– Tỷ lệ mức vốn hóa của TTCK so với GDP(%) mặc dù có tăng nhưng tổng giá trị vốn hóa còn thấp: Giai đoạn 2000 đến 2017 có sự biến động và có xu hướng tăng giai đoạn 2011-2017. Giai đoạn 2011-2017 là giai đoạn thực hiện đề án tái cổ phần hóa doanh nghiệp, mặc dù giai đoạn này tỷ lệ này có sự tăng trưởng mạnh từ 25,9 % năm 2011 lên 74,6% năm 2017 nhưng con số này còn chưa cao. Trên thực tế, ngân hàng thương mại vẫn là nơi cung cấp vốn chủ yếu cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế kể cả vốn ngắn hạn và dài hạn. Bởi vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa thể hiện là kênh dẫn vốn dài hạn quan trọng nhất của nền kinh tế.
– Hàng hóa trên thị trường chứng khoán về số lượng, chất lượng vẫn còn thấp: Mặc dù số lượng các nhà đầu tư chứng khoán trong và ngoài nước, tài khoản của các nhà đầu tư cũng gia tăng không ngừng giai đoạn 2000-2017 nhưng số lượng chứng khoán phát hành, giá trị chứng khoán phát hành, giá trị giao dịch thì vẫn còn thấp so với số lượng các doanh nghiệp của Việt Nam.
– Tính thanh khoản của thị trường chứng khoán còn hạn chế so với tiềm năng. Tính thanh khoản được xác định bằng tỷ lệ giữa giá trị giao dịch hàng năm so với mức vốn hóa của thị trường, gọi là tốc độ luân chuyển. Tốc độ luân chuyển thị trường trong giai đoạn 2007-2017 tăng liên tục, tuy nhiên hệ số luân chuyển của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn thấp so với một số nước trong khu vực. Điều này cho thấy rủi ro của thị trường luôn tiềm ẩn. Đặc biệt, tính thanh khoản của trái phiếu chính phủ là rất kém, mặc dù quy mô niêm yết là rất lớn, song số phiên đấu giá thành công không cao, đồng thời quy mô giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp vẫn còn rất hạn chế.
Để lại một bình luận