Đối với các Bộ tại Việt Nam như Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng không xây dựng chiến lược TTX mà ban hành chương trình hành động của các Bộ này theo các mục tiêu đã nêu trong Chiến lược quốc gia về TTX. Tính đến năm 2019 đã có 7 Bộ và 34 Tỉnh/Thành Phố ban hành chương trình hành động [13]. Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng về TTX đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 [12]. Kế hoạch hành động TTX ngành Xây dựng phấn đấu đạt các mục tiêu đã được nêu trong Chiến lược quốc gia về TTX được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014-2020 tại Quyết định số 403/QĐ-TTg.
Kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ cụ thể cho các lĩnh vực điều chỉnh quy hoạch đô thị; cải thiện hạ tầng kỹ thuật; đổi mới công nghệ và kỹ thuật xây dựng; phát triển công nghiệp VLXD; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Về kinh phí thực hiện: được bố trí từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm nguồn tài chính thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
Về tổ chức thực hiện: Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường là đơn vị đầu mối chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và đơn vị có liên quan triển khai Kế hoạch hành động; tổng hợp tình hình thực hiện hàng năm, báo cáo lãnh đạo Bộ Xây dựng; định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động.
Vụ Kế hoạch Tài chính phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường và các đơn vị liên quan lập kế hoạch về tài chính, bố trí nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ.
Căn cứ Kế hoạch hành động, các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm cụ thể hóa và thực hiện các nhiệm được phân công; hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về đơn vị đầu mối để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ Xây dựng.
Các doanh nghiệp ngành Xây dựng chủ động và phối hợp với các cơ quan của Bộ Xây dựng thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch hành động.
Riêng đối với ngành công nghiệp xi măng, Bộ Xây dựng Ban hành Quyết định số 802/QĐ-BXD về Kế hoạch hành động giảm nhẹ khí thải nhà kính [6]. Mục tiêu của kế hoạch này là cụ thể hóa Chiến lược TTX quốc gia và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX. Mục tiêu cụ thể là giảm lượng khí thải CO2 của ngành xi măng. Kế hoạch này do Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trưởng và Vật liệu xây dựng phối hợp triển khai. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Kế hoạch là nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn, giảm phát thải khí nhà kính, giảm tiêu hao năng lượng trong SXXM.
Để lại một bình luận