Đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán trong nước
Ngoài chính sách thu hút các nhà đầu tư trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán trong nước có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư chứng khoán. Có chính sách ưu đãi để kéo dài thời gian đầu tư của khối các nhà đầu tư nước ngoài, từng bước nâng tỷ lệ hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam, ngoại trừ các lĩnh vực đặc thù liên quan tới an ninh quốc gia.
Để thực hiện hiệu quả quá trình này cần hoàn thiện một số chính sách:
i) Tiếp tục thu hút dòng vốn FPI với chính sách khuyến khích cho đầu tư dài hạn với các ưu đãi về thuế hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động đầu tư tại Việt Nam, duy trì lòng tin vào chính sách thu hút của Việt Nam nhằm kéo dài thời gian đầu tư.
ii) Thiết lập cơ chế thống kê, lưu trữ dữ liệu và giám sát chặt chẽ hoạt động của hoạt động lưu chuyển FPI để có các quyết sách và ứng xử phù hợp, tránh tác động tiêu cực của FPI đối với nền kinh tế;
iii) Chuẩn bị các biện pháp phòng vệ tránh để nền kinh tế rơi vào trạng thái bất ổn của dòng luân chuyển vốn, trong đó chú ý tới tình hình dòng vốn vào – ra trên thị trường; kết hợp với chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô để có điều chỉnh phù hợp, tránh tác động tiêu cực đến các chỉ số kinh tế vĩ mô và lòng tin của công chúng;
iv) Đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động thị trường để củng cố lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong cung cấp thông tin thị trường đảm bảo nhanh chóng, kịp thời và chính xác; giảm thiểu tác động xấu do nghi ngờ tính minh bạch và xác thực của thông tin thị trường, gây mất ổn định thị trường và lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài.
v) Xây dựng chi tiết cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Ngân hàng trung ương, Bộ Tài chính, Bộ kế hoạch và đầu tư, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý và giám sát dòng lưu chuyển FPI, vốn đầu tư trực tiếp và các khoản vay.
vi) Chính phủ cần đảm bảo hoạt động ổn định, minh bạch của hệ thống ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế về an toàn tài chính, hoạt động tín dụng, nợ xấu.
vii) Ban hành quy định xem xét và cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tỉ lệ cổ phần cao trong các công ty cổ phần hóa trong các lĩnh vực mà Chính phủ cho phép, điều này sẽ giúp tăng quyền điều hành công ty cho nhà đầu tư nước ngoài, góp phần nâng cao trình độ, hiệu quả hoạt động kinh doanh. Đây là một trong các nội dung bất cập Luật Chứng khoán, cần sửa đổi theo hướng:
– Quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng là 100%, ngoại trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể thấp hơn về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài
– Đối với doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa theo hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài thực hiện theo quy định pháp luật về cổ phần hóa.
Cơ chế phát hành quốc tế
Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường vốn khu vực và thế giới. Tùy vào điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp, các hình thức tiếp cận có thể là:
– Niêm yết tại các Sở giao dịch lớn hoặc đăng ký giao dịch tại các Sở giao dịch điện tử (ECNs) với điều kiện tham gia thị trường thấp;
– Phát hành trái phiếu công ty tại các thị trường tài chính quốc tế;
– Phát hành các chứng chỉ lưu ký DRs (Depository Receipts), thông qua các định chế tài chính toàn cầu.
Để lại một bình luận