1. Xuất khẩu trực tiếp:
Mặt hàng hạt tiêu của Việt Nam đã có mặt trên 80 thị trường trên thế giới, trong đó Hoa Kỳ là nhà nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 20% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam. Tiếp đến là Đức, Hà Lan, Ấn Độ, Singapore, Nga, và Trung Đông.
Hoa Kỳ hiện đang là nước nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới. Năm 2006 Hoa Kỳ đã nhập khẩu 70.540 tấn, trị giá 135,5 triệu USD từ các nguồn hàng trên thế giới, bao gồm 55.500 tấn tiêu đen, 7.800 tấn tiêu trắng và 7.240 tấn tiêu xay, chiếm 22% tổng lượng tiêu nhập khẩu của thế giới. Lượng nhập khẩu của năm 2006 đã tăng 5% so với 66.890 tấn của năm 2005, trong đó tiêu đen tăng 6%, tiêu trắng tăng 8% trong khi tiêu xay giảm 3%.
Thâm nhập vào Hoa Kỳ chậm hơn cà phê nhưng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam vào thị trường này đã tăng nhanh chóng. Nếu như năm 1997, trị giá hạt tiêu Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ mới chỉ đạt 2,1 triệu USD thì đến năm 2002 đã lên 16,947 triệu USD, năm 2005 đạt 29,582 triệu USD, và năm 2006 đạt 33,552 triệu USD. Sự tăng vọt này là do các thương nhân Hoa Kỳ ngày càng tăng cường nhập hạt tiêu thẳng từ Việt Nam và giảm nhập qua các công ty trung gian nước ngoài.
Tuy nhiên, hiện nay hầu như chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào xuất khẩu trực tiếp và thâm nhập đến thị trường tiêu dùng cuối cùng của Hoa Kỳ mà hình thức chủ yếu vẫn là xuất khẩu thô hoặc sơ chế sau đó các công ty Hoa Kỳ sẽ chế biến lại. Trong vài năm gần đây, Hoa Kỳ đã tăng nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam thay thế Ấn Độ. Kể từ năm 2001 tới năm 2005, lượng tiêu nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Ấn Độ đã giảm mạnh trong khi nhập khẩu từ Việt Nam lại tăng nhanh chóng. Năm 2000, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ chỉ đạt 1.763 tấn trong khi Ấn Độ xuất sang Hoa Kỳ 11.035 tấn thì tới năm 2005 lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng lên 21.186 tấn trong khi Ấn Độ giảm xuống 3.828 tấn. Năm 2006, lượng xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam sang Hoa Kỳ tuy giảm nhưng giá trị xuất khẩu tăng do giá tiêu những tháng cuối năm tăng .
Hà Lan là thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Trong giai đoạn 2001-2006 Hà Lan luôn giữ vị trí là một trong những nhà nhập khẩu tiêu hàng đầu của Việt Nam với mức tăng trưởng cao. Từ năm 2001 lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam, với 5.108 tấn, trị giá 8,164 triệu USD. Tuy nhiên lượng hạt tiêu nhập khẩu của Hà Lan từ Việt Nam trong giai đoạn này dao động không nhiều. Năm 2006 Hà Lan nhập khẩu 8.932 tấn tiêu từ Việt Nam với giá trị 14,898 triệu USD.
Hạt tiêu là một trong những gia vị được ưa thích nhất của người Đức phải nhập khẩu từ nước ngoài. Năm 2006, Đức nhập khẩu 26.030 tấn hạt tiêu, trị giá 48,3 triệu euro, gồm 23.450 tấn tiêu hột và 2.580 tấn tiêu xay, chiếm gần 30% tổng giá trị các loại gia vị nhập khẩu khác (năm 2005 là 25%). Lượng nhập khẩu của Đức năm 2006 tăng 15% so với mức nhập khẩu 22.730 tấn năm 2005. Năm 2006, kim ngạch nhập khẩu các loại gia vị của Đức (không kể những loại gia vị đã pha trộn) trị giá 161 triệu euro. Theo số liệu thống kê, hiện Việt Nam đứng đầu trong số các nước cung cấp hạt tiêu cho thị trường Đức. Lượng hạt tiêu Đức nhập từ Việt Nam chiếm 35% thị phần, tiếp đến là từ Braxin 19% và Indonesia 17%.
Xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam sang thị trường Đức tăng rất mạnh trong giai đoạn 2001-2006. Năm 2001 Việt Nam mới chỉ xuất 1.617 tấn hạt tiêu sang Đức, trị giá 2,528 triệu USD thì năm 2006 đã tăng lên 10.957 tấn, trị giá 19.021 triệu USD. Nếu năm 2001, Đức mới chỉ là thị trường xuất khẩu hạt tiêu đứng thứ 10 của Việt Nam, sau Singapore, Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất, Hà Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Ai Cập, Pakistan và Indonesia thì năm 2006, Đức đã là thị trường lớn thứ hai của Việt Nam về xuất khẩu hạt tiêu. Thời gian gần đây, số lượng và kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của Việt nam sang Đức tiếp tục tăng với tốc độ kỷ lục, hứa hẹn một thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng cho mặt hàng tiêu Việt Nam.
2. Xuất khẩu qua nước trung gian:
Mặc dù Việt Nam hiện là nước xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới nhưng tiêu của Việt Nam vẫn phải xuất khẩu qua các nước trung gian và sau đó được tái xuất với mức giá cao hơn và Ấn Độ là một trong những nước nhập khẩu tiêu sau đó tái xuất lớn nhất của Việt Nam. Lượng hàng tái xuất trong tổng xuất khẩu của Ấn Độ ngày càng tăng. Nếu như năm 2000 tổng lượng hạt tiêu nhập để tái xuất của Ấn Độ là 6.570 tấn trong tổng xuất 19.900 tấn thì tới năm 2004 con số tương ứng là 14.200 tấn trong tổng xuất 14.049 tấn.
Lượng tiêu mà Ấn Độ nhập từ Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2001-2006. Năm 2001 Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ 4.228 tấn, trị giá 6,451 triệu USD và năm 2006, con số này đã tăng lên 7.843 tấn, trị giá 11.066 triệu USD. Các công ty Ấn Độ đã nhập khẩu tiêu của Việt Nam, sau đó tái xuất và thu được lợi nhuận khá cao. Đây cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm.
Trong các nước ASEAN, từ nhiều năm qua Singapore được coi là thị trường truyền thống trung gian cho hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới vì đây là nơi chuyển tải hàng hoá hết sức thuận lợi. Singapore cũng đã từng là một trong những nước nhập khẩu hạt tiêu lớn của Việt Nam song trong những năm gần đây, lượng tiêu xuất khẩu sang thị trường này giảm khá mạnh. Nếu như năm 2001 Singapore nhập từ Việt Nam 12.266 tấn tiêu, trị giá 19,832 triệu USD thì năm 2005 con số tương ứng chỉ còn 2.039 tấn (trong tổng nhập khẩu 12.782 tấn) và 3,455 triệu USD. Năm 2006, nhập khẩu hạt tiêu của Singapore từ các nước trên thế giới đạt 15.702 tấn, gồm 8.457 tấn tiêu đen và 7.245 tấn tiêu trắng, tăng 23% so với năm 2005. Lượng nhập khẩu của Singapore từ Việt Nam năm 2006 tăng mạnh so với năm 2005, đạt 6.032 tấn, trị giá 9.637 USD. Singapore thuộc khối ASEAN, có vị trí địa lý gần Việt Nam, chi phí vận chuyển thấp, do đó các doanh nghiệp xuất khẩu cần khai thác tiềm năng và cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để có biện pháp khôi phục xuất khẩu mặt hàng hạt tiêu sang thị trường này.
Để lại một bình luận