Điện thoại và linh kiện
Trong những năm trở lại đây, các chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước của Việt Nam đã đóng góp vào việc tạo ra khả năng sản xuất mới cho nhu cầu tiêu dùng ở thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu. Trong đó, phải kể đến vai trò của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến xuất khẩu với nhiều mặt hàng chủ lực có giá trị xuất khẩu cao như: điện thoại và các loại linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị,.
Mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường EU từ năm 2011 nhưng đã đạt giá trị xuất khẩu trên 9,7 tỷ USD vào năm 2015 và 11 tỷ USD vào năm 2016. Các nhóm mặt hàng trên chiếm tỷ trọng khoảng 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Trong năm 2017, nhóm hàng này tiếp tục nằm trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU với kim ngạch 11,95 tỷ USD. Và trong 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu này đã tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 7,79 tỷ USD. Nhóm hàng này có những tăng trưởng khả quan trong vài năm qua và đang tiếp tục có xu hướng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, đóng góp tỷ trọng đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo đánh giá, khoảng 40% tổng lượng điện thoại hiện nay trên toàn cầu do Samsung sản xuất có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam.
Có được những kết quả này phần lớn là do kim ngạch xuất khẩu thuộc về khối doanh nghiệp FDI vào Việt Nam nhưng điều này cũng cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều của Việt Nam vào khối doanh nghiệp này bên cạnh những kết quả đó, hoạt động xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện vẫn còn những hạn chế. Tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu từ khối doanh nghiệp FDI sản xuất, trong khi khối doanh nghiệp FDI lại phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nên những biến động của nhóm hàng này sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Doanh nghiệp trong nước chỉ thực hiện các công đoạn lắp ráp, gia công, cung cấp linh kiện giản đơn. Mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp sản xuất trong nước còn kém. Vai trò thực sự của các doanh nghiệp điện tử trong nước rất mờ nhạt, hầu như chỉ khai thác sản phẩm cũ với mức lợi nhuận rất thấp và giá trị gia tăng thấp nên năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam kém hơn nhiều so với doanh nghiệp nước ngoài.
Như vậy, để tránh phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI trong sản xuất nhóm hàng điện thoại và linh kiện, Việt Nam cần xây dựng môi trường kinh doanh công khai và minh bạch, có tính cạnh tranh trong đó các thành phần kinh tế đều phải được đối xử bình đẳng để không làm ảnh hưởng đến sự đóng góp của các doanh nghiệp.
Để lại một bình luận