• Tiềm năng phát triển dịch vụ thủy sản trong vùng biển, đảo nước ta
Với vùng biển chủ quyền rộng hơn 1 triệu km2, cao gấp sáu lần mức trung bình của thế giới; nguồn lợi thủy hải sản của biển, đảo nước ta là vô cùng lớn với chủng loại rất phong phú, đa dạng. Theo điều tra của Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thuộc Đề án 47 đã và đang được thực hiện (2011-2015) với mục tiêu đánh giá được tổng thể hiện trạng, biến động nguồn lợi hải sản và nghề cá ở biển Việt Nam, giai đoạn 2011-2013 đã thống kê được 911 loài hải sản, thuộc 462 giống nằm trong 191 họ. Ngoài ra, 63 loài/nhóm loài chưa xác định được tên khoa học. Tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản biển Việt Nam ước tính trung bình khoảng 4,25 triệu tấn, trong đó, trữ lượng cá nổi nhỏ ước khoảng 2,65 triệu tấn (chiếm 62,4% tổng trữ lượng); hải sản tầng đáy khoảng 487 ngàn tấn (chiếm 11,5%); giáp xác 79 ngàn tấn (chiếm 1,9%); cá rạn san hô (2,6 ngàn tấn, chiếm 0,1%); cá nổi lớn (1.031 ngàn tấn, chiếm 24,3%). Về cơ cấu thủy sản là hết sức phong phú, nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao; đây là nguồn lợi thủy sản vô cùng to lớn cho phép chúng ta có thể khai thác, chế biến không thua kém bất kỳ một quốc gia ven biển nào. Vùng ven biển, đảo nước ta còn có hơn 6 vạn héc ta là nơi sản xuất muối quan trọng và thiết yếu phục vụ cho đời sống của nhân dân trong nước và xuất khẩu. Có thể nói đây là những lợi thế về nguồn tài nguyên biển, đảo vô cùng dồi dào mà Việt Nam có được.
Trong số các ngành kinh tế biển, thủy sản không chỉ là một ngành kinh tế biển truyền thống, mà còn phát triển thành một ngành kinh tế sản xuất hàng hóa lớn và đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế, thủy sản đã và đang phát huy lợi thế của nguồn tài nguyên tái tạo, có lực lượng lao động dồi dào, ngư dân có khả năng bám biển dài ngày và có mặt trên khắp vùng biển (hàng ngày có khoảng 10.000 tàu hoạt động trên khắp vùng biển). Ngư dân chính là lực lượng bổ sung cho các hoạt động kinh tế biển khác và cũng là lực lượng bảo vệ biển, đảo góp phần “dân sự hóa” các hoạt động của Việt Nam trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Với những tiềm năng, lợi thế đặc biệt về nguồn lợi thủy sản của nước ta thì việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hậu cần thủy sản là điều kiện để đẩy mạnh phát triển kinh tế dịch vụ đây được coi là mũi nhọn của nền kinh tế đất nước.
Để lại một bình luận