Về song phương, Việt Nam đã có các thoả thuận hợp tác song phương về lao động với Lào, Ma-lai-xia và Thái Lan và đã qua nhiều lần thảo luận và sửa đổi (Phụ lục 2). Các thoả thuận này đều hướng tới tăng cường hợp tác quản lý lao động của Việt Nam đi làm việc ở nước tiếp nhận và các quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và người lao động và cũng quy định một số ngành nghề người lao động Việt Nam có thể làm trên nước bạn (đặc biệt với Thái Lan). Đây là các hoạt động hợp tác hết sức ý nghĩa, giúp chính phủ có thể thúc đẩy việc làm hợp pháp cho người lao động, bảo vệ cho người lao động và qua đó tăng cường hợp tác kinh tế và phát triển với các nước bạn.
Trong khuôn khổ ASEAN, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt nội dung và ký Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân (Hiệp định MNP) vào tháng 11/2012, cùng với những cam kết cụ thể của Việt Nam tại Biểu cam kết kèm theo Hiệp định nhằm bảo đảm tính minh bạch và khả thi. Đối với 8 nhóm nghề MRAs, Việt Nam đã tham gia ký kết thực hiện Thỏa thuận công nhận lẫn nhau để tạo điều kiện giải quyết sự mất cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường lao động khu vực ASEAN về lao động kỹ năng và thiết lập cơ chế cho sự tự do di chuyển của lao động kỹ năng đã được công nhận năng lực trong khu vực ASEAN.
Để hỗ trợ các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau, ASEAN đã xây dựng Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF) để có thể so sánh trình giữa các nước thành viên khi cung cấp một chuẩn gắn kết cho các Khung trình độ quốc gia (KTĐQG). AQRF đã được các Bộ trưởng Kinh tế, Bộ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng Lao động ASEAN các nước ASEAN phê chuẩn vào năm 2014 và 2015. Việt Nam cũng đã ban hành Khung trình độ quốc gia của Việt Nam (KTĐQT) theo các bậc của AQRF.
Việc thực hiện MRAs và AQRF sẽ được phân tích thêm trong phần 3.4.3.
Nhận xét về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về di chuyển lao động kỹ năng của Việt Nam trong ASEAN
Có thể rút ra một số đánh giá chung về quản lý di chuyển lao động kỹ năng của Việt Nam như sau:
+ Việt Nam đã có chủ trương và chính sách khuyến khích lao động và chuyên gia (lao động kỹ năng) đi làm việc ở nước ngoài và coi đây là một giải pháp chiến lược nhằm giải quyết việc làm và tăng cường khả năng cạnh tranh và hội nhập của Việt Nam.
+ Hệ thống pháp luật Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu quản lý về di chuyển lao động với việc quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền lợi của bản thân các cơ quan chính phủ liên quan, các doanh nghiệp và người lao động. Luật 72/2006/QH11 về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã bao trùm tất cả các hình thức di chuyển của lao động, bao gồm cả lao động kỹ năng và không hề hạn chế sự di chuyển của lao động có kỹ năng. Tuy nhiên, việc thực hiện luật trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là công tác quản lý lao động có kỹ năng đi chưa chặt chẽ và nghiêm, còn tồn tại nhiều thủ tục hành chính phức tạp do đó không khuyến khích được đối tượng hoặc bên quản lý đối tượng đăng ký, dẫn đến thông tin về luồng di chuyển lao động kỹ năng chưa đầy đủ.
+ Hệ thống giáo dục và phát triển nguồn nhân lực nói chung cũng như giáo dục nghề nghiệp nói riêng của Việt Nam còn hạn chế, chưa thích ứng với hệ thống giáo dục quốc tế nói chung và các nước ASEAN nói riêng về chương trình, nội dung kiến thức, kỹ năng, thực hành… Do đó, tính năng động, sáng tạo và khả năng thích nghi với những thay đổi của lao động Việt Nam; kỹ năng phân tích, kỹ năng tự học, kỹ năng mềm xã hội như giao tiếp, phối hợp, làm việc theo tổ nhóm, tiếng Anh… còn thiếu và yếu. Đây là những rào cản chính làm hạn chế khả năng tham gia, khả năng cạnh tranh của lao động kỹ năng Việt Nam trong ASEAN nói riêng và trên thị trường lao động quốc tế nói chung. mang tính cơ bản, hệ thống. Việt Nam vẫn thiếu vắng các chính sách ưu tiên đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với xu hướng thị trường lao động giai đoạn hội nhập trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
+ Chính phủ đã chú trọng đến thúc đẩy hợp tác song phương về lao động song mới chỉ dừng lại việc tăng cường quản lý lao động theo luật pháp chính sách của Việt Nam và nước tiếp nhận; thúc đẩy lao động đi làm việc ở một số ngành nghề có kỹ năng thấp và trung bình chứ chưa đẩy mạnh được kết nối và thâm nhập thị trường lao động kỹ năng của khu vực.
Đây là những khoảng trống cần phải được tính đến trong việc xây dựng các chiến lược việc làm nói chung và việc làm ngoài nước nói riêng.
Để lại một bình luận