Trên thế giới các quốc gia có biển, đảo đã tận dựng được lợi thế đặc biệt của biển, đảo để phát triển nhiều ngành kinh tế mũi nhọn như: Singapor phát triển dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics và du lịch; Hồng Kong, Đài Loan, phát triển dịch vụ cảng biển, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ du lịch biển; Malaysia, Thái Lan phát triển dịch vụ cảng biển và logistics, dịch vụ du lịch, phát triển các dịch vụ thủy sản,… đã trở thành những trung tâm hàng hải và đô thị cảng biển hàng đầu châu lục và trên thế giới, trở thành những “con Hổ, con Rồng Châu Á”. Trong khi nước ta đã hội tụ đầy đủ các yếu tố cho phát triển các ngành kinh tế biển, đảo cùng với hàng trăm các hoạt động dịch vụ trong vùng biển, đảo để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Song đến nay kinh tế biển, đảo chỉ chiếm một tỷ trọng khiêm tốn trong tổng GDP của xã hội.
Tình hình phát triển ngành dịch vụ khai thác khoáng sản.
• Tiềm năng khoáng sản trong vùng biển, đảo nước ta.
Vùng biển, đảo nước ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản vô cùng phong phú, nhiều nguồn khoáng sản quý hiếm và có trữ lượng lớn, có giá trị kinh tế cao, trước hết là nguồn dầu khí với tổng trữ lượng dầu khí dự báo địa chất của toàn thềm lục địa khoảng 10 tỷ tấn dầu qui đổi, trữ lượng khai thác 4 – 5 tỷ tấn; trữ lượng khí đồng hành 250 – 300 tỷ m3. Ngoài ra vùng ven biển có nhiều loại khoáng sản như vật liệu xây dựng cùng các loại khoáng sản có giá trị khác như than, sắt, ti tan, cát thuỷ tinh, một số mỏ sa khoáng có chứa Inmenit, Rutin, Monazit, Ziacon và các biểu hiện Manhêtit, Caxiterit, Vàng, Crôm, Corindon, Topa, Spiner, đặc biệt là khu vực quần đảo Hoàng Sa của nước ta có tiềm năng băng cháy rất lớn… có thể nói đây là những nguồn tài nguyên tự nhiên vô cùng quý giá mà thiên nhiên ban tặng. Do đó các dịch vụ phục vụ cho công tác thăm dò, tìm kiếm, khai thác và chế biến khoáng sản là vô cùng lớn, đây là một lĩnh vực dịch vụ hết sức đặc thù, đòi hỏi về trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, tiên tiến, đầu tư lớn và đặc biệt là đòi hỏi phải có trình độ khoa học – công nghệ cao, nhưng đây cũng là một lĩnh vực dịch vụ có thể đem lại nhiều giá trị kinh tế cao và là nguồn thu nhập tốt người lao động và góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
• Tình hình khai thác và dịch vụ khai thác khoáng sản trong vùng biển, đảo nước ta
Với sự đa dạng về khoáng sản, trong có một số khoáng sản quý hiếm và trữ
lượng lớn. Biển, đảo nước ta được xác định là một trong ít các vùng biển giàu tài nguyên, khoáng sản trên thế giới.
– Về khai thác dầu khí, khí đốt: Đây là nguồn khoáng sản chủ lực, có giá trị kinh tế cao, do vậy việc thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, thương mại, xuất khẩu, gắn liền với hàng trăm các hoạt động dịch vụ đi kèm như: Dịch vụ khảo sát địa lý, địa chấn, địa chất công trình và dịch vụ định vị phục vụ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và các công trình công nghiệp trên biển; dịch vụ cung ứng lao động chuyên ngành dầu khí, hàng hải, phiên dịch, thuyền viên làm việc trên các tàu thuyền và phương tiện nổi, dịch vụ quản lý, khai thác, thuê, cho thuê tàu và các phương tiện nổi (bao gồm các tàu dịch vụ chuyên ngành, tàu vận chuyển các sản phẩm dầu khí v.v…); môi giới hàng hải, dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, hoán cải, mua bán vật tư và trang thiết bị phục vụ sản xuất của tàu thuyền và các phương tiện nổi; dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa lắp đặt công trình ngầm dầu khí, thuê và cho thuê tàu biển, mua bán vật tư, trang thiết bị phục vụ cho ngành dầu khí và vận tải, dịch vụ sửa chữa, đóng mới tàu biển và công trình dầu khí, dịch vụ đại lý hàng hải, có thể đem lại hàng tỷ USD/ năm. Song đến nay các dịch vụ khai thác dầu khí của nước ta vẫn còn quá khiêm tốn.
Theo số liệu của Tổng cục dầu khí Việt Nam (VietsovPetro) tính đến năm 2012 các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí và khí đốt trong vùng biển, đảo của nước ta (phần lớn là khu vực biển Đông Nam Bộ) thì có tới 2/3 các dịch vụ chủ yếu là của các nhà đầu tư nước ngoài, đây là những dịch vụ đem lại nhiều lợi nhuận cao như dịch vụ khoan thăm dò, dịch vụ bảo trì giàn khoan, dịch vụ vật tư, thiết bị sơn, dịch vụ xuất – nhập khẩu dầu khí, dịch vụ thương mại và đại lý dầu, dịch vụ vận tải biển…
Cũng theo các chuyên gia về ngành dầu khí thì khi một hợp đồng ký trước khi được triển khai thì chi phí cho lĩnh vực dịch vụ chiếm khoảng 50% giá trị của cả hợp đồng với hàng chục lĩnh vực dịch vụ, đây là một con số khá lớn. Tuy nhiên năm 2001 thì các nhà thầu phụ về dịch vụ của Việt Nam mới chỉ chiếm được doanh thu khoảng 150 triệu USD trong số khoảng 3 tỷ USD, còn khoảng 90% (2,85 tỷ $) hoạt động dịch vụ đều rơi vào tay các nhà thầu dịch vụ nước ngoài; đến năm 2010 tăng lên khoảng 35%; còn khoảng 65% giá trị dịch vụ trong tay các công ty dịch vụ quốc tế.
– Về khai thác các loại khoáng sản khác: Ngoài dầu khí biển, đảo nước ta còn các khoáng sản như than đá, mỏ phosphat ở quần đảo Hoàng Sa với trữ lượng rất lớn, cát thủy tinh, cát xây dựng, mỏ ti tan; gần đây các nhà địa chất Hoa Kỳ cho công bố “Biển Việt Nam nằm trong khu vực Biển Đông đứng hàng thứ 5 ở châu Á về tiềm năng băng cháy”. Song hiện nay việc khai thác các tài nguyên khoáng sản còn thiếu quy hoạch, thiếu giám sát, thiếu sự quản lý của các cơ quan chức năng, đã dẫn đến khai thác hết sức bừa bãi, gây thất thoát, lãng phí rất lớn.
– Về bảo tồn và khai thác hệ thống sinh vật biển: Vùng ven biển, đảo nước ta có một hệ sinh vật hết sức phong phú, đa dạng, như rừng Đước, rừng Sú vẹt, rừng cây Phi lao, các loại cua, cáy,…Tuy nhiên trong mấy chục năm qua việc chặt phá hệ thống rừng phòng hộ ven biển trở nên khá phổ biến đặc biệt là khu vực miền Trung; các khu bảo tồn sinh vật biển trong khắp cả nước bị xâm phạm nghiêm trọng, nhiều loại thủy, hải sản quý hiếm bị khai thác cạn kiệt đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo vệ môi trường sinh thái ven biển, đảo, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của cư dân ven biển.
Để lại một bình luận