Hệ thống giáo dục tỉnh Thanh Hóa có tất cả các cấp học và mô hình trường học công lập hiện có ở Việt Nam. Hệ thống giáo dục phổ thông tại địa phương có trường mầm non đến các trường phổ thông (tiểu học, THCS, THPT) và các trường đa cấp (tiểu học và THCS, THCS & THPT). Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm quản lý chung về giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh, giúp UBND cấp tỉnh quản lý các cơ sở giáo dục cấp tỉnh (các trường cao đẳng, trung cấp, các trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp THPT, trường phổ thông DTNT, trung tâm GDTX cấp tỉnh, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp cấp tỉnh và các cơ sở giáo dục khác theo quy định của UBND cấp tỉnh). Cấp huyện và cấp xã quản lý các trường mầm non, tiểu học, THCS, trường phổ thông có nhiều cấp học không có cấp THPT, trường phổ thông dân tộc bán trú và các cơ sở giáo dục khác (nếu có).
Giai đoạn 2011-2017, ngành giáo dục Thanh Hóa xác định nhiệm vụ là phát triển giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hoá, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, đào tạo nhằm huy động mọi nguồn lực vào phát triển giáo dục – đào tạo. Đến năm 2015, có 100% giáo viên ở các bậc học đều đạt chuẩn, trong đó 30 – 35% trên chuẩn. Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, hoàn thành việc kiên cố hoá trường, lớp học trên địa bàn Tỉnh trước năm 2015; đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia, đến năm 2020 tỷ lệ trường đạt chuẩn ở mầm non 65%, tiểu học 65%, THCS 65% và trung học phổ thông 50%. Duy trì và củng cố thành quả phổ cập THCS và triển khai phổ cập trung học phổ thông, phấn đấu hoàn thành phổ cập trung học phổ thông trước năm 2020
Với tinh thần đó, đến năm 2017, toàn tỉnh có 2.140 trường với trên 740.000 học sinh: Mầm non 662 trường; Tiểu học 694 trường; Tiểu học và THCS: 19 trường; THCS: 629 trường; THCS và THPT: 06 trường; THPT: 101 trường; Trung tâm GDTX – dạy nghề: 28; Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp: 1 trung tâm; 635 trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn, đạt 100% số xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng.
Giai đoạn 2011-2017, quy mô giáo dục phát triển hợp lý, chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên; kết quả thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và thi đại học luôn ở tốp đầu cả nước. Việc thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ở các cấp học, bậc học có chuyển biến; chất lượng giáo dục miền núi được nâng lên; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS được giữ vững; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trước thời hạn; đã chuyển các trường mầm non bán công sang công lập; chỉ đạo giải quyết giáo viên dôi dư và chấn chỉnh việc tuyển dụng, điều chuyển, bổ nhiệm cán bộ, giáo viên; từng bước khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định và lạm thu trong các nhà trường.
Kết quả hoạt động của ngành giáo dục trên các mặt cụ thể như sau:
Số lượng các trường mầm non, tiểu học, THCS được sắp xếp lại và phát triển theo hướng hợp lý đã góp phần gia tăng số lượng học sinh đến trường ở các cấp học. Giai đoạn 2011-2017, mục tiêu về duy trì tỷ lệ trẻ đến trường ở các cấp học cơ bản đạt được. Tỷ lệ học sinh đi học tiểu học đạt 100%, THCS đạt khoảng 95%, THPT đạt từ 60-69%. Tỷ lệ trẻ em đi học đúng tuổi ở các cấp học cũng cơ bản đạt mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn. Trong đó, tỷ lệ trẻ em đi học đúng tuổi cấp tiểu học đạt trên 98%; cấp THCS đạt từ 93-97%; cấp THPT đạt khoảng 60% (riêng năm học 2016-2017 đạt 85%). Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào tháng 4/2015; Kết phổ quả cập giáo dục tiểu học và THCS đúng độ tuổi được duy trì và giữ vững.
Sự phát triển của ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2017, đặc biệt là những kết quả phát triển giáo dục cơ bản sẽ tạo ra động lực và những tiền đề vững chắc cho việc đổi mới phương thức quản lý giáo dục, quản lý chi NSĐP cho GDCL. Việc đổi mới quản lý chi NSĐP cho GDCL trong giai đoạn tới sẽ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững giáo dục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Cơ sở vật chất được đầu tư; số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng được cải thiện. Số lượng giáo viên ở các cấp học cơ bản được duy trì ổn định. Số giáo viên mầm non năm 2012 có sự tăng đột biến so với năm 2011 do thực hiện chuyển các trường mầm non bán công thành trường công lập. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn xấp xỉ 100% ở các cấp học. Tỷ lệ học sinh/giáo viên ở các cấp học cơ bản đáp ứng định mức quy định về số lượng giáo viên/lớp. Tuy nhiên, số lượng giáo viên mầm non vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu so với định mức quy định. Tỷ lệ học sinh/giáo viên dao động từ 14-17 học sinh/giáo viên trong khi định mức quy định từ 8-13 học sinh/giáo viên tùy theo nhóm lớp, nhóm trẻ và theo vùng miền.
Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập ngày càng được quan tâm đầu tư. Số lượng phòng học cơ bản đáp ứng được yêu cầu học tập của học sinh, tỷ lệ phòng học kiên cố ở các cấp học được duy trì, trong đó, bậc mầm non có tỷ lệ phòng học kiên cố là 72,6%; tiểu học 81,4%; THCS 94,24%; THPT 96,52%.
Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cơ bản đạt mục tiêu đề ra đầu giai đoạn, trong đó, mầm non đạt 56%, tiểu học 81%, THCS 57%, THPT 28%.
Để lại một bình luận