Như trên tổng thể, hiện nay nước ta đang có nhiều thuận lợi để hoàn thiện và phát triển thị trường chứng khoán.
-Thứ nhất, với quyết tâm chặn đà giảm sút nhịp độ tăng trưởng kinh tế nhịp độ tăng trưởng kinh tế của đất nước những năm gần đây do những tác động bất lợi của khủng hoảng tài chính khu vực, Việt Nam đã xây dựng hoàn thành bản Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2010 nhằm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới, xoá đói giảm nghèo, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu để hội nhập và phát triển. Đây là tiền đề quan trọng để tiến hành phát triển các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế trong việc phát triển thị trường chứng khoán.
-Thứ hai, định hướng phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo định chế thị trường ở nước ta ngày càng trở nên rõ nét và nhất quán; các yếu tố pháp lý của việc tổ chức, quản lý và vận hành nền kinh tế theo các nguyên lý của thị trường đang được củng cố và hoàn thiện dần. Đặc biệt, với sự kiện Hiệp định thương mại đã ký kết, cách nhìn nhận của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư tại Việt Nam, về cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng trưởng phát triển kinh tế và đẩy mạnh cải cách sẽ được thay đổi một cách căn bản, đây là tiền đề rất quan trọng cho sự hình thành, hoàn thiện và phát triển của thị trường chứng khoán ở nước ta.
-Thứ ba, môi trường kinh doanh và đầu tư ngày càng trở nên thông thoáng, khi đã có khoản 150/402 giấy phép con đã được bãi bỏ cùng với sự ra đời có hiệu lực của Luật doanh nghiệp đã có trên 440 Công ty cổ phần được thành lập, nhiều hơn tổng số các công ty cổ phần được thành lập trong 9 năm trước cộng lại. đó là nguồn tiềm năng có ý nghĩa quyết định đến sự thành công hay thất bại của thi trường chứng khoán.
-Thứ tư, ngoài nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong việc tích cực tác động trong quá trình hình thành thị trường chứng khoán, nước ta còn nhận được sự hỗ trợ tích cực, sự giúp đỡ có hiệu quả của các chính phủ, các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài cả về mặt vật chất lẫn kinh nghiệm.
-Thứ năm, qua một năm tập dượt, cọ sát với thương trường, trình độ của đội ngũ cán bộ môi giới của các công ty chứng khoán, cán bộ quản lý và điều hành được nâng lên một bước. Đó là nhân tố tích cực đối với sự hình thành và phát triển của thị trường.
-Thứ sáu, như một phần của văn hoá, cờ bạc – thú tiêu khiển hấp dẫn và có sức cám dỗ – đã và đang lan toả khắp đất nước Việt Nam. Chính sự được cám dỗ của trò may rủi trên thị trường chứng khoán sẽ là nhân tố nuôi dưỡng và phát triển số lượng các nhà đầu tư và phát triển thị trường chứng khoán như đã từng nuôi dưỡng thị trường dân số và đội quân bán vé số khắp trong các Tỉnh, Thành trong cả nước.
Những thuận lợi được đề cập ở trên là cơ bản nhưng để hình thành một thị trường chứng khoán hoạt động ổn định và có hiệu quả, trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn.
-Thứ nhất, khó khăn bao trùm nhất cho việc hình thành, hoàn thiện và phát triển thị trường chứng khoán là sự cồng kềnh và kém hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước trong guồng máy kinh tế. Số liệu thống kê trong năm gần đây cho thấy, trong 5.371 doanh nghiệp nhà nước hiện có, chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, 29% doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, 31% hoạt động chưa ổn định. Đáng buồn là báo cáo khảo sát 727 thiết bị và 3 dây chuyền nhập khẩu của 42 cơ sở sản xuất mới đây do Viện Khoa học Bảo hộ Lao Động thực hiên cho biết có đến 76% thiết bị, máy móc nhập khẩu thuộc thế hệ những năm 50 – 60, trên 70% đã hết khấu hao, gần 50% đã được tân trang lại. Một phúc trình khác do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thực hiện tại nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành sản xuất quan trọng cũng cho thấy, các thiết bị đang sử dụng lạc hậu so với thế giới từ 10 đến 20 năm, mức độ hao mòn hữu hình từ 30 – 50%.
-Thứ hai, khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta chưa thật sự phát huy hết vai trò so với tiềm lực của nó trong nền kinh tế với một thị trường tiêu thụ gần 80 triệu dân. Mặc dù đã được nhà nước chính thức thừa nhận và tạo điều kiện cho phát triển nhưng cho đến nay, khu vực này chủ yếu vẫn là các hộ gia đình nông dân và các hộ kinh doanh công thương nghiệp, dịch vụ. Các dạng công ty vừa và nhỏ, công ty cổ phần có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường vẫn còn ít.
-Thứ ba, mặc dù đã có sự chuyển biến rất lớn trong việc thực hiên chủ trương cổ phần hoá nhưng cho đến nay, do nhiều nguyên nhân, tiến độ cổ phần hoá của các nước diễn ra rất chậm. Điều không may là hiện tồn tại quan điểm cho rằng, cổ phần hoá là một hình thức giải quyết vấn đề tài chính của các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ. Do đó, tuy nguồn cung chứng khoán tiềm năng không phải là nhỏ nhưng nguồn cung thực tế thì quá nhỏ bé, không hấp dẫn và không đáp ứng nhu cầu của thị trường. Quan hệ cung cầu chứng khoán vốn có khuynh hướng xấu đi khi nhiều doanh nghiệp đủ các điều kiện niêm yết lại không thực hiện niêm yết chứng khoán.
-Thứ tư, mặc dù đã hình thành và phát triển ở Việt Nam nhưng do không được chính thức thừa nhận, thị trường đất đai – “chú ngựa non bất kham” – đã và đang gây những tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế. Theo các chuyên gia kinh tế, với mặt bằng giá trị đất mặt tiền hiện nay ở phố Hàng Đào (5.300 USD/m2), phố Kim Mã (3.000USD/m2), giá đất ở khu vực này cao hơn rất nhiều lần so với giá đất tại khu vực Manhattan (New York, Hoa Kỳ)! Giá đất gia tăng đột biến và gia tăng với tốc độ chóng mặt đã hướng đại bộ phận các dòng chảy của tiền vốn nhàn rỗi và chuyển dịch các nguồn vốn trên các thị trường tài chính vào thị trường đất đai với mục đích đầu cơ trục lợi. Hậu quả là, nền kinh tế sẽ rất khó có cơ may phát triển vì sẽ không có nhà đầu tư nào chịu bỏ vốn ra đầu tư sản xuất vì chính chi phí thuế đất quá cao sẽ làm cho giá thành sản phẩm đội lên và do đó sản phẩm sẽ được cạnh tranh. Trong hoàn cảnh ấy, thật không dễ dàng chút nào để hoàn thành và phát triển một thị trường chứng khoán.
-Thứ năm, hiện đang tồn tại một nghịch lý trong xã hội Việt Nam trong vấn đề thực thi và chấp hành pháp luật. Trong khi vẫn còn phải mất một khoảng thời gian khá dài Việt Nam mới có đủ các bộ Luật cần thiết để điều chỉnh các hoạt động kinh tế của các chủ thể trong nền kinh tế thị trường thì việc thực thi một số ngành Luật đã ban hành. Trong lĩnh vực chứng khoán, khó khăn lại càng thể hiện rõ hơn vì khung pháp lý hiện nay, vẫn còn nhiều việc phải làm để điều tiết đúng hướng mọi giao dịch thực hiện trên thị trường, bảo đảm thị trường hoạt động công bằng và ổn định.
-Thứ sáu, mặc dù đã nhiều lần thực hiện điều chỉnh chế độ kế toán các doanh nghiệp nhưng cho đến nay, Việt Nam chưa có một chế độ kế toán hoàn chỉnh và tiến gần đến các chuẩn mực kế toán quốc tế. Hậu quả là vẫn còn đó những cản ngại chưa thể vượt được khi muốn tiến hành huy động vốn trên thị trường quốc tế cũng như thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán trong nước.
-Thứ bảy, tuy HSTC đã hoạt động được một năm nhưng một điều chắc chắn có khẳng định rằng, mặt bằng chung về sự thành thạo tài chính (financial sophisticated) của công chúng vẫn còn ở mức rất thấp. Xu hướng “kinh doanh chứ không sở hữu chứng khoán”, xu hướng giao dịch theo số đông, không có sự tính toán, cân nhắc đã làm cho thị trường vốn đã phức tạp lại càng thêm phức tạp, khó dự đoán và khó quản lý bởi tác động của “hiệu ứng đám đông” (herding effect). Một mặt, khi trạng thái hưng phấn không còn là trạng thái đơn lẻ của từng cá nhân mà trở thành trạng thái của đại đa số, nhiều nhà đầu tư (kể cả các nhà đầu tư mới) sẽ đổ xô đi mua cổ phiếu bằng mọi giá vì luôn nghĩ rằng nó có giá trị và sẽ có người mua lại với giá cao hơn nữa. Trong trường hợp này, theo “thuyết vẫn có đủ các nhà đầu tư cổ phiếu khôn ngoan hơn”(greater fool theory), cho dù chứng khoán hay toàn bộ thị trường đã được định giá hợp lý (vừa đủ), việc đầu cơ vẫn được nhiều người xem là hợp lý bởi vì sẽ có đủ những nhà đầu tư thiếu suy xét sẵn sàng đẩy giá cao thêm. Ở một thái cực khác, khi trạng thái ức chế và hoang mang đã trở thành phổ biến, xu hướng bán tống bán tháo chứng khoán để thu hồi vốn và rút nhanh ra khỏi thị trường làm giá cổ phiếu rơi tự do và thị trường sẽ hoàn toàn sụp đổ. Rõ ràng, nếu không hạn chế tác động của hiệu ứng đám đông, tính lưu chuyển của thị trường sẽ rất thấp vì không có một thị trường nào có thể đạt tính lưu chuyển cao nếu giới đầu tư đều ứng xử giống nhau (tất cả cùng mua hoặc cùng bán).
-Thứ tám, sau hơn một năm vận hành HSTC, điều không may là phần lớn các nhà đầu tư đều bị thua lỗ lớn từ các rủi ro về chính sách, thị trường thử nghiệm đang đứng trước các nguy cơ khủng khoảng cung cầu, khủng hoảng lòng tin về tính ổn định nhất quán trong các chính sách, về tính minh bạch trong các quyết định, về kinh nghiệm điều hành của cơ quan quản lý.
Để lại một bình luận