Tạo điều kiện cho di chuyển lao động kỹ năng được coi như một phương cách chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực ASEAN, do vậy hợp tác giữa Việt Nam và các nước cần được đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả, tập trung vào:
Để MRAs vận hành được và khả thi, công nhận trình độ chỉ là một điều kiện cần và có thể cần phải tiến hành một số những bố trí sắp xếp khác để thúc đẩy thực sự hiệu quả của MRAs. Những biện pháp này có thể là các kỳ thi chuyên môn nghề nghiệp phù hợp cho người nước ngoài, các khóa đào tạo bắc cầu, hướng dẫn và đào tạo trong công việc, giám sát hoặc làm việc có điều kiện, và có giai đoạn thích nghi phù hợp. Đồng thời, bản thân các nước thành viên phải tạo được độ tin cậy lẫn nhau về trình độ và chất lượng được đào tạo để có thể thực sự mở cửa thị trường của mình. Cần phải tiến hành xoá bỏ các rào cản thông qua hợp tác, trao đổi và liên kết đào tạo, cấp chứng chỉ bởi một hệ thống đào tạo có tiêu chuẩn quốc tế hoặc bởi nước có trình độ đào tạo cao hơn; thúc đẩy kết nối giữa di chuyển kỹ năng với thủ tục về visa và giấy phép làm việc để đảm bảo MRAs có được những lợi thế khác so với hình thức di chuyển lao động thông thường khác nhằm khuyến khích người lao động tham gia vào hệ thống công nhận lẫn nhau.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể khởi xướng việc thảo luận và tiến tới công nhận về kỹ năng và trình độ của những nghề ngoài 8 MRAs đã ký song là lợi thế của Việt Nam và là những nghề có nhu cầu cao trong ASEAN hiện nay và trong tương lai, ví dụ như ICT.
Việt Nam cần nâng cao chất lượng thông tin về thị trường lao động có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoạch định sự phát triển của nguồn nhân lực trong nước. Cần phải đẩy mạnh phối hợp và hợp tác trong khu vực về chia sẻ thông tin về di chuyển lao động, các ngành nghề có nhu cầu cao, tiêu chuẩn ngành nghề và khả năng đào tạo để kết nối cung – cầu trong khu vực. ASEAN có thể xây dựng một Cổng thông tin điện tử chung chia sẻ các thông tin liên quan đến việc làm của các nước, các chính sách đối với lao động nước ngoài của từng nước làm kênh chính thống để trao đổi thông tin. Ngoài ra, cần chia sẻ các dữ liệu về lao động di cư theo ngành, nghề giữa các nước để đảm bảo quản lý hiệu quả và bảo vệ lao động di chuyển.
Đối với MRAs, cần công bố các thủ tục và kết quả công nhận và phổ biến những kiến thức dễ dàng tiếp cận với các quy định cho người lao động, người sử dụng lao động và những đối tác khác, bao gồm cả xã hội dân sự. Mặc dù những cố gắng đơn giản hóa đã được đưa ra để thực hiện MRAs nhưng sự phức tạp trong quản trị quá trình công nhận vẫn còn tồn tại. Để giải quyết vấn đề này, Trang chủ về việc làm như đề cập ở trên có thể sử dụng công cụ tương tác thân thiện để cung cấp các nguồn thông tin đa ngôn ngữ về khái niệm công nhận kỹ năng và các thuật ngữ và quy định công nhận của quốc gia, các thủ tục và những kinh nghiệm tốt. Bằng cách này sẽ giúp làm giảm những hiểu sai hay nhầm lẫn về bản chất, đặc trưng và mục đích của quá trình công nhận; nó cũng cho phép những người chủ sử dụng lao động, người di cư, những người làm luật, các trung gian tuyển dụng tiếp cận và so sánh những thông tin cập nhật về thủ tục công nhận và kết quả đạt được của mỗi nước thành viên ASEAN và tạo điều kiện phổ biến những kinh nghiệm tốt. Nhờ đó, khuyến khích việc kết nối và sử dụng các chuyên gia đã đạt tiêu chuẩn của ASEAN của những nhà đầu tư, nhà kinh doanh và doanh nghiệp, hiệp hội liên quan.
Tiếp cận sớm việc công nhận sẽ nâng cao hiệu quả của quá trình công nhận. Những lao động kỹ năng cao càng phải chờ đợi thủ tục công nhận và kết quả công nhận sẽ càng mất đi những cơ hội và sinh kế cũng như sự công nhận theo yêu cầu đối với lao động người nước ngoài. Việt Nam và các nước thành viên ASEAN có thể cùng cung cấp việc hỗ trợ việc công nhận trình độ của người nước ngoài, bao gồm cả việc đánh giá các tiêu chuẩn trước khi đi, tập trung trước hết ở một số ngành, nghề thuộc MRAs hoặc các ngành, nghề có nhu cầu cao trong khi chưa có thể vận hành đầy đủ AQRF trong thời gian gần để đánh giá được trình độ như mục tiêu đề ra. Mặc dù việc đánh giá đạt được các tiêu chuẩn của nước ngoài không giúp việc đạt được công nhận kỹ năng đối với những nghề/lĩnh vực đã ký kết nhưng nó sẽ tạo điều kiện để được công nhận sớm trong quá trình di cư. Tuy nhiên, trong dài hạn, cần phải thúc đẩy thực hiện nhanh hơn việc sử dụng AQRF để giúp hài hoà hoá quá trình đào tạo để dễ dàng công nhận trình độ của người lao động.
Khu vực tư nhân có vai trò sống còn trong phát triển nguồn vốn con người và thiết lập các cơ chế di chuyển lao động kỹ năng hiệu quả, bởi vì những người sử dụng lao động xuất phát từ nhu cầu kinh doanh sẽ xác định việc tuyển dụng người lao động ở ngoài quốc gia mà họ đặt trụ sở. Khi một công ty lựa chọn đóng trụ sở ở một nơi nào là họ đã đánh giá và dựa vào khả năng lao động kỹ năng ở nơi đó đồng thời có thể thu hút thêm từ những khu vực khác trong tương lai. Trong quá trình di chuyển của lao động có kỹ năng cũng như thực hiện MRAs, các hiệp hội và doanh nghiệp đóng vai trò then chốt đối với việc lựa chọn các ứng viên trên cơ sở đánh giá năng lực của họ cũng như đánh giá tác động thị trường lao động khi phải thuê lao động nước ngoài vào làm việc. Việc tham gia của khu vực tư nhân trong quá trình này sẽ giúp Chính phủ và các cơ quan liên quan xác định nhu cầu lao động kỹ năng cụ thể, giúp các trường đào tạo xây dựng chương trình và giáo trình phù hợp và truyền dạy những kỹ năng khuyến khích phát triển nghề nghiệp theo nghĩa rộng. Điều này sẽ góp phần làm cho việc đào tạo, tuyển dụng lao động có kỹ năng và việc thực hiện MRAs được hiệu quả, bám sát nhu cầu thị trường.
Trong quá trình thúc đẩy di chuyển lao động có kỹ năng trong Cộng đồng ASEAN, Việt Nam cần tăng cường hợp tác chặt chẽ với các đối tác liên quan ở cấp khu vực và quốc tế theo những thế mạnh của họ để thu hút hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật cho tất cả các giải pháp. Hợp tác giữa chính phủ – chính phủ, hợp tác với Ban Thư ký ASEAN, giữa các kênh giáo dục, đại học và lao động của ASEAN và giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế như ILO, IOM và các đối tác song phương như Đức, Ốt-xtrây-lia, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy nhanh chóng và đạt được các mục tiêu về đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách hệ thống giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, đạt được các tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, các đối tác cũng có thể hỗ trợ Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung trong các dự án về thông tin thị trường lao động, kết nối cung cầu hay so sánh luật pháp, chính sách quản lý lao động nước ngoài tập trung vào 8 MRAs mà Việt Nam đang điều phối trong ASEAN cùng với Phi-líp-pin làm cơ sở đề xuất và thực hiện tốt hơn các giải pháp hội nhập lao động của Việt Nam trong thời gian tới.
Để lại một bình luận