Để tránh tình trạng “chảy máu chất xám” do người lao động kỹ năng không trở về nước sau thời gian làm việc ở nước ngoài, cần có những chính sách thu hút đối tượng lao động này quay trở về phục vụ cho nhu cầu phát triển của đất nước. Cần phải cụ thể hoá các chính sách hỗ trợ người lao động sau khi về nước cũng như ban hành thêm những chính sách hỗ trợ tích cực hơn với lao động trở về. Cần xây dựng một cơ sở dữ liệu về người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước, bao gồm cả trình độ, kiến thức và kỹ năng, kinh nghiệm đã có làm cơ sở để có thể thống kê, xây dựng các chương trình hỗ trợ và kết nối việc làm cho lao động về nước, tận dụng được những gì họ đã thu nhận và nâng cao, rèn luyện được ở nước ngoài vào các công việc ở trong nước.
Chính phủ cũng có thể tính đến việc phát triển các ngành, nghề tận dụng được lợi thế về mặt kỹ năng của những lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về nếu những ngành, nghề đó mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng được nhu cầu của ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ như: nông nghiệp áp dụng công nghệ cao mang lại năng suất cao hiệu quả, các ngành dịch vụ du lịch hay nghỉ dưỡng, dưỡng lão… Thực tế đã cho thấy có rất nhiều mô hình hiệu quả được phát triển dựa trên những kinh nghiệm của lao động có kỹ năng đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, mô hình nhà dưỡng lão chất lượng cao (theo tiêu chuẩn Nhật Bản, của Đức) thu hút các lao động đã đi làm y tá và điều dưỡng ở Nhật Bản quay về phục vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thậm chí hướng tới thu hút khách hàng từ Nhật Bản, Xing-ga-po, Đài Loan sang sử dụng dịch vụ.
Tiếp tục có những chính sách hướng nghiệp, tạo động lực về tài chính cũng như hỗ trợ khác về kinh tế đối với các dự án/đề án đầu tư tận dụng được ưu thế của lao động kỹ năng quay trở về (ưu đãi về vốn, thuế đất, thuế kinh doanh…) để thực sự coi người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về là những nguồn lực tạo ra cú hích tăng trưởng.
Cần xem xét và thực hiện việc công nhận trình độ kỹ năng nghề cho người lao động đối với những kỹ năng, kinh nghiệm mà họ học hỏi và thu nhận được trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Điều này sẽ khuyến khích người lao động di chuyển tự trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm và các kiến thức cần thiết, kể cả ngoại ngữ, để phục vụ cho việc làm trong tương lai ở trình độ cao hơn. Việc công nhận kỹ năng này có thể là một phần kỹ năng hoặc cả gói kỹ năng và người lao động cần được thông báo trước về việc này trước khi di chuyển để chủ động thu thập bằng chứng cho những kỹ năng và kinh nghiệm họ có được trong quá trình làm việc ở nước ngoài, làm căn cứ cho việc công nhận kỹ năng của các cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời, cần tạo ra bầu không khí xã hội hoá lao động trong quá trình hội nhập để lao động trong nước cũng như ngoài nước đều được quan tâm và tôn trọng như nhau. Quan điểm đối với người đi làm nhiệm vụ xa quê hương khi trở về cần thông qua các chính sách cụ thể như tiếp nhận và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động đoàn thể cũng như tổ chức xã hội khác; thuận tiện trong đăng ký về hộ khẩu, lưu trú, di chuyển khi lao động trở về đến nơi làm việc mới; thực hiện chế độ về bảo hiểm khi lao động sang nước ngoài đã đóng nay tiếp tục đóng và được cộng cả thời gian đã đóng ở nước ngoài thông qua hình thức bảo hiểm tương hỗ.
Để lại một bình luận