Trước hết, xây dựng chiến lược thu hút đầu tư của DN vào NN, hoàn thiện quy hoạch phát triển NN của Tỉnh. Chính quyền Tỉnh cần sớm xây dựng chiến lược thu hút đầu tư của DN vào NN tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược được xây dựng trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và quy hoạch phát triển của tỉnh Hà Tĩnh đã được phê duyệt. Trong chiến lược này, tỉnh cần xác định hướng ưu tiên thu hút đầu tư của DN. Đối với định hướng ngành, lĩnh vực ưu tiên, Tỉnh cần khuyến khích đầu tư vào một số ngành như nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển; ngành công nghiệp bảo quản, chế biến nhất là bảo quản sau thu hoạch nhằm tăng sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và khả năng tham chuỗi giá trị toàn cầu. Về định hướng lựa chọn đối tác đầu tư, ưu tiên đối tác có khả năng đem theo công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, hệ thống quản lý hiện đại, tạo tác động lan toả tích cực tới sự phát triển của khu vực kinh tế trong nước; góp phần xây dựng và hình thành những ngành mũi nhọn theo định hướng của tỉnh. Xây dựng quy hoạch vùng sản xuất NN hàng hóa lớn, công khai minh bạch cho các doanh nghiệp được biết. Xây dựng các dự án đầu tư NN, NT theo cơ chế PPP để kêu gọi nhà đầu tư, đưa ra cam kết trách nhiệm của chính quyền với nhà đầu tư, đảm bảo cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào NN, NT. Bên cạnh đó, cần minh bạch hóa các thông tin, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ kịp thời để mọi nhà đầu tư có thể tiếp cận dễ dàng cơ hội đầu tư trong lĩnh vực NN, NT; cải thiện chỉ số PCI trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Thứ hai, đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách đối với DN đầu tư vào NN. Hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư của DN, bảo đảm tính đồng bộ thống nhất của các chính sách trong việc thu hút đầu tư của DN vào NN tỉnh Hà Tĩnh. Theo tác giả, chính sách quan trọng nhất trong thu hút NLTC từ DN là trợ giúp công tác phát triển và dự báo thị trường nông sản cho các doanh nghiệp. Thông tin dự báo giúp cho doanh nghiệp đưa ra quyết định hợp lý về đầu tư, tổ chức SXKD và lựa chọn thị trường phù hợp. Công tác này phải được Nhà nước chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả thường xuyên, liên tục, kể cả dự báo thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, các chính sách về đất đai, mặt bằng sản xuất, tiếp tục phát triển mạnh các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định để các DN sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động tại chỗ; Có các giải pháp thúc đẩy mạnh nông dân tự nguyện dồn điền đổi thửa, tích tụ và tập trung ruộng đất thành cánh đồng mẫu lớn. Thúc đẩy quá trình tập trung ruộng đất cùng với phát triển liên kết ngang giữa nông dân cũng như giữa nông dân và DN; Có quy định về đất cho phát triển chăn nuôi tập trung, đất cho phát triển cụm công nghiệp, làng nghề NT và ưu tiên chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các loại đất này. Hoàn thiện các chính sách ưu đãi về tài chính như hình thành các quỹ đầu tư cho NN, cung cấp tín dụng ưu đãi cho các DN và cả hộ nông dân trên cơ sở quy hoạch NN được phê duyệt, các ưu đãi đầu tư cần được thực hiện theo hướng khuyến khích các hộ nông dân, DN tuân thủ các điều kiện sản xuất NN hiện đại, theo quy hoạch ưu tiên của Tỉnh; Tỉnh cần dành nhiều ưu đãi đặc biệt về miễn, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ kinh phí gián tiếp cho các DN có khả năng phát triển chuỗi NN hiện đại, gắn với nông dân, hình thành liên kết chuỗi giữa nông dân và DN, xây dựng quản trị bền vững toàn chuỗi về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, logistics, thương hiệu …Các ưu đãi phải thiết thực đối với DN, trên cơ sở yêu cầu thực tế của DN. Chính sách hỗ trợ về tài chính cần được điều chỉnh theo hai hướng chuyển từ hỗ trợ dàn trải sang tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các ngành có thế mạnh, và điều chỉnh cơ cấu hỗ trợ về tài chính theo hướng chuyển mạnh hỗ trợ cho trồng trọt sang chăn nuôi và thủy sản. Chú trọng tăng đầu tư công cho khuyến nông, theo đó, chuyển đầu tư của khuyến nông từ chủ yếu hỗ trợ đầu vào làm mô hình sang hỗ trợ phương pháp và kiến thức, chuyển từ mô hình trình diễn sang trình diễn phương pháp, phát huy phương thức khuyến nông có sự tham gia của người dân. Hỗ trợ tín dụng ưu đãi để các DN thu mua kịp thời nông sản cho nông dân trong vụ thu hoạch. Có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư yên tâm phát triển vùng nguyên liệu, tránh tình trạng mua tranh bán cướp từ các doanh nghiệp không đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Thành lập bộ phận chuyên trách hướng dẫn và hỗ trợ nông dân, DN áp dụng các quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế (ISO, HACCP, GAP,….), xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông sản.
Hoàn thiện chính sách phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ NN, để thu hút đầu tư của DN vào NN của tỉnh, cần phải phát triển tổng thể và kết nối hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo tính đồng bộ, liên thông, kết nối giữa các vùng. Trong điều kiện vốn NS còn hạn hẹp, Tỉnh cần có chính sách đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này thông qua việc đa dạng hóa các hình thức đầu tư: BOT, BT, BTO, PPP…
Hoàn thiện chính sách xúc tiến đầu tư và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án xúc tiến đầu tư và tổ chức thực hiện sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt. Căn cứ trên lợi thế và đặc thù của Tỉnh, chính quyền Tỉnh cần xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư thiết thực. Chú trọng và tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, xúc tiến đầu tư thông qua chính các DN đang hoạt động tại Hà Tĩnh. Khảo sát nhu cầu đầu tư của các DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh về nhu cầu mở rộng đầu tư sang lĩnh vực NN đối với các DN kinh doanh đa ngành.
Thực hiện tốt chính sách đối với lao động NN. Trong thời gian qua, lao động trong NN tỉnh Hà Tĩnh có chiều hướng giảm mạnh về số lượng. Cần lưu ý là xu hướng giảm mạnh về số lượng không phải là kết quả của việc nâng cao năng suất lao động hay chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành NN mà là kết quả của tình trạng di cư, dịch chuyển nhân lực sang các ngành sản xuất đem lại thu nhập cao hơn cho người lao động. NN là ngành nghề ít được thế hệ trẻ yêu thích như các ngành nghề khác, vì thế, Tỉnh Hà Tĩnh cần chú ý xây dựng và triển khai các chương trình quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực của địa phương, chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho NN. Việc quy hoạch nguồn nhân lực đủ về số lượng, có chất lượng cao sẽ là yếu tố góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD của các DN, đồng thời là yếu tố quan trọng khi các nhà đầu tư xem xét đầu tư vào Hà Tĩnh. Vì vậy, Tỉnh cần có sự chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan hoàn thiện và đưa đề án quy hoạch phát triển nguồn nhân lực vào triển khai thực hiện.
Mở rộng chính sách hỗ trợ DN giảm thiểu rủi ro, Tỉnh cần rà soát, đánh giá, thống kê nhu cầu mua bảo hiểm của người sản xuất, dựa vào đó để xây dựng kế hoạch NS hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm. Chú ý hỗ trợ bảo hiểm cho gia súc, gia cầm – là các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ theo đề án thí điểm bảo hiểm NN. Để đảm bảo cho nông dân được hưởng lợi, thực hiện đúng các yêu cầu về bảo hiểm, Tỉnh cần thành lập Ban chỉ đạo và các tổ công tác bảo hiểm để tập huấn, hướng dẫn các nội dung về bảo hiểm các mặt hàng NN cho người sản xuất.
Để lại một bình luận