Hiện cả nước có khoảng 1.500 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, như dịch vụ giao nhận vận tải, lưu kho, phân phối, bốc xếp, khai thuế hải quan, tập trung 80% tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Trong đó chỉ có 4÷5% doanh nghiệp logistics là các Tập đoàn logistics đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, tiêu biểu là NYK, YUSEN, APL logistics, DHL, FedEx, Kuehne Nagel, Panalpina, Schenker,… nhưng hiện chiếm tới 75% thị phần logistics của cả nước. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam khác kinh doanh các dịch vụ lưu kho bãi, cảng biển, xếp dỡ, kho phân phối, đại lý làm thủ tục hải quan, các dịch vụ logistics tích hợp 3PL và các dịch vụ logistics khác liên quan.
Đối với Hải Phòng, trên địa bàn Hải Phòng hiện có khoảng 250 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics, tuy nhiên trong đó chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp có các hoạt động tích cực trong lĩnh vực logistics. Hầu hết các doanh nghiệp chủ yếu đóng vai trò cung ứng một số dịch vụ đơn giản cho các công ty logistics nước ngoài như làm thủ tục hải quan, vận chuyển hàng hóa (chủ yếu bằng đường bộ), cho thuê kho bãi… Với khả năng cung cấp các dịch vụ logistics thực tế hiện nay của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng, có thể chia thành 04 nhóm mức độ: Các đại lý giao nhận truyền thống là các đại lý thuần túy cung cấp các dịch vụ do khách hàng yêu cầu; Các đại lý giao nhận đóng vai trò người gom hàng và cấp vận đơn; Các đại lý giao nhận đóng vai trò là nhà vận tải đa phương thức; Các đại lý giao nhận trở thành nhà cung cấp dịch vụ logistics, tại mức độ này hiện nay đang có các công ty liên doanh logistics với các hãng tàu như MOL, APL, NYK, Maerk Logistics… hoạt động hiệu quả.
Hoạt động của các doanh nghiệp logistics Hải Phòng chủ yếu tập trung tại công tác vận chuyển, đưa rút hàng khỏi cảng (đường bộ đảm nhận vai trò chủ đạo với thị phần vận tải khoảng 70%; đường biển 24%; đường thủy nội địa 4,5%; đường sắt 1,5%). Chi phí dịch vụ logistics cao do tổ chức vận tải chưa hợp lý (chủ yếu bằng đường bộ), tổ chức giao nhận, các thủ tục hành chính còn rườm rà, chất lượng dịch vụ kho bãi thấp.
Chi phí logistics thường bao gồm: chi phí vận tải, chi phí lưu kho, chi phí đặt lô hàng, chi phí thông tin và xử lý đơn hàng, chi phí kho hàng, chi phí dịch vụ khách hàng, chi phí quản trị hoạt động logistics và chi phí ẩn (tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường,…). Trong đó 3 thành phần chính là chi phí vận tải, chi phí tồn trữ, kho bãi và chi phí quản trị logistics. Chi phí logistics tại Hải Phòng hiện còn tại mức cao do hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi, hậu cần cảng, công nghệ thông tin… còn kém; năng lực hoạt động của các doanh nghiệp logistics còn chưa hiệu quả.
Thời gian là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng dịch vụ logistics vì thời gian là một trong những yếu tố quyết định tới chi phí logistics đồng thời làm gia tăng độ tin cậy của khách hàng với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ. Thời gian vận chuyển logistics tại Hải Phòng chưa rút ngắn được tối đa do tổ chức vận tải chưa hợp lý (chủ yếu bằng đường bộ); thủ tục hành chính, giao nhận còn rườm rà, chất lượng dịch vụ kho bãi thấp, chưa giảm được thời gian gom hàng, trả hàng, làm thủ tục; mức độ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ còn hạn chế.
Có thể rút ra một số yếu kém, tồn tại của các doanh nghiệp logistics trên địa bàn Hải Phòng hiện nay như sau: quy mô doanh nghiệp đa phần là vừa và nhỏ, hạn chế về khả năng tài chính và trình độ quản trị doanh nghiệp, do đó năng suất lao động còn thấp; Mức độ áp dụng công nghệ của các doanh nghiệp logistics còn chưa cao, tỉ lệ ứng dụng các hệ thống quản lý thông tin như ERP (hệ thống hoạch định tài nguyên) chỉ chiếm 10%, EDI (hệ thống hành chính điện tử) chiếm 17%, TMS (hệ thống quản lý vận tải) chiếm 19%, GPS (định vị) chiếm 29%, Barcode và WMS (hệ thống quản lý kho bãi) chiếm 17%; Chi phí dịch vụ logistics chưa thực sự cạnh tranh; Chất lượng cung cấp dịch vụ còn thấp; Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.
Các TT logistics trên địa bàn thành phố Hải Phòng được chia thành 2 nhóm: nhóm các trung tâm đã có giấy phép xây dựng và hiện đang trong quá trình triển khai dự án nhưng chưa đi vào hoạt động; và nhóm các trung tâm đã đi vào hoạt động. Với nhóm số 2, hiện tại chỉ có 3 trung tâm là trung tâm Green logistics của Công ty VICONSHIP, trung tâm Yusen logistics của Công ty TNHH Yusen Logistic Việt Nam, trung tâm kho vận Damco của Công ty Damco.
Một số dự án TT logistics khác vẫn còn trong tình trạng đang thi công, hoặc mới chỉ hoàn thiện và đưa vào hoạt động một phần, hoặc mới được cấp giấy phép đầu tư và cấp đất như: Dự án Hi Logistics Vietnam – Nhà đầu tư Hàn quốc thuộc dự án đầu tư logistics tại Khu Công nghiệp Tràng Duệ; trung tâm dịch vụ kho bãi của C.STEINWEG (Hà Lan); Dự án trung tâm logistics của công ty TNHH SITC (Việt Nam) tại Khu công nghiệp Đình Vũ…
Ngoài ra còn nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics khác, chủ yếu đóng vai trò cung ứng một số dịch vụ đơn lẻ cho các công ty logistics nước ngoài, như làm thủ tục hải quan, vận chuyển hàng hóa, cho thuê kho bãi… với quy mô nhỏ.
Để lại một bình luận