Trách nhiệm đảm bảo quyền về lương và phúc lợi
Thực trạng đánh giá TNXH đối với NLĐ đảm bảo quyền của NLĐ về lương và phúc lợi của các DN may Việt Nam đạt mức điểm bình quân là 3,21/5,0 điểm. Mức điểm phản ánh các DN may dần đảm bảo hành lang thu nhập của NLĐ.
“Thực hiện đúng quy định tiền lương tối thiểu – lp1” có mức điểm đánh giá cao nhất. Cả DN lớn, DNNVV nghiêm chỉnh chấp hành tốt quy định về tiền lương tối thiểu cũng như nghị định 49/2013/NĐ -CP, nghị định 121/2018. Thực tế về nội dung này cũng được thể hiện qua báo cáo nghiên cứu dệt may và da giày Châu Á- Thái Bình Dương (xem hình 3.7). Tỉ lệ không tuân thủ quy định tiền lương tối thiểu của các DN may Việt Nam thấp hơn nhiều so với nước thấp thứ hai trong danh sách là Campuchia (25,6%) và thấp hơn gần 9 lần so với nước đứng đầu Philippines.
Tại các DN lớn “thực hiện đúng quy định tiền lương làm thêm vào ngày thường – lp2” đạt mức tuân thủ nhưng đối với các DNNVV còn ở mức điểm bình quân thấp nhất trong tiêu chí này. Lý do, khi một số đơn hàng của DN may phải giao gấp, nếu chỉ cho một số bộ phận làm thêm thì chi phí sản xuất quá cao vì vận hành nhiều máy móc, còn làm thêm toàn bộ DN thì chi phí trả lương lại không thể. Thực trạng này cũng được ghi nhận trong Báo cáo Chiến dịch thanh tra lao động trong ngành may mặc (2015): “36/152 DN vi phạm về trả lương làm thêm giờ”;
Tại các DN lớn “thực hiện đúng quy định tiền lương làm thêm vào ngày nghỉ, ngày lễ – lp3” mới ở mức đảm bảo quy định và các DNNVV vẫn ở mức vi phạm. Lý giải cho việc thực hiện chưa đúng này của các DNNVV là theo PLLĐ tiền lương làm thêm giờ ngày nghỉ = Tiền lương giờ thực trả x 200% x Số giờ làm thêm ngày nghỉ. Trong đó tiền lương làm thêm này thực trả phải tính dựa trên lương tháng cơ bản chia cho số ngày làm việc bình thường trong một tháng. Tuy nhiên, thực tế DN bỏ qua nhiều do việc sử dụng công thức chuẩn, đơn giản hơn trong đó quy định 26 ngày công trong 1 tháng, được áp dụng bất kể tháng đó có bao nhiêu ngày làm việc thực tế. Hoặc nhiều DN quy mô nhỏ và vừa cho rằng vì DN làm theo sản phẩm nên có làm mới có lương, nghỉ thì không được hưởng lương. Thực trạng cũng được đánh giá trong Báo cáo chuyên đề Lương và Phúc lợi, (2015) của ILO: “35/207 DN may tức 16,9% DN may không chi trả đúng cho NLĐ tiền lương làm thêm vào ngày nghỉ lễ”. Một số DN bỏ qua 1 thực tế là thời gian làm việc ca đêm giữa 0:00 sáng và 6:00 sáng vào ngày lễ được coi là làm thêm vào ngày lễ.
Trong các DN lớn “thực hiện TNXH về đóng BHXH, BHYT cho NLĐ theo đúng PLLĐ- lp4” ở mức tuân thủ khá tốt nhưng chưa đạt mức tuân thủ tại các DNNVV. Hiện tại, mức đóng bảo hiểm tại Việt Nam đang cao nhất khu vực ASEAN cụ thể theo Nghị định 44/2017/NĐ – CP mức đóng BHXH tại các DN may Việt Nam là 32% mức lương tháng. Trong đó các DN may phải nộp 21,05% (18% Bảo hiểm hưu trí, 3% BHYT, 1% Bảo hiểm thất nghiệp). NLĐ phải nộp 10,5% (8% Bảo hiểm hưu trí, 1,5% BHYT, 1% Bảo hiểm thất nghiệp). Đây là một trong những gánh nặng lớn đối với các DN may Việt Nam để cạnh tranh về giá sản phẩm trong TMQT.
Trách nhiệm đảm bảo lợi ích về lương và phúc lợi
Các DN may đã tăng cường TNXH đảm bảo lợi ích về lương và phúc lợi cho NLĐ khi mức điểm bình quân đánh giá là 3,02/5,0 điểm. Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng trong thực hiện TNXH đối với NLĐ.
Thực hiện TNXH trong “trả lương cạnh tranh – lp5” chính là sự kỳ vọng của
cả NSDLĐ và NLĐ. Sở dĩ có mức đánh giá cao nhất trong nội dung về lương và phúc lợi là do DN may quy mô lớn nhận thức việc trả lương cạnh tranh sẽ đảm bảo chất lượng cuộc sống cho NLĐ. Ví dụ như tại các DN may quy mô lớn như: Tổng công ty may 10, Tổng công ty may Nhà Bè, Công ty Cổ phần may Sông Hồng mức lương cao hơn bình quân từ 8- 50%. Điều này chứng minh các DN may Việt Nam đã ý thức được rằng NLĐ chính là “gốc rễ” của DN. Đảm bảo mức lương cạnh tranh là một trong những vấn đề mong mỏi tột bậc của NLĐ mức lương của một số DN may (xem hình 3.8) và hiện nay thị trường lao động với nguyên tắc “thuận bán, thuận mua”. Với NLĐ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật tay nghề, các DN may phải trả lương cạnh tranh thì mới giữ được họ. Tuy nhiên đối với các DNNVV cho rằng với NLĐ của họ chủ yếu là lao động nữ chưa qua đào tạo, không ổn định – dịch chuyển cao DN đã phải trang trải chi phí đào tạo thì mới làm được việc vì thế không trả mức lương cạnh tranh được.
Tại các DN quy mô lớn “trả phụ cấp, trợ cấp cao hơn quy định – lp6” còn khá dè chừng còn với DNNVV nội dung này vẫn khá xa vời so với kỳ vọng. Sở dĩ mức điểm đánh giá khá thấp là do tại các DN may quỹ lương chiếm từ 18 – 20% giá thành của sản phẩm. Trong khi đó theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh: “tỷ lệ quỹ lương ở các nước ASEAN khác chỉ là 16%”. Cùng với đó, các DNNVV hàng năm phải điều chỉnh tăng lương theo quy định của Nhà nước. Họ phải lấy lại sức để tập trung vào sản xuất kinh doanh do vốn của các DN may quy mô nhỏ và vừa sức ép trong ngành khá lớn vì vậy trả phụ cấp, trợ cấp cao hơn quy định là rất trở ngại.
Thực tế về “hỗ trợ nhà ở cho NLĐ- lp7” (quan sát này bị loại) của các DN may còn rất khó khăn. Theo Ông Nguyễn Văn Tuấn (Phó tổng thư ký VITAX) cho biết: “Trong quá trình thực hiện xây dựng nhà ở cho NLĐ các DN may đều gặp khó khăn về vốn đầu tư, nhất là những DN ở Hà Nội, thành Phố Hồ Chí Minh. Cùng với khó khăn về vốn đầu tư, các DN may lại phải đối mặt với hàng loạt tác động của thị trường từ biến động giá nguyên vật liệu, lãi suất vốn vay cao”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng xây dựng nhà ở cho NLĐ tại còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. NLĐ tại các DN may chủ yếu là lao động di cư mà thu nhập thấp nên đa số thuê nhà giá rẻ, hoặc thuê chung, ở ghép nên đời sống của nhiều lao động đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Đối với những người đã lập gia đình, có con nhỏ, khó khăn nhân lên gấp bội vì nhu cầu cần một mái nhà cho mình. Ở các phòng trọ thông thường được xây dựng tạm bợ, chật chội và không đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy, các tệ nạn xã hội, vấn nạn rác thải sinh hoạt đang ở mức báo động… ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của NLĐ đặc biệt là lao động nữ.
Ngoài ra, tại các DN may lao động nữ trẻ có nhu cầu gửi con là rất lớn.
Những trường có chất lượng thì mức thu học phí cao, trong khi lương công nhân thấp, không đủ chi trả học phí cho con. Tại các DN may chỉ có vẻn vẹn Tổng công ty may 10 là xây nhà trẻ cho con em NLĐ còn hầu hết các DN may hiện nay chưa có phương án thể giải quyết vấn đề này.
Để lại một bình luận