Thành phần “vị chủng tiêu dùng” nổi lên với các từ khóa tương tự như nội dung thang đo lường “vị chủng tiêu dùng” mà các tác giả trước đã từng sử dụng như Shimp và Sharma (1987); Klein và cộng sự. (1998) (xem bảng 3.11). Ví dụ một số bình luận điển hình:
“Hãy tẩy chay hàng TQ đi mặc dù đã muộn. Buôn bán, sử dụng đồ TQ chỉ làm giàu cho họ, làm hại bản thân và hại Việt Nam!” (ID18, bình luận).
“Nói là tẩy chay hàng TQ nhưng trên các phương tiện truyền thông nhất là trên truyền hình lại luôn quảng cáo rầm rộ hàng TQ như vậy là chưa được. Tôi nghĩ nên dừng các quảng cáo như vậy. Các doanh nghiệp nhập khẩu cũng nên dừng nhập khẩu những mặt hàng từ TQ nữa. Mọi người chung tay góp sức nhỏ bé để bảo vệ lợi ích của chính người Việt Nam cũng là góp phần bảo vệ Tổ quốc thân yêu” (ID42, bình luận).
Thành phần này đã từng được kiểm định trước đó ở thị trường Việt Nam trong các nghiên cứu của Nguyen và cộng sự. (2008) hay nghiên cứu của Le và cộng sự. (2013). Tổng kết lý thuyết ở chương 2 cho thấy một số tác giả như Balabanis và cộng sự. (2001) đã chứng minh sự tác động cùng chiều của “chủ nghĩa yêu nước” lên “vị chủng tiêu dùng”. Kết quả này nhận được sự ủng hộ của Sharma và cộng sự. (1995); Klein và Ettenson (1999). Người có chủ nghĩa vị chủng càng cao sẽ đánh giá sản phẩm xuất xứ nước ngoài thấp đi, mối quan hệ này được chứng minh bởi Ishii (2009); (Nakos và Hajidimitriou, 2007).
Mối quan hệ nghịch chiều giữa chủ nghĩa vị chủng tiêu dùng và hành vi tiêu dùng hàng hóa có xuất xứ nước ngoài hay một quốc gia cụ thể nào đó đã được nhiều tác giả chứng minh, vd., Klein và cộng sự (1998); Suh và Kwon (2002). Do đó, nghiên cứu này đề xuất giả thuyết: có mối quan hệ cùng chiều giữa “chủ nghĩa yêu nước” và “vị chủng tiêu dùng”; có mối quan hệ cùng chiều giữa “vị chủng tiêu dùng” và “hành vi tẩy chay” và có mối quan hệ nghịch chiều giữa “vị chủng tiêu dùng” đối với “đánh giá sản phẩm”.
Để lại một bình luận