Tổ chức bộ máy thực hiện
Các DN may quy mô lớn đã có sự quan tâm đến “tổ chức bộ máy thực hiện TNXH đối với NLĐ- CSR5” nhưng tại DNNVV thì chưa có sự coi trọng. Qua điều tra có 26,29% (81/308) DN quy mô lớn có tổ chức bộ máy thực hiện TNXH đối với NLĐ một cách bài bản. Đây là các DN may “đi đầu” về tổ chức bộ máy thực hiện TNXH đối với NLĐ. Ví dụ như tại: Tổng Công ty may 10, Công ty Cổ phần may Sông Hồng, Tổng Công ty may Nhà Bè, Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại TNG, Tổng Công ty may Việt Thắng là Ban cải tiến, Ban TNXH… Do tính chất, đặc trưng của công việc nên các DN may này đã thành lập bộ máy tổ chức thực hiện TNXH đối với NLĐ (xem hình 3.10). Thành viên ban này gồm 50% là đại diện các cấp quản lý trong DN, 50% là đại diện công đoàn và NLĐ. Ban này họp ít nhất 1 lần/tháng với các nội dung liên quan đến TNXH đảm bảo quyền và lợi ích. Trong đó, điều hành ban (Trưởng ban) là tổng giám đốc, phó tổng giám đốc (phó trưởng ban); Đại diện công đoàn tham gia với tư cách bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ; Đại diện các phòng ban các trưởng phòng kế hoạch, tổ chức, hành chính, kế toán… Tổ chức bộ máy thực hiện TNXH đảm bảo quyền và lợi ích nhằm tăng cường hiệu quả triển khai thực hiện với cấu trúc tổ chức bài bản, chuyên nghiệp giúp tăng cường tiếng nói của NLĐ cũng như đóng vai trò tích cực trong thực hiện đối thoại tại nơi làm việc có tính “dài hơi hơn” theo tinh thần Nghị định 60/2013/NĐ-CP cũng như tuân thủ tiêu chuẩn lao động của ILO. Qua điều tra cho thấy tổ chức bộ máy thực hiện TNXH đối với NLĐ chưa được chú trọng đến tổ chức bộ máy thực hiện TNXH đối với NLĐ với tỷ lệ là 73,38% (226/308) DN chủ yếu là các DNNVV hoặc là được tích hợp trong các bộ phận, phòng ban có liên quan đến các đối tượng thực hiện TNXH đối với NLĐ trong bộ phận bộ phận tổ chức, hành chính – nhân sự.
Lập hồ sơ đạt quy tắc ứng xử
Các DN may quy mô lớn “lập hồ sơ đạt CoC về TNXH đối với NLĐ- CSR6” đạt mức khá tốt còn các DNNVV ở mức dưới trung bình. Qua điều tra có 29,22% (90/308) DN lớn thực hiện việc lập hồ sơ đạt CoC về lao động. Các DN này “mạnh dạn” đầu tư áp dụng các CoC-chiếc vé vào cửa của TMQT cũng như đảm bảo quyền cho NLĐ theo PLLĐ. Bên cạnh đó, số lượng các DN áp dụng các CoC về lao động SA8000, WRAP gia tăng theo các năm (xem hình 5- phụ lục 9), đến năm 2017 là 73 DN áp dụng WRAP, 87 DN áp dụng SA8000. Như vậy, đã có trên 160 DN may áp dụng CoC về lao động. Đây là con số còn khá khiêm tốn so với gần 6000 DN may. Theo chủ tịch Vinatex (20176): “Cho đến hiện tại nếu đối chiếu theo các tiêu chuẩn của các chứng chỉ này thì phải có đến hơn 1.000 DN may đạt yêu cầu”. Việc thực hiện TNXH đối với NLĐ không đòi hỏi DN thực hiện một CoC nhưng việc áp dụng các CoC minh chứng cho việc “chuyển mình” để hội nhập của DN và đạt được yêu cầu của khách hàng đặt ra trong TMQT; Điều tra cũng cho thấy 70,45% (217/308) các DNNVV chưa lập hồ sơ đạt CoC về TNXH đối với NLĐ. Điều này là do các DN này chủ yếu cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước, các khách hàng, người bán lẻ họ không yêu cầu áp dụng CoC về lao động; Mặt khác chi phí để có CoC này còn khá cao: chi phí ban đầu lập hồ sơ là 26 triệu VNĐ và có được các CoC là 250 triệu VNĐ; Hoặc các DNNVV được thuê gia công, không trực tiếp làm việc với đối tác nên không thực hiện. Ngoài ra, các DN nhỏ còn khá mơ hồ về các CoC này hay một số DN may quy mô vừa có ý định thực hiện, nhưng không biết bắt đầu từ đâu.
Ban hành các quy định, hướng dẫn bộ quy tắc ứng xử
“Ban hành các quy định, hướng dẫn quy tắc ứng xử về thực hiện TNXH đối với NLĐ- CRS7” được thực hiện hầu hết ở các DN lớn còn các DNNVV thì chưa thực hiện nội dung này. Điều này khẳng định các DN lớn đã có sự quyết tâm thực hiện các CoC như: SA8000, WRAP, OHSAS 18001. Ví dụ tại Tổng Công ty Đức Giang đã ban hành quy định, hướng dẫn bộ CoC về TNXH đối với NLĐ (xem hộp 1- phụ lục 11) để định hướng, thuận tiện cho quá trình triển khai thực hiện TNXH đảm bảo quyền và lợi ích cho NLĐ. Tuy nhiên tại các DNNVV việc ban hành các quy định, hướng dẫn bộ CoC về TNXH đối với NLĐ mới chỉ dừng lại ở việc hô khẩu hiệu trong Slogan, triết lý kinh doanh, giá trị cốt lõi của DN mà thôi.
Tổ chức truyền thông nội bộ thực hiện
“Tổ chức truyền thông nội bộ thực hiện TNXH đối với NLĐ- CSR8” tại cả DN lớn, DNNVV còn gặp phải một số rào cản khi thực trạng kết quả tiêu chí này ở mức dưới trung bình. Chỉ có một số DN lớn 21,10% (65/308) tổ chức truyền thông nội bộ. Bộ phận đảm trách thực hiện TNXH đối với NLĐ phối hợp với Bộ phận truyền thông và các bộ phận khác lưu trữ, xử lý thông tin, chủ yếu là máy tính, các thiết bị ngoại vi để nhập/xuất dữ liệu sử dụng; một số phương tiện truyền thông thực hiện TNXH đối với NLĐ trong triển khai chương trình.
Truyền thông nội bộ với thông tin từ trên xuống dưới, thông tin được phản hồi từ dưới lên và thông tin chéo giữa các bộ phận. Nội dung truyền thông liên quan đến TNXH đảm bảo quyền và lợi ích cho NLĐ về HĐLĐ, giờ làm việc, ATVSLĐ và sức khỏe nghề nghiệp, lương và phúc lợi, các mục tiêu, các CoC, các chương trình triển khai thực hiện TNXH đảm bảo quyền và lợi ích cho NLĐ… Cùng với đó, điều tra cũng cho thấy 78,89% (243/308) DNNVV chưa truyền thông nội bộ. Giải đáp về những lo ngại này là: DNNVV chưa lựa chọn được những hình thức, phương tiện truyền thông phù hợp; các phương tiện như gửi email hoặc các hình thức như facebook, zalo, viber…chưa được triển khai hoặc triển khai nhưng chưa hiệu quả.
Tổ chức đào tạo đội ngũ nhân lực thực hiện
Tại các DN lớn tổ chức đào tạo đội ngũ nhân lực là chìa khóa để có được bộ máy thực hiện một cách chuyên nghiệp. Đối với DNNVV điều này còn khá xa vời. Các DN may đã bắt đầu vào cuộc cách mạng thực hiện TNXH đối với NLĐ mà nền móng là tổ chức đào tạo nhân lực. Qua điều tra có 28,89% (89/308) DN lớn đã tiến hành đào tạo đội ngũ nhân lực thực hiện với 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 – đào tạo đội ngũ nhân lực tham gia vào bộ phận đảm trách thực hiện TNXH đối với NLĐ. Các DN may DN tiến hành mời các chuyên gia hàng đầu về TNXH của Việt Nam và thế giới về đào tạo; Nội dung đào tạo về các CoC: SA8000, WRAP, OHSAS 18001, hướng dẫn của ASEAN về thực hiện TNXH đối với NLĐ. Các chuyên gia này chú trọng đào tạo cho đội ngũ này nội dung TNXH đảm bảo quyền và lợi ích trong HĐLĐ, giờ làm việc, ATVSLĐ và sức khỏe nghề nghiệp, lương và phúc lợi, tự do hiệp hội và thương lượng tập thể cũng như quy trình, cách thức tổ chức thực hiện TNXH đối với NLĐ; Giai đoạn 2 – tổ chức đào tạo cho toàn bộ NLĐ còn lại trong DN. Các chuyên gia bên ngoài hoặc các nhà quản lý đảm trách thực hiện TNXH đối với NLĐ sẽ hướng dẫn, tuyên truyền về các CoC, các kỹ năng, sự hợp tác để thực hiện tốt các nội dung về: HĐLĐ, giờ làm việc, ATVSLĐ, lương và phúc lợi…
Tổ chức triển khai các chương trình
“Triển khai các chương trình thực hiện TNXH đối với NLĐ- CSR 10” tại các DN lớn, đã có kết quả khả quan còn các DNNVV thì vẫn loanh quanh với nhiều trở ngại. Một số DN may tổ chức triển khai chương trình TNXH đảm bảo quyền và lợi ích về HĐLĐ, tiền lương, sức khỏe nghề nghiệp…
Thời gian qua các DN lớn đã tăng tốc, nỗ lực triển khai nhiều chương trình để thực hiện tốt TNXH đảm bảo quyền đặc biệt là tăng lương trên cơ sở tăng năng suất, cải tiến, sáng tạo trong lao động. Các DN này đã triển khai phong trào “lao động sáng tạo” để vượt qua thách thức trong cạnh tranh. Họ coi sáng tạo phải như “hơi thở” để NLĐ, DN cùng phát triển. Theo Ông Lê Nho Thướng (2018): “các DN may đã triển khai kế hoạch số 85/KH-CĐ của Công đoàn dệt may ngày 14.3.2017 về phát động phong trào lao động sáng tạo trong các DN may quy mô lớn. Sau một năm triển khai đã có trên 1.083 đề tài, giải pháp được áp dụng vào thực tiễn sản xuất và làm lợi cho các DN may gần 70 tỉ đồng”. Ví như tại Tổng Công ty May 10 (xem hộp 2-phụ lục 11) thực hiện chỉ thị số 52-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, NLĐ khu công nghiệp, khu chế xuất đã triển khai chương trình điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đặc biệt là nữ công nhân để nâng cao hiểu biết, trình độ văn hóa. Bên cạnh điểm sáng trong triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn như: phải chi trả từ 2 – 3 tỷ đồng cho quỹ trợ cấp thất nghiệp trong khi DN lớn đang rất cần NLĐ thì họ lại “nhảy việc” từ DN này sang DN khác. Qua điều tra có 70,78% (218/308) DNNVV chưa chú trọng triển khai TNXH đảm bảo quyền và lợi ích. Điều này lý giải là do các DN này chưa xây dựng mục tiêu thực hiện, tài chính eo hẹp, truyền thông nội bộ của còn hạn chế, số lượng lao động lớn, lao động chủ yếu là nữ làm việc theo tổ, dây chuyền, theo ca nên gây ra nhiều khó khăn trong triển khai.
Nhìn lại toàn bộ thực trạng triển khai thực hiện TNXH đối với NLĐ tại các DN may: (i) Đối với các DN may quy mô lớn đã coi trọng triển khai thực hiện từ tổ chức bộ máy đến triển khai các chương trình thực hiện TNXH đối với NLĐ. Song tổ chức truyền thông nội bộ là vấn đề còn gặp khó khăn; (ii) Đối với các DNNVV vẫn chưa thực hiện cũng như gặp nhiều khó khăn trong toàn bộ các nội dung của triển khai thực hiện TNXH đối với NLĐ.
Để lại một bình luận