Thành phần được đặt tên “kêu gọi tẩy chay” được tách thành hai thành phần nổi lên từ quan điểm của người tiêu dùng. Thành phần thứ nhất “kêu gọi mọi người tẩy chay” là biểu hiện hành vi của người tiêu dùng sau khi họ đánh giá biến cố xảy ra. Những biểu hiện này được thể hiện qua các từ khóa như bảng 3.3. Ví dụ., một người bình luận đã viết: “Tẩy chay hàng TQ. Dùng hàng Việt là góp phần giúp các chiến sĩ có nhiều vũ khí [..]. Từ lâu tôi có ý định phải treo băng rôn từ các con phố nhỏ đến từng bản làng đề tuyên truyền nói không với hàng TQ […] (ID98, bình luận). Thành phần thứ hai, “kêu gọi các tổ chức tẩy chay” được phản ánh qua các từ khóa như ở bảng 3.3. Các từ khóa này thể hiện các hành động của người tiêu dùng như kêu gọi chính phủ cấm vận, cấm buôn bán hàng TQ, xử lý tình trạng nhập lậu hàng hóa độc hại, kêu gọi các doanh nghiệp không giao thương, buôn bán, nhập khẩu hàng hóa xuất xứ TQ.
Người bình luận cũng kêu gọi các phương tiện truyền thông dùng ảnh hưởng của mình để truyền thông điệp tẩy chay. Ví dụ, một người bình luận như sau:
“Đề nghị các đài truyền hình không phát sóng phim TQ nữa, bật kênh nào cũng hảo su kù lung lẳng chẻo thế này lại càng nhức đầu hơn” (ID83, bình luận).
Đối chiếu và so sánh với lý thuyết về tẩy chay, “kêu gọi tẩy chay” là thuật ngữ đã từng được Friedman (1985); Friedman (1991) đề cập. Tuy nhiên, thuật ngữ này chỉ nằm trong định nghĩa chung về tẩy chay. Kết quả định tính cung cấp bằng chứng cho thấy “kêu gọi tẩy chay” là thành phần mới nổi lên với nội dung rất phong phú, đa dạng thể hiện được tính mô tả về hành vi kêu gọi tẩy chay của người tiêu dùng. Họ kêu gọi, đề nghị, thúc giục người khác và các tổ chức liên quan thực hiện hành động tẩy chay.
Như vậy, tác giả luận án này triển khai và đánh giá nội dung đo lường cho khái niệm “kêu gọi tẩy chay” và xem thành phần này như một nhóm yếu tố phụ thuộc mới. Để tránh sự phức tạp không cần thiết, hai thành phần “kêu gọi mọi người tẩy chay” và “kêu gọi các tổ chức tẩy chay” được gom lại thành “kêu gọi tẩy chay”.
Để lại một bình luận