Sau khi tiến hành rà soát thực trạng tại 229 xã, UBND tỉnh Hà Tĩnh nhận thấy xuất phát điểm của Hà Tĩnh rất thấp, đòi hỏi phải đầu tư nhiều mới đạt được các mục tiêu XDNTM. Vì vậy, trên cơ sở đăng ký của các xã và sự tính toán, rà soát của BCĐ XDNTM các cấp, UBND Tỉnh đề ra kế hoạch cụ thể cho các xã đạt chuẩn NTM vào từng năm cụ thể (giai đoạn 1 tập trung chỉ đạo“12 xã hoàn thành XDNTM trước năm 2013 và 35 xã hoàn thành trước 2015”[89]), trên cơ sở đó, xác định khối lượng công việc cần hoàn thành và xây dựng kế hoạch huy động, sử dụng NLTC để thực hiện Chương trình XDNTM giai đoạn 2011-2015, giai đoạn 2016-2020.
Trình tự lập kế hoạch huy động, sử dụng các NLTC cho XDNTM trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tuân thủ các quy định tại Quyết định số 800/QĐ-TTg; Thông tư 26/2011/TTLB-BNNPTNT-BKHDT-BTC: Kế hoạch huy động, sử dụng các NLTC thực hiện đề án XDNTM của xã “thực hiện lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, sau khi được HĐND xã thông qua, Ban quản lý xã gửi kế hoạch của xã cho UBND huyện để tổng hợp, thẩm định và phê duyệt kế hoạch chung toàn huyện, gửi UBND tỉnh và các Sở có liên quan. UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện XDNTM và gửi các Bộ: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính và NNPTNT để tổng hợp, làm căn cứ bố trí vốn”[106].
Sau khi nhận quyết định giao kế hoạch giao vốn phân cấp của UBND tỉnh, UBND huyện phân bổ vốn cho từng xã và cho các chủ đầu tư khác (đối với các dự án xã không làm chủ đầu tư) để thực hiện đầu tư theo kế hoạch XDNTM. UBND xã chỉ đạo Ban quản lý XDNTM cấp xã phân bổ vốn cho từng dự án, trình HĐND xã thông qua. UBND xã ra quyết định phân bổ vốn cho từng dự án, đồng thời gửi Kho bạc Nhà nước huyện để làm cơ sở giám sát và thanh quyết toán.
Kế hoạch NLTC từ cộng đồng dân cư: UBND các xã đứng ra tổ chức quản lý huy động, sử dụng các NLTC có sự tham gia của đại diện hộ dân, các tổ chức đoàn thể địa phương để thực hiện huy động các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng kết cấu hạ tầng của xã, công khai mọi thông tin cho dân biết. Khi xác định mức đóng góp, các địa phương không đóng góp theo bình quân các hộ mà có căn cứ vào thu nhập bình quân và khả năng đóng góp của nhân dân trên địa bàn để vận động đóng góp. UBND xã “tùy theo từng nội dung, dự án, công trình, vận động người dân tham gia đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng của địa phương bằng các hình thức phù hợp, trên cơ sở phát huy dân chủ để người dân bàn bạc, quyết định mức đóng góp và tự nguyện đóng góp”.
Kế hoạch NLTC từ tín dụng, từ DN thường được xây dựng dựa trên xu hướng của số liệu quá khứ tổng hợp từ các tổ chức tín dụng, từ tổng hợp các dự án đầu tư của các doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Kế hoạch sử dụng các NLTC cho XDNTM trên địa bàn Hà Tĩnh được xây dựng dựa trên đề án XDNTM của các xã.
Việc xây dựng kế hoạch huy động, sử dụng các NLTC cho XDNTM ở Hà Tĩnh còn một số hạn chế như sau:
Về quy hoạch, kế hoạch XDNTM – tiền đề cho kế hoạch huy động và sử dụng các NLTC, nhìn chung chất lượng còn thấp, tính khả thi chưa cao; khi lập quy hoạch, kế hoạch, quyết định đầu tư không chủ động xác định NLTC đầu tư. Các BCĐ XDNTM các cấp dường như chỉ tập trung vào việc làm thế nào để đạt được 19 tiêu chí xã nông thôn mới như là một danh hiệu thi đua, hơn là một tiến trình phát triển lâu dài và toàn diện. Việc lập quy hoạch phát triển cấp xã được ưu tiên thực hiện với ba nội dung: (i)“quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho việc phát triển sản xuất NN hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; (ii) quy hoạch phát triển hạ tầng KT-XH – môi trường theo tiêu chuẩn mới; (iii) quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn được các bản sắc văn hóa tốt đẹp”[107]. Tuy rằng các văn bản pháp quy đã nêu đều đòi hỏi quy hoạch cấp xã phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của cấp huyện, tỉnh, quốc gia, nhưng trên thực tế, điều này rất khó thực hiện.
Về kế hoạch các NLTC, Hà Tĩnh chưa tuân thủ tỷ lệ theo quy định của Chính Phủ: 40% NSNN các cấp, 30% từ tín dụng, 20% từ DN và 10% đóng góp của cộng đồng dân cư.
Để lại một bình luận