Thuyết đánh giá mang tính nhận thức của cảm xúc còn được gọi dưới tên ngắn gọn hơn – thuyết đánh giá (appraisal theory) hay thuyết Lazarus (Lazarus’s theory) là một lý thuyết thuộc tâm lý học nhận thức. Richard Lazarus là nhà tâm lý học đầu tiên kết hợp nhận thức và cảm xúc trong cùng một lý thuyết để giải thích cho các hiện tượng và sự thay đổi cảm xúc của con người liên quan đến nhận thức của họ khi họ gặp một tình huống kích thích hoặc biến cố.
Dưới góc nhìn của tâm lý học, sự nhận thức (cognition) nghĩa là tư duy, tìm kiếm và sử dụng tri thức; sự nhận thức bắt đầu với việc tập trung vào cái gì đó và sau đó xác định nó là gì (Kalat, 2008). Sự nhận thức liên quan ít hoặc nhiều đến quá trình suy nghĩ mà quá trình này bao gồm các hoạt động như cảm nhận, đưa ra quan điểm hoặc ý kiến và ghi nhớ (Plutchik và Kellerman, 1980).
Theo Dalgleish (2004), tác phẩm nghiên cứu đầu tiên nói về cảm xúc là công trình quan sát và ghi chép kéo dài hơn ba mươi năm của Charles Darwin. Darwin (1872)6 cho rằng cảm xúc (emotions) là sự thể hiện xúc cảm của con người (và con vật) ví dụ như tức giận, hoảng sợ, ngạc nhiên, buồn bã. Sau đó, James (1884)7 qua công trình “Cảm xúc là gì?” đề xuất cảm xúc là những biểu hiện của sự thay đổi cơ thể xuất hiện trong quá trình phản ứng của các kích thích mang tính xúc cảm. Ekman và cộng sự. (1972) công bố sáu phản ứng cảm xúc cơ bản của con người bao gồm: hạnh phúc (happy), buồn bã (sad), tức giận (angry), khinh ghét (disgust), ngạc nhiên (surprise), lo lắng/lo sợ (fear/worry).
Lazarus (1982) cho rằng nhận thức và cảm xúc gắn kết với nhau một cách tự nhiên. Trong đó, đánh giá mang tính nhận thức (cognitive appraisal) là cách thức mà con người giải thích khi họ rơi vào một hoàn cảnh nào đó ở một thời điểm nhất định và đánh giá này quyết định phản ứng cảm xúc của họ. Lazarus (1982, trang 1020) kết luận “đánh giá mang tính nhận thức là điều kiện cần và đủ của cảm xúc”. Kết luận này bác bỏ kết quả công bố trước đó của Zajonc (1980), nhà tâm lý học đã có những nghiên cứu khẳng định sự tồn tại của các phản ứng cảm xúc không nhất thiết phải có sự hiện diện của hệ thống nhận thức.
Công bố của Lazarus đã khơi mào cho một cuộc tranh luận suốt thập niên 80 giữa ông và Zajonc. Zajonc và Markus (1982), trong một nghiên cứu liên quan đến hành vi lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng đã cho rằng trong vài trường hợp, thành phần nhận thức có thể chi phối cảm xúc. Ở một số trường hợp, nhận thức và cảm xúc có thể chi phối lẫn nhau; trong những trường hợp khác yếu tố cảm xúc đóng vai trò chi phối và chiếm vị trí quan trọng. Cuối cùng Zajonc và Markus (1982) khẳng định ở đa số các trường hợp các phản ứng cảm xúc xuất hiện trước nhận thức. Zajonc (1984) công bố bài báo với tựa đề “Tính ưu việt của cảm xúc” (On the Primacy of Affect). Ông cho rằng Lazarus đã hiểu sai bản chất của nhận thức khi định nghĩa nhận thức dưới một thuật ngữ mới với tên gọi “đánh giá.
mang tính nhận thức”, và “không tìm thấy bất cứ bằng chứng thực nghiệm nào trong bài báo của Lazarus cho thấy đánh giá mang tính nhận thức có trước cảm xúc” (Zajonc 1984, trang 121). Cùng năm này, Lazarus (1984) công bố bài báo “Tính ưu việt của nhận thức” (On the Primacy of Cognition), ông cho rằng Zajonc đã không thừa nhận hàng loạt các thí nghiệm8 mà ông và các đồng nghiệp đã thực hiện và công bố trước đó.
Có thể hiểu sự khác biệt giữa lập luận của Zajonc và Lazarus nằm ở luận điểm khi một biến cố hay một tình huống kích thích xảy ra đối với một người, người đó sẽ phản ứng cảm xúc ngay lập tức. Cảm xúc này sẽ ảnh hưởng đến ý định và hành vi của con người sau đó (lập luận của Zajonc). Ví dụ, một người dò vé số và biết mình trúng số, cảm xúc của anh ta lúc này là vô cùng hạnh phúc. Người trúng số lúc này có thể cho rằng mình may mắn, ở hiền gặp lành và hành vi sau đó có thể là mời mọi người ăn miễn phí, đi làm từ thiện. Cảm xúc đã xuất hiện trước nhận thức trong tình huống này. Tuy nhiên, Zajonc (1980) minh họa một ví dụ gây nhiều tranh luận liên quan đến hành vi tiêu dùng. Ông cho rằng “chúng ta mua những chiếc xe hơi mà chúng ta thích, lựa chọn những nghề nghiệp, nhà ở mà chúng ta thấy hấp dẫn, và sau đó đánh giá những sự lựa chọn này bởi hàng loạt lý do […] chúng ta không cần phải nghe theo bản thân chúng ta” (trang 155).
Rõ ràng lập luận trên của Zajonc phù hợp trong một số tình huống nhưng một số trường hợp khác lập luận này chưa thuyết phục. Nếu hành vi người tiêu dùng phụ thuộc vào khả năng chi trả, nhiều người có thể rất thích xe đẹp, nhà đẹp. Nhưng khả năng và nguồn lực của họ có hạn do đó họ sẽ đánh giá khả năng mua, cân nhắc giữa sở thích và ngân sách, họ sẽ cảm thấy hài lòng, vui và hạnh phúc với chiếc xe sau khi đã được đắn đo, đánh giá phù hợp. Đây chính là luận điểm của Lazarus. Lazarus (1991) cho rằng khi một tình huống/ biến cố xảy ra, con người sẽ đánh giá tình huống/biến cố đó (quá trình đánh giá mang tính nhận thức). Những đánh giá này sẽ tác động tích cực/ tiêu cực đến các các trạng thái cảm xúc khác nhau như hạnh phúc, vui vẻ, hy vọng hay giận dữ, bức xúc và lo lắng.
Sự tranh luận giữa hai nhà tâm lý học trong số một trăm nhà tâm lý học ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20 được Plutchik (1985) ví von như cuộc tranh luận giữa quả trứng và con gà. Từ đó đã hình thành nên hai trường phái xung đột nhau, một trường phái theo Zajonc và nhóm còn lại theo Lazarus điển hình như Smith và Ellsworth (1985b); Oatley và Johnson-laird (1987); Ellsworth và Smith (1988); Scherer (1988); Roseman (1991).
Liên quan trực tiếp đến luận án này, Harmeling và cộng sự. (2015) mượn thuyết đánh giá mang tính nhận thức của cảm xúc để giải thích cho mối quan hệ giữa các biến trong mô hình mà nhóm tác giả đề xuất. Nhóm Harmeling đã sử dụng bối cảnh tranh chấp đảo Senkaku/ Điếu Ngư giữa hai quốc gia Nhật và TQ so sánh với xung đột chính trị giữa Nga và Mỹ. Nhóm Harmeling nhận định đây có thể là các biến cố phù hợp để kiểm định và mở rộng mô hình nghiên cứu liên quan khái niệm “sự ác cảm của người tiêu dùng” được đề xuất trước đó bởi Klein và cộng sự. (1998). Khi hai quốc gia xung đột (trong quá khứ/ hiện tại), người dân sẽ biểu hiện “sự ác cảm” của họ và sự ác cảm này có dẫn đến việc họ có (1) “đánh giá tiêu cực” chất lượng sản phẩm xuất xứ từ quốc gia bị ác cảm hay không? Và (2) sự ác cảm này có dẫn đến việc người dân từ chối mua hàng hóa nói chung có xuất xứ từ quốc gia bị ác cảm hay không?
Harmeling và cộng sự. (2015) cho rằng các tác giả trước đã gom chung thành phần nhận thức và cảm xúc trong cùng một khái niệm được gọi là “sự ác cảm của người tiêu dùng”. Việc gom chung này đã dẫn đến những kết quả thiếu nhất quán khi các nhà nghiên cứu trả lời cho các câu hỏi trên. Nhóm Harmeling nhận định rằng, trong bối cảnh tranh chấp quốc tế giữa hai quốc gia, nhận thức (sự đánh giá liên quan đến nhận thức) của người dân ở một quốc gia về các biến cố (kinh tế, chính trị, chiến tranh) này sẽ dẫn đến các phản ứng cảm xúc tiêu cực của họ. Suy diễn này phù hợp với lý thuyết của Lazarus đề cập ở trên. Các phản ứng cảm xúc khác nhau này sẽ dẫn đến các ý định, hành vi khác nhau.
Để lại một bình luận