Các cơ quan quản lý ngành giáo dục và đào tạo (Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT) phải giữ vai trò chính trong việc tham mưu cho các cấp chính quyền phân bổ NSNN cho lĩnh vực GD&ĐT.
Trong điều kiện phân cấp quản lý NSĐP cho giáo dục phân tán, giai đoạn 2011-2017 các địa phương (các huyện, thị xã, thành phố) quản lý từ 84-89% tổng quyết toán chi NSĐP cho giáo dục (không bao gồm chi từ học phí). Việc tham mưu cho các cấp chính quyền quyết định dự toán, cũng như kiểm tra, phê duyệt quyết toán thu, chi ngân sách hàng năm chủ yếu vẫn là trách nhiệm của cơ quan chủ quản và cơ quan tài chính đồng cấp, vai trò của cơ quan chủ quản cấp trên (Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT) ở địa phương còn hạn chế. Cụ thể:
Về dự toán và phân bổ ngân sách: Mặc dù đã có sự phối hợp giữa cơ quan tài chính với cơ quan GD&ĐT ở địa phương trong quá trình tổng hợp dự toán NSĐP, phương án phân bổ NSĐP hằng năm thuộc lĩnh vực phụ trách. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT mới chỉ phối hợp với Sở Tài chính trong việc xây dựng dự toán của các đơn vị dự toán cấp tỉnh (Các trường THPT, trường THPT chuyên Lam Sơn, các trường phổ thông DTNT tỉnh,….) và dự toán chi các hoạt động sự nghiệp toàn ngành, chưa trực tiếp tham gia thảo luận dự toán với các địa phương (UBND các huyện, thị xã, thành phố). Do đó, số liệu tổng hợp dự toán toàn ngành giáo dục chỉ là số liệu do Sở Tài chính thẩm định, tổng hợp trình phê duyệt để giao dự toán cho các địa phương đơn vị.
Khi xây dựng phương án phân bổ NSĐP cho lĩnh vực giáo dục báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh phê duyệt, Sở GD&ĐT không tham gia đóng góp ý kiến, cũng như tham gia vào quá trình phân bổ ngân sách cho giáo dục để bảo đảm ưu tiên ngân sách phù hợp với nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm của ngành một cách hiệu quả.
Về quyết toán, công khai ngân sách được giao: Theo quy trình quản lý NSNN các cơ sở giáo dục sử dụng NSĐP thực hiện báo cáo quyết toán với cơ quan chủ quản hoặc cơ quan tài chính cùng cấp. Như vậy, Sở GD&ĐT chỉ nhận được báo cáo quyết toán của các đơn vị dự toán cấp tỉnh trực thuộc mà không có số liệu báo cáo quyết toán chi NSĐP của các huyện, thị xã, thành phố cho giáo dục. Vì vậy, là cơ quan quản lý ngành nhưng Sở GD&ĐT rất khó có cơ sở để tổng hợp chung toàn bộ kinh phí chi NSĐP cho GDCL trên địa bàn để có cơ sở báo cáo, giải trình về tình hình ưu tiên đầu tư cho giáo dục trên địa bàn.
Như vậy, để có thể bảo đảm trách nhiệm giải trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan quản lý ngành GD&ĐT cần có “tiếng nói” trọng lượng hơn trong quá trình tham gia phân bổ cũng như kiểm tra, giám sát việc thực hiện ngân sách của các cấp chính quyền.
Bên cạnh đó, để tăng cường vai trò của cơ quan quản lý ngành giáo dục trong việc gắn nguồn lực được phân bổ với kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành, cần giao quyền chủ trì tham mưu về biên chế, tổ chức bộ máy của các đơn vị trong ngành cho Sở GD&ĐT. Có như vậy mới gắn kết chặt chẽ giữa quyền hạn với trách nhiệm, giữa nhiệm vụ được giao với các yếu tố đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, tạo cho Sở GD&ĐT tính chủ động, linh hoạt hơn trong điều hành các thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Lộ trình thực hiện giải pháp: như đã phân tích ở giải pháp 3.2.1.1 và 3.2.1.4, việc tăng cường sự tham gia và vai trò của ngành GD&ĐT có thể được thực hiện ngay từ khi lập dự toán NSĐP năm 2020. Việc thể chế hóa vai trò của ngành GD&ĐT trong quy trình ngân sách có thể nghiên cứu để cụ thể hóa và áp dụng cho giai đoạn ổn định mới, giai đoạn 2021-2025.
Để lại một bình luận