Cuối năm thường là mùa của hội họp và tiệc tùng. Vì vậy, bạn cần chú ý nhiều điều khi tham dự các buổi tiệc bởi các sự kiện này có thể mang đến cho bạn nhiều cơ hội bất ngờ, hay thậm chí làm ảnh hưởng đáng kể đến công việc của bạn.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu năm nay, theo nhận định của Jacqueline Whitmore, tác giả quyển sách Business Class: Etiquette Essentials for Success at Work, các buổi tiệc tùng công sở sẽ khó mà tổ chức với quy mô lớn, tuy nhiên, bạn không thể vì thế mà lơ là hình ảnh của mình. Tại các sự kiện cuối năm, bạn và đồng nghiệp sẽ có dịp tiếp xúc gần gũi hơn, do đó, bất cứ khuyết điểm nào lộ ra cũng rất dễ bị “soi”’ bằng kính hiển vi. Hãy vận dụng các mẹo nhỏ dưới đây để đảm bảo bạn không tự làm hỏng ấn tượng của mình trong mắt đồng nghiệp.
Không nên
Mang theo khách không mời: do điều kiện kinh tế,các bữa tiệc nho nhỏ tại công sở cuối năm nay có thể không bao gồm sự tham dự của vợ/chồng/người yêu của nhân viên. Ngay cả khi những năm trước công ty bạn có tiền lệ mời luôn cả người thân hay gia đình của nhân viên thì năm nay chưa chắc sẽ mặc nhiên theo lệ cũ. Theo Whitmore, “Nếu bạn không chắc chắn về vấn đề này, hãy hỏi cụ thể ban tổ chức, nhất là khi trên thiệp mời không ghi rõ về người đi kèm. Dù gì, hãy tôn trọng yêu cầu của bữa tiệc và không bình phẩm hay kì kèo.”
“Nhập vai” quá mức: Whitmore chia sẻ, “Một trong những điều mà tôi không thể chịu được chính là việc nhiều người uống bia rượu ‘thả giàn’ tại các buổi tiệc. Dù sao đây cũng là sự kiện của công ty nên bạn cần thể hiện tác phong chuyên nghiệp. Hẳn bạn sẽ không muốn mình trở thành chủ đề bàn tán của mọi người vào hôm sau chứ? Bạn cũng đừng tỏ ra thắc mắc nếu đồng nghiệp nào đó vốn nổi tiếng là ‘ngàn ly không say’ lại tỏ ra khá thận trọng với bia rượu trong bữa tiệc. Họ đang giữ gìn hình tượng chuyên nghiệp của mình đấy.”
Lúc nào cũng công việc: Đừng nói quá nhiều về công việc. Dù gì đây cũng là thời khắc thư giãn, nên đừng khiến đồng nghiệp phải nghe thêm các vấn đề rắc rối. Hãy để những chuyện công việc “yên vị” tại công sở. Nếu người thân hay gia đình của bạn cùng tham gia vào cuộc đối thoại thì họ sẽ cảm thấy rất buồn chán vì chẳng biết gì về chủ đề bạn đang thảo luận.
Xầm xì buôn chuyện: Thường mọi người đều rất thoải mái tại các dịp tiệc tùng, nên rất dễ “rượu vào lời ra”, khiến bạn có những bình phẩm không hợp lẽ, kể hoặc hùa theo những câu chuyện cười có chút khiếm nhã. Vì vậy, hãy đặc biệt chú ý đến những gì bạn nói, nhất là các bình phẩm của mình. Whitmore cho biết, “Chúng ta ai cũng muốn vui vẻ tại các bữa tiệc, nhưng hãy nhớ đây là tiệc công sở, đừng để bản thân thoải mái quá mức.”
Nên
Mang theo khách mời khác, nếu được phép: Whitmore cho biết, sẽ là một ý hay nếu bạn có thể mang theo một vị khách mời đặc biệt nào đó trong trường hợp công ty cho phép. Đó có thể là người yêu, vợ chồng, đối tác… Điều này cho phép các đồng nghiệp nhìn nhận và hiểu thêm về bạn dưới góc độ cá nhân.
Tiếp xúc với sếp và lãnh đạo cấp cao: Hãy tận dụng cơ hội này để tiếp xúc với các cấp quản lý tại công ty. Ngày thường chưa chắc gì bạn đã có điều kiện để làm quen và tiếp cận họ do lịch làm việc dày đặc hoặc đôi khi khoảng cách chức vụ khiến bạn có phần ngại ngần. Thông thường, tại các buổi tiệc tùng xã giao, các vị lãnh đạo thường thoải mái và gần gũi hơn, vì vậy, tại sao bạn không mạnh dạn bước đến để tự giới thiệu mình và thảo luận các chủ đề như sở thích hay các mối quan tâm cá nhân. Đây là cơ hội trọng yếu để tạo ấn tượng ban đầu, nếu bạn hoàn toàn chưa có dịp làm điều đó, hãy nắm bắt thật tốt.
Gu thời trang đúng mực: Ăn mặc xuề xòa hay quá cầu kỳ tại các buổi tiệc công sở dễ khiến người khác có ấn tượng xấu với bạn. Đây không phải là dịp để bạn khoe thời trang quá hớp dù thân hình bạn có chuẩn đến đâu đi nữa. Hãy mặc những trang phục đặc biệt hoặc trịnh trọng hơn thường ngày, nhưng cũng đừng quá cách điệu giống những kiểu áo bạn mặc đi chơi với bạn bè. Quan trọng bạn phải thể hiện được phong cách chuyên nghiệp.
Vui vẻ hòa mình: Viễn cảnh kinh tế năm vừa qua có thể không khả quan với công ty bạn nhưng đừng vì thế mà để nỗi lo lắng đè nặng tâm trạng khi tham gia buổi tiệc. Hãy tập trung vào những điều tích cực, đừng bàn luận đến tình trạng ảm đạm của doanh số hay kế hoạch phát triển để không phá hủy không khí của bữa tiệc.
Để lại một bình luận