụng bổ trợ trong việc phân tích quá trình và hệ thống hỗ trợ cho việc xây dựng bộ chỉ số [89]. Phương pháp phân tích dòng NVL (MFA) là một phương pháp để xác định dòng vật chất vào và ra của một hệ thống [90]. Phân tích dòng NVL dựa trên phương pháp tiếp cận hệ thống và rất thuận lợi trong việc xem xét các tác động môi trường và kinh tế [91] cũng như ước tính các chỉ số môi trường, kinh tế và các chỉ số về chính sách. Trong một nghiên cứu khác, Tseng M.L (2013) [23] sử dụng mô hình cấu trúc thứ bậc dựa trên lý thuyết tập mờ với biến ngôn ngữ để đưa ra cấu trúc chỉ số sản xuất bền vững. Liu G (2014) [22] sử dụng toán mờ và các kĩ thuật tích hợp ra quyết định TOPSIS (Technique for Order of Preference by Similarity to Ideal Solution) để lựa chọn chỉ số và xác định tầm quan trọng của chỉ số. Các nghiên cứu của Tseng M.L (2013) [23] và Liu G (2014) [22] đều kết hợp sử dụng phân tích ra quyết định đa tiêu chuẩn (MCDA). Ra quyết định đa tiêu chuẩn cũng được Rowley Hazel V & cộng sự (2012) [20] tiếp tục phát triển trong các trường hợp phức tạp hơn. Việc tổng hợp, bổ sung các chỉ số cũng quan trọng, tuy nhiên khi số lượng chỉ số nhiều và không đảm bảo về mặt chất lượng thì cần thiết phải có các kỹ thuật giảm số lượng chỉ số xuống. Các kỹ thuật giảm chỉ số được Mascarenhas André & cộng sự (2015) [92] sử dụng bao gồm phép phân tích thành phần chính (PCA), phép mô phỏng Monte Carlo trên cơ sở cho điểm đánh giá các chỉ số theo các tiêu chuẩn.
Để lại một bình luận