Thành phần với tên gọi “tẩy chay” thể hiện những tuyên bố của người tiêu dùng về hành vi của họ với hàng hóa xuất xứ TQ. Thành phần này được tách thành ba phân nhóm, nhóm thể hiện hành động đã xảy ra trong quá khứ được đặt tên “đã từng tẩy chay”, nhóm “đang/có ý định tẩy chay” và nhóm có “cảm xúc tiêu cực”.
Thành phần “đã từng tẩy chay” mô tả lời tuyên bố của người tiêu dùng thể hiện hành vi từ chối tiêu dùng hàng hóa TQ trong quá khứ gắn liền với một mốc thời gian nào đó. Ví dụ., các bình luận của những người tham gia mạng như sau:
“Không phải là bây giờ mà từ lâu tôi đã không mua không dùng hàng TQ rồi” (ID217, bình luận).
“Tôi rất ghét người Việt dùng hàng có xuất xứ từ TQ, người yêu nước hãy tẩy chay hàng xuất xứ từ TQ. Khoảng 20 năm nay tôi tẩy chay không mua một hàng nào xuất xứ từ TQ” (ID51, bình luận).
Thành phần “đang/có ý định tẩy chay” thể hiện hành vi tẩy chay của người tiêu dùng ở thời điểm họ đang nói hoặc trong tương lai. Ví dụ: “[…] Bản thân Tôi khi nhìn thấy bất kỳ hàng hóa gì có chữ Made in China đều đặt xuống không mua. Tôi không có cảm tình với hàng hóa TQ […]” (ID52, bình luận).
Thành phần “cảm xúc tiêu cực” đối với hàng xuất xứ TQ được biểu hiện qua các từ khóa sợ, không có cảm tình, ác cảm.
So sánh với các nghiên cứu trước, nội dung của thành phần “tẩy chay” tương tự như nội dung của các khái niệm nghiên cứu đã từng được các tác giả như Harmeling và cộng sự. (2015), Klein và cộng sự. (1998) sử dụng. Các từ khóa thu thập được cho thành phần này được minh họa ở bảng 3.4. Qua bảng mô tả này, có thể thấy nội dung thang đo của Klein và cộng sự. (1998) thiên về sự sẵn lòng tẩy chay mặc dù các phát biểu không đề cập trực tiếp đến từ tẩy chay như biểu hiện của người tiêu dùng Việt Nam qua các ý kiến của họ về hàng hóa TQ. Phân tích nội dung thang đo của nhóm Klein cho thấy các phát biểu vừa thể hiện hành động đã xảy ra trong quá khứ (vd., “Tôi đã cảm thấy xấu hổ khi mua hàng Nhật”). Vừa thể hiện hành động đang xảy ra ở hiện tại (vd., “Tôi không thích ý tưởng sở hữu hàng hóa của Nhật”) và cả ý định ở tương lai (vd., “Nếu hai sản phẩm cùng chất lượng, một sản phẩm của Nhật, sản phẩm còn lại của TQ. Tôi sẽ trả hơn 10% để mua sản phẩm TQ”). Các phát biểu trong thang đo của nhóm tác giả vừa thể hiện nội dung liên quan đến cảm xúc (xấu hổ, không thích) của người tiêu dùng, vừa thể hiện hành vi (lảng tránh, lựa chọn).
Đối với bối cảnh Việt Nam, nghiên cứu này chưa phát hiện ra cảm xúc “xấu hổ” qua các ý kiến của người tiêu dùng nhưng phát hiện ra người tiêu dùng Việt Nam “sợ” hàng TQ. Lý do này liên quan đến việc đánh giá chất lượng hàng TQ của người tiêu dùng. Ngoài ra, người tiêu dùng còn cảm thấy “không có cảm tình” và “ác cảm”, so sánh nghiên cứu của nhóm Klein thì có thể xem hai trạng thái cảm xúc này diễn tả các mức độ khác nhau của cảm xúc “không thích” trong phát biểu (“Tôi không thích ý tưởng sở hữu hàng hóa của Nhật”). Thang đo của Harmeling và cộng sự. (2015) được các tác giả điều chỉnh từ thang đo của Klein và cộng sự. (1998) nghiêng về sự lảng tránh sản phẩm nên được nhóm tác giả đặt tên là “lảng tránh sản phẩm” nhưng bản chất cũng đều là thể hiện dự định, sự sẵn lòng tẩy chay của người tiêu dùng.
Lập luận của nhóm Harmeling cho các nội dung đo lường này là do người tiêu dùng có cảm xúc lo lắng, hoang mang và sợ khi họ đánh giá các biến cố do đó họ sẽ lảng tránh sản phẩm do quốc gia gây ra biến cố sản xuất. Các phát biểu của “lảng tránh sản phẩm” không bao gồm các nội dung cảm xúc mà chỉ có các nội dung liên quan đến hành vi né tránh, lảng tránh.
Nội dung khái niệm sẵn lòng tẩy chay của Klein và cộng sự. (1998) cũng có phát biểu tương tự “Bất cứ lúc nào có thể, Tôi tránh mua sản phẩm của Nhật”.
Kết quả nghiên cứu định tính cũng phát hiện nội dung thể hiện cảm xúc lảng tránh của một cư dân mạng:
“Em và nhiều bạn bè đã từ lâu tẩy chay hàng TQ rồi. Kể cả hàng có nhãn mác của Nhật, Châu Âu mà cứ made in china là bọn em tránh xa” (ID65, bình luận).
Từ phân tích trên, nhất quán với mục tiêu từ ban đầu là xem xét biến phụ thuộc chính “sự sẵn lòng tẩy chay” hàng hóa TQ của người tiêu dùng, nghiên cứu này đề xuất sử dụng lại các nội dung đo lường của Klein và cộng sự. (1998).
Để lại một bình luận