Thị trường nội tệ liên ngân hàng còn được gọi tắt là thị trường liên ngân hàng chính là thị trường cho vay và gửi tiền (cả bằng nội tệ và ngoại tệ) giữa các TCTD. Thị trườngdo NHNN tổ chức và điều hành,được hình thành và đi vào hoạt động năm 1993, là nơi thực hiện việc cho vay và đi vay lẫn nhau giữa các ngân hàng nhằm mục đích bù đắp thiếu hụt tạm thời nhu cầu vốn khả dụng và là nơi tạo điều kiện để các NHTM tối đa hoá hiệu quả sử dụng nguồn vốn của mình.NHNN tham gia vào thị trường này với tư cách là thành viên và tác động lên thị trường để thực thi CSTT. Thông qua thị trường này, NHNN phần nào đã nắm bắt được nhu cầu vốn khả dụng của các NHTM, góp phần thực hiện tốt chức năng là người cho vay cuối cùng của nền kinh tế.
Giai đoạn trước năm 1993, thị trường nội tệ liên ngân hàng Việt Nam mới chỉ phát triển ở mức độ sơ khai do các TCTD mới được thành lập, chưa thực sự có nhu cầu về vốn và chưa có thói quen khai thác vốn lẫn nhau. Do đó, NHNN tổ chức mô hình thị trường liên ngân hàng tập trung giúp các thành viên thị trường có điều kiện tìm hiểu, chắp nối cung cầu trên thị trường, tạo nền tảng cho thị trường phát triển. Theo đó, các ngân hàng lớn nhất là các NHTM nhà nước thực hiện các giao dịch tập trung 1 phiên/tuần thông qua các tài khoản tại NHNN, qua đó tạo điều kiện để NHNN kiểm soát khối lượng giao dịch và lãi suất trên thị trường. NHNN vừa là người tổ chức, vừa là thành viên của thị trường, có thể cho các thành viên vay hoặc bảo lãnh việc vay giữa các thành viên.
Trong giai đoạn 1994-1998, hoạt động của thị trường nội tệ liên ngân hàng trở nên linh hoạt và được tự do hơn, mặc dù chưa có hệ thống máy tính nối mạng nên việc thực hiện giao dịch còn nhiều bất tiện. Khi các TCTD đã xây dựng được mối quan hệ tín nhiệm trong giao dịch vay mượn thì các thành viên thực hiện giao dịch trực tiếp với nhau vào tất cả các ngày làm việc trong tuần mà không phải thông qua NHNN và qua trung tâm giao dịch. Điều này một phần ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát của NHNN về lãi suất, khối lượng giao dịch bị hạn chế do NHNN không nắm được thông tin của thị trường mặc dù các NHTM đã được yêu cầu phải báo cáo về các giao dịch.
Trong giai đoạn 1999-2006, hoạt động của thị trường từng bước được cải thiện nhờ: (i) Khuôn khổ pháp lý hoàn thiện hơn, nhất là Luật các TCTD ra đời đã tạo ra sự bình đẳng cho các TCTD trong việc tiếp cận các khoản tín dụng của NHNN; (ii) Hệ thống cơ sở hạ tầng về kỹ thuật, công nghệ ngân hàng nhất là hệ thống thanh toán và giao dịch, kể cả các công cụ tài chính, được hiện đại hoá và đa dạng hoá; (iii) Việc tự do hoá dần lãi suất đã hấp dẫn các TCTD tham gia thị trường; (iv) Các công cụ mới như nghiệp vụ thị trường mở (từ 2000), vay thấu chi, vay qua đêm và thanh toán bù trừ điện tử (2002) được đưa vào áp dụng và sử dụng linh hoạt hơn. Ngoài ra, các kỳ hạn cho vay cũng đa dạng hơn. Các yếu tố này đã tác động tích cực làm tăng doanh số giao dịch trên thị trường.
Trong giai đoạn 2007-2008, trước những diễn biến ngày càng nghiêm trọng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, giá dầu, giá vàng và các loại nguyên vật liệu tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, lãi suất huy động từ dân cư tăng cao, NHNN đã thực hiện CSTT thắt chặt nhằm đối phó với lạm phát cao khiến cho lượng tiền cung ứng giảm. Sự điều chỉnh liên tục trong CSTT của NHNN (điều chỉnh tăng lãi suất áp dụng cho dự trữ bắt buộc, tăng cường bán GTCG trên thị trường mở, yêu cầu các TCTD thực hiện mua tín phiếu bắt buộc…) đã khiến nhu cầu vốn của các TCTD trở nên vô cùng khó khăn. Vì vậy, doanh số cho vay, gửi tiền trên TTTT cũng có sự gia tăng đột biến, có thời điểm doanh số gửi tiền VND trên thị trường liên ngân hàng đã lên đến gần 300.000 tỷ VND (gần bằng ½ tổng mức đầu tư tín dụng của toàn nền kinh tế).Tính đến 30/6/2008, tổng doanh số cho vay và gửi tiền bằng VND đã tăng lên 198.507,203 triệu đồng, doanh số cho vay và gửi tiền bằng USD là 142.315,96 ngàn USD. Có thể nói đây là thời kỳ giao dịch có doanh số cao nhất tính cho cả giai đoạn 2005-2008, phản ánh tình trạng khó khăn về vốn khả dụng của các NHTM do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Cũng trong giai đoạn này, thị trường tồn tại tình trạng phân nhóm theo loại hình NHTM. Các NHTM trong nhóm thường sẵn sàng hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn về vốn khả dụng với các điều kiện cho vay đơn giản hơn, kéo theo tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các thành viên.
Tính đến hết năm 2018, số lượng thành viên đã tăng đáng kể (hơn 60 thành viên so với mức dưới 10 thành viên năm 2000). Phương thức giao dịch của thị trường đã dần được đổi mới, hầu hết các giao dịch đều thực hiện qua mạng, với kỳ hạn khá linh hoạt (qua đêm, 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng).Lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VNIBOR) trên cơ sở chào giá hàng ngày của một số ngân hàng cũng đã được xây dựng.
Bên cạnh đó, khó khăn về vốn khả dụng của hệ thống ngân hàng về cơ bản đã được khắc phục, doanh số giao dịch trên thị trường cũng dần đi vào ổn định, giúp cung cấp nguồn vốn thanh khoản cho các TCTD, góp phần không nhỏ đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.Cụ thể:
– Cuối năm 2008 đến 2012, CSTT thay đổi với tần suất lớn để ứng phó với diễn biến phức tạp của thị trường18, cùng với yếu kém trong quản trị tín dụng và nguồn vốn, nhiều TCTD thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản. Để bù đắp thiếu hụt thanh khoản, nhiều TCTD vi phạm trần lãi suất huy động vốn trên thị trường 1 của NHNN. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) cũng liên tục tăng cao 19. Bằng việc chủ động, linh hoạt trong sử dụng các công cụ CSTT và tăng cường thanh tra giám sát, giữ nghiêm kỷ luật thị thường, tình trạng vi phạm của các TCTD đã không còn; khó khăn về lãi suất, thanh khoản của các TCTD cơ bản được giải quyết.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động vốn trên thị trường cho vay, gửi tiền giữa NHTM với các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế (2005- T6/2018)
Để lại một bình luận