Tài khoản này dùng để phản ánh toàn bộ vốn góp liên doanh dưới hình thức thành lập cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát và tình hình thu hồi lại vốn góp liên doanh khi kết thúc hợp đồng liên doanh. Liên doanh là thoả thuận bằng hợp đồng của hai hoặc nhiều bên để cùng thực hiện hoạt động kinh tế, mà hoạt động này được đồng kiểm soát bởi các bên góp vốn liên doanh.
Có 3 hình thức chủ yếu sau:
– Hợp đồng hợp tác kinh doanh dưới hình thức liên doanh hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát (hay còn gọi là hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát);
– Hợp đồng hợp tác kinh doanh dưới hình thức liên doanh tài sản được đồng kiểm soát (hay gọi là tài sản đồng kiểm soát);
– Hợp đồng liên doanh dưới hình thức thành lập cơ sở kinh doanh được đồng kiểm soát (hay gọi là cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát).
Cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát được thành lập bởi các bên góp vốn liên doanh. Cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát là cơ sở kinh doanh mới được thành lập có hoạt động độc lập giống như hoạt động của một doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn chịu sự kiểm soát của các bên góp vốn liên doanh theo hợp đồng liên doanh. Cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát phải tổ chức thực hiện công tác kế toán riêng theo qui định của pháp luật hiện hành về kế toán như các doanh nghiệp khác. Cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, các khoản nợ phải trả, doanh thu, thu nhập khác và chi phí phát sinh tại đơn vị mình. Mỗi bên góp vốn liên doanh được hưởng một phần kết quả hoạt động của cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát theo thoả thuận của hợp đồng liên doanh.
Vốn góp vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát bao gồm tất cả các loại tài sản, vật tư, tiền vốn thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp kể cả tiền vốn vay dài hạn dùng vào việc góp vốn.
HẠCH TOÁN TÀI KHOẢN NÀY CẦN TÔN TRỌNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH SAU
1. Khoản đầu tư góp vốn vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát được hạch toán vào Tài khoản 222 khi nhà đầu tư có quyền đồng kiểm soát các chính sách tài chính và hoạt động của đơn vị nhận đầu tư. Khi nhà đầu tư không còn quyền đồng kiểm soát thì phải ghi giảm khoản đầu tư vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát.
2. Về nguyên tắc và phương pháp kế toán các khoản vốn góp liên doanh theo 3 hình thức: Hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát; tài sản đồng kiểm soát; cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát, doanh nghiệp phải thực hiện theo qui định tại Chuẩn mực kế toán số 08- “Thông tin tài chính về những khoản vốn góp liên doanh” (Quyết định số 234/2003/QĐ-BTC ngày 30/12/2003). Tài khoản 222- “Vốn góp liên doanh” chỉ sử dụng đối với doanh nghiệp có hoạt động góp vốn vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát mà không phản ánh khoản đầu tư góp vốn vào cơ sở kinh doanh dưới hình thức: Hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát và tài sản đồng kiểm soát.
3. Giá trị vốn góp vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát phản ánh trên tài khoản này phải là giá trị vốn góp được các bên tham gia liên doanh thống nhất đánh giá và chấp nhận trong biên bản góp vốn.
4. Trường hợp góp vốn liên doanh bằng vật tư, hàng hoá:
– Nếu giá đánh giá lại của vật tư, hàng hoá cao hơn giá trị ghi trên sổ kế toán ở thời điểm góp vốn, thì khoản chênh lệch này được xử lý như sau:
+ Số chênh lệch giữa giá đánh giá lại vật tư, hàng hoá xác định là vốn góp cao hơn giá trị ghi trên sổ kế toán thì được hạch toán ngay vào thu nhập khác trong kế toán tương ứng với phần lợi ích của các bên khác trong liên doanh.
+ Phần chênh lệch giữa giá đánh giá lại của vật tư, hàng hoá xác định là vốn góp cao hơn giá trị ghi sổ kế toán tương ứng với phần lợi ích của mình trong liên doanh được ghi nhận là doanh thu chưa thực hiện. Khi cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát bán số vật tư, hàng hoá cho bên thứ 3 độc lập, khoản doanh thu chưa thực hiện này được kết chuyển vào thu nhập khác. Nếu giá đánh giá lại của vật tư, hàng hoá thấp hơn giá trị ghi trên sổ kế toán ở thời điểm góp vốn, thì khoản chênh lệch này được ghi nhận ngay vào chi phí khác trong kỳ.
5. Trường hợp góp vốn liên doanh bằng TSCĐ:
– Nếu giá đánh giá lại của TSCĐ cao hơn giá trị còn lại ghi trên sổ kế toán ở thời điểm góp vốn, thì khoản chênh lệch này được xử lý như sau:
+ Số chênh lệch giữa giá đánh giá lại lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ tưng ứng với phần lợi ích của các bên khác trong liên doanh thì được hạch toán ngay vào thu nhập khác.
+ Số chênh lệch giữa giá đánh giá lại lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ tưng ứng với phần lợi ích của mình trong liên doanh sẽ được hoãn lại và ghi nhận là doanh thu chưa thực hiện. Hàng năm, khoản doanh thu chưa thực hiện này (lãi do đánh giá lại TSCĐ đưa đi góp vốn liên doanh) được phân bổ dần vào thu nhập khác căn cứ vào thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ mà cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát sử dụng.
– Nếu giá đánh giá lại của TSCĐ thấp hơn giá trị còn lại ghi trên sổ kế toán ở thời điểm góp vốn, thì khoản chênh lệch này được ghi nhận ngay vào chi phí khác trong kỳ. 6. Khi thu hồi vốn góp liên doanh, căn cứ vào giá trị vật tư, hàng hoá, tài sản và tiền do cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát trả lại để ghi giảm số vốn đã góp. Nếu bị thiệt hại do không thu hồi đủ vốn góp thì khoản thiệt hại này được ghi nhận là một khoản chi phí tài chính. Nếu giá trị thu hồi cao hơn số vốn đã góp thì khoản chênh lệch này được ghi nhận là doanh thu hoạt động tài chính.
7. Lợi nhuận từ kết quả góp vốn liên doanh vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát là khoản doanh thu hoạt động tài chính và được phản ánh vào bên Có TK 515- “Doanh thu hoạt động tài chính”. Số lợi nhuận chia cho các bên tham gia liên doanh có thể được thanh toán toàn bộ hoặc thanh toán từng phần theo mỗi kỳ kế toán và cũng có thể giữ lại để bổ sung vốn góp liên doanh nếu các bên tham gia liên doanh chấp nhận. Các khoản chi phí về hoạt động liên doanh phản ánh tại các bên góp vốn (nếu có) được phản ánh vào bên Nợ TK 635- “Chi phí tài chính”.
8. Các bên góp vốn liên doanh vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát có quyền chuyển nhượng giá trị phần vốn góp của mình trong liên doanh. Trường hợp giá trị chuyển nhượng cao hơn số vốn đã góp vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát thì chênh lệch lãi do chuyển nhượng vốn được phản ánh vào bên Có TK 515- “Doanh thu hoạt động tài chính”. Ngược lại, nếu giá trị chuyển nhượng thấp hơn số vốn đã góp thì số chênh lệch là lỗ do chuyển nhượng vốn được phản ánh vào bên Nợ TK 635- “Chi phí tài chính”.
9. Đối với các cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát, khi chuyển nhượng phần vốn giữa các bên tham gia liên doanh thì các chi phí liên quan đến hoạt động chuyển nhượng của các bên không hạch toán trên sổ kế toán của cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát mà chỉ theo dõi chi tiết nguồn vốn góp và làm thủ tục chuyển đổi tên chủ sở hữu trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư.
10. Các bên tham gia liên doanh hoặc đối tác khác mua lại phần vốn góp của các bên khác trong liên doanh, thì phản ánh phần vốn góp vào liên doanh theo giá thực tế mua (giá mua phần vốn góp này có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị ghi sổ sách của phần vốn góp được chuyển nhượng tại thời điểm thực hiện việc chuyển nhượng).
11. Kế toán phải mở sổ kế toán chi tiết theo dõi các khoản vốn góp liên doanh vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát theo từng đối tác, từng lần góp vốn và từng khoản vốn đã thu hồi, chuyển nhượng.
KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG PHẢN ÁNH CỦA TK 222- VỐN GÓP LIÊN DOANH
Bên Nợ:
Số vốn góp liên doanh đã góp vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát tăng.
Bên Có:
Số vốn góp liên doanh đã góp vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát giảm do đã thu hồi, chuyển nhượng, do không còn quyền đồng kiểm soát.
Số dư bên Nợ:
Số vốn góp liên doanh đã góp vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát hiện còn cuối kỳ.
PHƯƠNG PHÁP HẠCH TOÁN KẾ TOÁN MỘT SỐ NGHIỆP VỤ KẾ TOÁN CHỦ YẾU
I- Kế toán hoạt động góp vốn liên doanh dưới hình thức thành lập cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát:
1. Khi góp vốn liên doanh bằng tiền vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát, ghi:
Nợ TK 222- Vốn góp liên doanh
Có các TK 111, 112,…
2. Trường hợp vốn liên doanh vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát bằng vật tư, hàng hoá thì các bên liên doanh phải thống nhất đánh giá vật tư, hàng hoá góp vốn:
2.1. Trường hợp giá đánh giá lại nhỏ hơn giá trị ghi sổ kế toán vật tư, hàng hoá, ghi:
Nợ TK 222 – Vốn góp liên doanh (Theo giá đánh giá lại)
Nợ TK 811 – Chi phí khác (Số chênh lệch giữa giá trị ghi sổ lớn hơn giá đánh giá lại)
Có các TK 152, 153, 155, 156, 611 (Giá trị ghi sổ kế toán).
2.2. Trường hợp giá đánh giá lại nhỏ hơn giá trị ghi trên sổ kế toán của vật tư, hàng hoá:
– Khi đem vật tư, hàng hoá góp vốn vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát, ghi:
Nợ TK 222 – Vốn góp liên doanh (Theo giá đánh giá lại)
Có các TK 152, 153, 155, 156, 611 (Giá trị ghi sổ kế toán).
Có TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện (Số chênh lệch giữa giá đánh giá lại lớn hơn giá trị ghi trên sổ kế toán tương ứng với phần lợi ích của mình trong liên doanh) (Chi tiết chênh lệch do đánh giá lại vật tư, hàng hoá đem đi góp vốn vào cơ sở kinh
doanh đồng kiểm soát)
Có TK 711 – Thu nhập khác (Số chênh lệch giữa giá đánh giá lại lớn hơn giá trị ghi trên sổ kế toán tương ứng với phần lợi ích của các bên khác trong liên doanh).
– Khi cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát đã bán số vật tư, hàng hoá đó cho bên thứ ba độc lập, bên góp vốn liên doanh kết chuyển số doanh thu chưa thực hiện vào thu nhập khác trong kỳ, ghi:
Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 711 – Thu nhập khác.
3. Trường hợp góp vốn liên doanh vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát bằng TSCĐ thì các bên liên doanh cùng thống nhất đánh giá lại TSCĐ góp vốn:
3.1. Trường hợp giá đánh giá lại nhỏ hơn giá trị còn lại ghi trên sổ kế toán của TSCĐ, ghi:
Nợ TK 222 – Vốn góp liên doanh (Theo giá đánh giá lại)
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (Giá trị hao mòn)
Nợ TK 811 – Chi phí khác (Số chênh lệch giữa giá trị còn lại của TSCĐ lớn hơn giá đánh giá lại)
Có TK 211 – TSCĐ hữu hình (Nguyên giá)
Có TK 213 – TSCĐ vô hình (Nguyên giá).
3.2. Trường hợp giá đánh giá lại lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ, ghi:
Nợ TK 222 – Vốn góp liên doanh (Theo giá đánh giá lại)
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (Giá trị hao mòn)
Có TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện (Số chênh lệch giữa giá đánh giá lại lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ tương ứng với phần lợi ích của mình trong liên doanh)
Có TK 711 – Thu nhập khác (Số chênh lệch giữa giá đánh giá lại lớn hơn giá trị ghi trên sổ kế toán tương ứng với phần lợi ích của các bên khác trong liên doanh)
Có TK 211 – TSCĐ hữu hình (Nguyên giá)
Có TK 213 – TSCĐ vô hình (Nguyên giá).
– Hàng năm, căn cứ vào thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ mà cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát sử dụng, kế toán phân bổ dần số doanh thu chưa thực hiện vào thu nhập khác trong kỳ, ghi:
Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện (Chi tiết chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ đem đi góp vốn)
Có TK 711 – Thu nhập khác (Phần doanh thu chưa thực hiện được phân bổ cho một năm)
– Trường hợp hợp đồng liên doanh kết thúc hoạt động, hoặc bên góp vốn chuyển nhượng phần vốn góp liên doanh cho đối tác khác, kết chuyển toàn bộ khoản chênh lệch phần vốn góp liên doanh cho đối tác khác, kết chuyển toàn bộ khoản chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ khi góp vốn còn lại chưa phân bổ sang thu nhập khác, ghi:
Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện (Chi tiết chênh lệch do đánh giá lại TSCĐ đem đi góp vốn)
Có TK 711 – Thu nhập khác (Phần doanh thu chưa thực hiện được phân bổ cho một năm)
4. Khi doanh nghiệp Việt Nam được Nhà nước giao đất để đem góp vốn liên doanh với các công ty nước ngoài bằng giá trị quyền sử dụng đát, mặt nước, mặt biển, thì sau khi có quyết định của Nhà nước giao đất và làm xong thủ tục giao cho liên doanh, ghi:
Nợ TK 222 – Vốn góp liên doanh
Có TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh (Chi tiết nguồn vốn Nhà nước).
5. Khi bên góp vốn liên doanh được chia lợi nhuận nhưng sử dụng số lợi nhuận được chia để góp thêm vốn vào liên doanh, ghi:
Nợ TK 222 – Vốn góp liên doanh
Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính.
6. Các khoản chi phí liên quan đến hoạt động góp vốn liên doanh phát sinh trong kỳ như lãi tiền vay để góp vốn, các chi phí khác, ghi:
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 152,…
7. Phản ánh các khoản lợi nhuận từ hoạt động góp vốn liên doanh phát sinh trong kỳ:
7.1. Khi nhận được thông báo về số lợi nhuận được chia của cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát, ghi:
Nợ TK 138 – Phải thu khác (1388)
Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính.
7.2. Khi nhận được tiền, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (Số tiền nhận được)
Có TK 138 – Phải thu khác (1388).
8. Kế toán thu hồi vốn góp cào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát khi kết thúc hợp đồng liên doanh hoặc cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát chấm dứt hoạt động:
8.1. Khi thu hồi vốn góp vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát, căn cứ vào chứng từ giao nhận của các bên tham gia liên doanh, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 152, 153, 156, 211, 213,…
Có TK 222 – Vốn góp liên doanh.
8.2. Số vốn không thu hồi được do liên doanh làm ăn thua lỗ được coi là một khoản thiệt hại và phải tính vào chi phí tài chính, ghi:
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính
Có TK 222 – Vốn góp liên doanh.
8.3. Giá trị thu hồi vượt quá số vốn góp vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát được coi là thu nhập và phải tính vào doanh thu hoạt động tài chính, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 152, 153, 156, 211, 213,…
Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính.
9. Kế toán chuyển nhượng vốn góp vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát:
9.1. Đối với doanh nghiệp chuyển nhượng quyền sở hữu vốn góp vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát, căn cứ vào giá trị hợp lý của tài sản nhận về do bên chuyển nhượng thanh toán, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 152, 153, 156, 211, 213…
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (Số chênh lệch giữa giá trị hợp lý của tài sản nhận về thấp hơn số vốn đã góp)
Có TK 222 – Vốn góp liên doanh
Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (Số chênh lệch giữa giá trị hợp lý của tài sản nhận về cao hơn số vốn đã góp).
9.2. Trường hợp bên Việt Nam được Nhà nước giao đất để tham gia liên doanh, khi chuyển nhượng vốn góp vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát cho bên nước ngoài và trả lại quyền sử dụng đất cho Nhà nước, ghi:
Nợ TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh
Có TK 222 – Vốn góp liên doanh.
– Nếu bên đối tác thanh toán cho bên Việt Nam một khoản tiền như là một khoản đền bù cho việc chuyển nhượng (Trong trường hợp này cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát chuyển sang thuê đất), ghi:
Nợ các TK 111, 112,…
Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính.
9.3. Đối với doanh nghiệp nhận chuyển nhượng vốn góp, nếu đang là đối tác tham gia góp vốn liên doanh thì sau khi tăng thêm quyền sở hữu vốn góp vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát phải tổng hợp số vốn đã góp và căn cứ vào tỷ lệ quyền biểu quyết để xác định khoản đầu tư và cơ sở này là khoản đầu tư vào công ty con hay khoản đầu tư vào công ty liên kết, ghi:
Nợ TK 221 – Đầu tư vào công ty con
Nợ TK 223 – Đầu tư vào công ty liên kết
Có các TK 111, 112 (Số tiền thanh toán cho bên góp vốn liên doanh trước đó để có quyền sở hữu vốn góp)
Có TK 222 – Vốn góp liên doanh.
9.4. Đối với doanh nghiệp nhận chuyển nhượng, nếu mới tham gia vào liên doanh để trở thành bên góp vốn liên doanh thì ghi nhận khoản vốn góp liên doanh trên cơ sở giá gốc, ghi:
Nợ TK 222 – Vốn góp liên doanh
Có các TK 111, 112 (Số tiền đã thanh toán để có quyền đồng kiểm soát)
Có các TK liên quan khác.
9.5. Trường hợp bên Việt Nam chuyển nhượng phần vốn góp cho bên nước ngoài trong cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát và trả lại quyền sử dụng đất và chuyển sang hình thức thuê đất. Cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát phải ghi giảm quyền sử dụng đất và ghi giảm nguồn vốn kinh doanh tương ứng với quyền sử dụng đất. Việc giữ nguyên hoặc ghi tăng vốn phụ thuộc vào việc đầu tư tiếp theo của chủ sở hữu. Tiền thuê đất do cơ sở này thanh toán không tính vào vốn chủ sở hữu mà hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo các kỳ tương ứng.
10. Khi bên góp vốn liên doanh góp bổ sung vốn vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát bằng tài sản thì hạch toán tương tự như khi góp vốn lần đầu nêu trên.
11. Kế toán nghiệp vụ giao dịch giữa bên góp vốn liên doanh và cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát:
11.1. Trường hợp bên góp vốn liên doanh bán tài sản cho cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát:
– Trường hợp bán sản phẩm, hàng hoá cho cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát, khi xuất kho thành phẩm, hàng hoá để bán, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có các TK 155, 156.
+ Đồng thời căn cứ vào giá trị thực tế bán sản phẩm, hàng hoá để phản ánh doanh thu bán hàng, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131,…(Tổng thanh toán của thành phẩm, hàng hoá cho cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát)
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (Giá bán chưa có thuế)
Có TK 3331- Thuế GTGT phải nộp.
-Trường hợp bán TSCĐ cho cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát, kế toán ghi giảm TSCĐ khi nhượng bán:
Nợ TK 811 – Chi phí khác (Giá trị còn lại)
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (Giá trị hao mòn)
Có các TK 211, 213 (Nguyên giá)
+ Đồng thời ghi nhận thu nhập khác do bán TSCĐ theo giá bán thực tế cho cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát:
Nợ các TK 111, 112, 131,…
Có TK 711 – Thu nhập khác
Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp.
– Cuối kỳ, bên góp vốn liên doanh căn cứ vào các TSCĐ, thành phẩm, hàng hoá đã bán cho cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát có lãi nhưng trong kỳ cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát chưa bán tài sản cho bên thứ ba độc lập, bên góp vốn liên doanh phải phản ánh hoãn lại và ghi nhận là doanh thu chưa thực hiện phần lãi do bán TSCĐ, thành phẩm, hàng hoá tương ứng với phần lợi ích của mình trong liên doanh:
+ Trường hợp bán thành phẩm, hàng hoá, ghi:
Nợ TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (Phần lãi hoãn lại do bán thành phẩm, hàng hoá tương ứng với phần lợi ích của mình trong liên doanh)
Có TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện.
+ Trường hợp bán TSCĐ, ghi:
Nợ TK 711 – Thu nhập khác (Phần lãi hoãn lại do bán TSCĐ tương ứng với phần lợi ích của mình trong liên doanh)
Có TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện.
– Trong kỳ kế toán sau, khi cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát bán thành phẩm, hàng hoá cho bên thứ ba độc lập, bên tham gia vốn góp liên doanh, ghi:
Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện (Phần lãi hoãn tương ứng với phần lợi ích của mình trong liên doanh)
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
– Đối với TSCĐ, định kỳ, bên tham gia góp vốn liên doanh kết chuyển dàn lãi hoãn lại tương ứng với phần lợi ích của mình trong liên doanh vào thu nhập khác, căn cứ vào thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ mà cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát sử dụng, ghi:
Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 711 – Thu nhập khác.
– Khi cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát bán tài sản mua từ bên góp vốn liên doanh cho bên thứ ba độc lập, bên góp vốn liên doanh, ghi:
Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện (Phần lãi tương ứng với phần lợi ích của mình trong liên doanh còn lại chưa kết chuyển vào thu nhập khác)
Có TK 711 – Thu nhập khác.
11.2. Trường hợp bên góp vốn liên doanh mua tài sản của cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát:
Khi mua tài sản từ cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát, căn cứ hoá đơn, chứng từ liên quan kế toán ghi nhận tài sản, hàng hoá mua về như mua của các nhà cung cấp. II- Kế toán hoạt động liên doanh dưới hình thức hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát:
A- Quy định chung:
1. Hợp đồng hợp tác kinh doanh dưới hình thức hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát là hoạt động liên doanh không thành lập một cơ sở kinh doanh mới. Các bên liên doanh có nghĩa vụ và được hưởng quyền lợi theo thoả thuận trong hợp đồng. Hoạt động của hợp đồng liên doanh được các bên góp vốn thực hiện cùng với các hoạt động kinh doanh thông thường khác của từng bên.
2. Hợp đồng hợp tác kinh doanh qui định các khoản chi phí phát sinh riêng cho hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát do mỗi bên liên doanh bỏ ra thì bên đó phải gánh chịu. Đối với các khoản chi phí chung (nếu có) thì căn cứ vào các thoả thuận trong hợp đồng để phân chia cho các bên góp vốn.
3. Các bên tham gia liên doanh phải mở sổ kế toán để ghi chép và phản ánh trong báo cáo tài chính của mình các nội dung sau đây:
– Tài sản góp vốn liên doanh và chịu sự kiểm soát của các bên góp vốn liên doanh;
– Các khoản nợ phải trả phải gánh chịu;
– Doanh thu được chia từ việc bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ của liên doanh;
– Chi phí phải gánh chịu.
4. Khi bên liên doanh có phát sinh chi phí chung phải mở sổ kế toán để ghi chép, tập hợp toàn bộ chi phí chung đó. Định kỳ căn cứ vào các thoả thuận trong hợp đồng liên doanh về việc phân bổ các chi phí chung, kế toán lập Bảng phân bổ chi phí chung, được các bên liên doanh xác nhận, giao cho mỗi bên một bản (bản chính). Bảng phân bổ chi phí chung kèm theo các chứng từ gốc hợp pháp là căn cứ để mỗi bên liên doanh kế toán chi phí chung được phân bổ từ hợp đồng.
5. Trường hợp hợp đồng liên doanh qui định chia sản phẩm, định kỳ theo thoả thuận trong hợp đồng liên doanh, các bên liên doanh phải lập Bảng phân chia sản phẩm cho các bên góp vốn liên doanh và được các bên xác nhận số lượng, quy cách sản phẩm được chia từ hợp đồng, giao cho mỗi bên giữ một bản (bản chính). Mỗi khi thực giao sản phẩm, các bên liên doanh phải lập Phiếu giao nhận sản phẩm (hoặc Phiếu xuất kho) làm 02 bản, giao cho mỗi bên giữ 01 bản. Phiếu giao nhận sản phẩm là căn cứ để các bên liên doanh ghi sổ kế toán, theo dõi và làm căn cứ thanh lý hợp đồng.
B- Phương pháp kế toán các nghiệp vụ kinh tế liên quan đến chi phí, doanh thu của hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát:
1. Kế toán chi phí phát sinh riêng tại mỗi bên liên doanh:
1.1. Căn cứ vào các hoá đơn, chứng từ liên quan, tập hợp chi phí phát sinh riêng mà bên liên doanh phải gánh chịu khi tham gia hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát, ghi:
Nợ các TK 621, 622, 627, 641, 642 (Chi tiết cho hợp đồng liên doanh)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,…
1.2. Cuối kỳ, kết chuyển chi phí phát sinh riêng để tổng hợp chi phí sản xuất kinh doanh của hợp đồng liên doanh, ghi:
Nợ TK 154 – Chi phí SXKD dở dang (Chi tiết cho hợp đồng liên doanh)
Có các TK 621, 622, 627 (Chi tiết cho hợp đồng liên doanh)
2. Kế toán chi phí phát sinh chung do mỗi bên liên doanh gánh chịu:
2.1. Kế toán tại bên tham gia liên doanh có phát sinh chi phí chung:
a) Khi phát sinh chi phí chung do mỗi bên liên doanh phải gánh chịu, căn cứ vào các hoá đơn, chứng từ liên quan, ghi:
Nợ các TK 621, 622, 627, 641, 642 (Chi tiết cho hợp đồng liên doanh)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,…
b) Nếu hợp đồng liên doanh qui định phải phân chia chi phí chung, cuối kỳ căn cứ vào qui định của hợp đồng, kế toán lập Bảng phân bổ chi phí chung cho các bên góp vốn liên doanh và sau khi được các bên liên doanh chấp nhận, căn cứ vào chi phí được phân bổ các bên góp vốn liên doanh khác, ghi:
Nợ TK 138 – Phải thu khác (Chi tiết cho từng đối tác)
Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 621, 622, 627, 641, 642.
2.2. Kế toán tại bên liên doanh không hạch toán chi phí chung cho hợp đồng liên doanh:
Căn cứ vào Bảng phân bổ chi phí chung của hợp đồng liên doanh đã được các bên góp vốn liên doanh chấp nhận (do bên tham gia liên doanh có phát sinh chi phí chung thông báo), ghi:
Nợ các TK 621, 622, 623, 641, 642 (Chi tiết cho hợp đồng liên doanh)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (Chi tiết cho bên tham gia liên doanh có phát sinh chi phí chung).
3. Kế toán trong các trường hợp chia sản phẩm:
3.1. Khi nhận sản phẩm được chia từ hợp đồng liên doanh nhập kho, căn cứ vào phiếu giao nhận sản phẩm từ hợp đồng, phiếu nhập kho và các chứng từ liên quan, ghi:
Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu (Nếu sản phẩm được chia chưa phải là sản phẩm cuối cùng)
Nợ TK 155 – Thành phẩm (Nếu sản phẩm được chia là thành phẩm)
Nợ TK 157 – Hàng hoá gửi đi bán (Nếu sản phẩm được chia đem đi bán ngay không qua kho)
Có TK 154 – Chi phí SXKD dở dang (Gồm chi phí phát sinh riêng và chi phí chung mà mỗi bên tham gia liên doanh phải gánh chịu) (Chi tiết cho hợp đồng liên doanh).
3.2. Khi nhận sản phẩm được chia từ hợp đồng và đưa vào sử dụng ngay cho sản xuất sản phẩm khác, căn cứ vào phiếu giao nhận sản phẩm từ hợp đồng và các chứng từ liên quan, ghi:
Nợ TK 621 – Chi phí Nguyên liệu, vật liệu trực tiếp
Có TK 154 – Chi phí SXKD dở dang (Gồm chi phí phát sinh riêng và chi phí chung mà mỗi bên tham gia liên doanh phải gánh chịu) (Chi tiết cho hợp đồng liên doanh).
3.3. Trường hợp hợp đồng liên doanh qui định khong chia sản phẩm mà giao cho một bên bán ra ngoài, sau khi phát hành hoá đơn cho bên bán sản phẩm, kết chuyển chi phí phát sinh riêng và chi phí chung mà mỗi bên tham gia liên doanh phải gánh chịu vào giá vốn hàng bán, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 154 – Chi phí SXKD dở dang (Gồm chi phí phát sinh riêng và chi phí chung mà mỗi bên tham gia liên doanh phải gánh chịu) (Chi tiết cho hợp đồng liên doanh).
4. Kế toán doanh thu bán sản phẩm trong trường hợp một bên tham gia liên doanh bán hộ hàng hoá và chia doanh thu cho các đối tác khác:
4.1. Kế toán ở bên bán sản phẩm:
– Khi bán sản phẩm theo qui định của hợp đồng, bên bán phải phát hành hoá đơn cho toàn bộ sản phẩm bán ra, đồng thời phản ánh tổng số tiền bán sản phẩm của hoạt động liên doanh, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131,…
Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (Chi tiết cho từng hợp đồng liên doanh)
Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
– Căn cứ vào qui định của hợp đồng liên doanh và Bảng phân bổ doanh thu, phản ánh doanh thu tương ứng với lợi ích của bên tham gia liên doanh được hưởng, ghi:
Nợ TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (Chi tiết cho từng hợp đồng liên doanh)
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (Lợi ích mà bên bán được hưởng theo thoả thuận trong hợp đồng).
– Khi nhận được hoá đơn do bên đối tác tham gia liên doanh không bán sản phẩm phát hành theo số doanh thu mà bên đối tác đó được hưởng từ hợp đồng, ghi:
Nợ TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (Chi tiết cho từng hợp đồng liên doanh)
Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán (33311) (Nếu chia cả thuế GTGT đầu ra)
Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (Chi tiết cho từng hợp đồng liên doanh).
– Khi thanh toán tiền bán sản phẩm do bên đối tác tham gia liên doanh không bán sản phẩm được hưởng, ghi:
Nợ TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (Chi tiết cho từng hợp đồng liên doanh)
Có các TK 111, 112,…
4.2. Kế toán ở bên không bán sản phẩm:
Bên liên doanh không tham gia bán sản phẩm của liên doanh, căn cứ vào Bảng phân bổ doanh thu đã được các bên tham gia liên doanh xác nhận và chứng từ có liên quan do bên bán sản phẩm cung cấp, lập hoá đơn cho bên bán sản phẩm theo số doanh thu mà mình được hưởng, ghi:
Nợ TK 138 – Phải thu khác (Bao gồm cả thuế GTGT nếu chia cả thuế GTGT đầu ra, chi tiết cho đối tác tham gia liên doanh bán sản phẩm)
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (Chi tiết cho hợp đồng liên doanh và theo số tiền được chia)
Có TK 3331- Thuế GTGT phải nộp (Nếu được chia cả thuế GTGT đầu ra).
– Khi bên đối tác tham gia liên doanh thanh toán tiền bán sản phẩm, căn cứ vào số tiền thực nhận, ghi:
Nợ các TK 111, 112,… (Số tiền do đối tác trong hợp đồng chuyển trả)
Có TK 138 – Phải thu khác (Chi tiết cho từng đối tác liên doanh bán sản phẩm)
III- Kế toán hoạt động liên doanh theo hình thức tài sản đồng kiểm soát:
A- Quy định chung:
1. Tài sản đồng kiểm soát bởi các bên tham gia góp vốn liên doanh là tài sản được góp hoặc do các bên tham gia liên doanh mua, được sử dụng cho mục đích của liên doanh và mang lại lợi ích cho các bên tham gia liên doanh theo qui định của hợp đồng liên doanh.
2. Mỗi bên tham gia liên doanh được nhận sản phẩm từ việc sử dụng tài sản đồng kiểm soát và chịu một phần chi phí phát sinh theo thoả thuận trong hợp đồng.
3. Các bên tham gia liên doanh phải mở sổ kế toán chi tiết trên cùng hệ thống sổ kế toán của mình để ghi chép và phản ánh trong báo cáo tài chính của mình những nội dung sau đây:
– Phần vốn góp vào tài sản đồng kiểm soát được phân loại theo tính chất của tài sản;
– Các khoản nợ phải trả phát sinh riêng của mỗi bên tham gia góp vốn liên doanh;
– Phần nợ phải trả phát sinh chung phải gánh chịu cùng các bên tham gia góp vốn liên doanh khác từ hoạt động của liên doanh;
– Các khoản thu nhập từ việc bán hoặc sử dụng phần tài sản được chia từ liên doanh cùng với phần chi phí phát sinh được phân chia từ hoạt động liên doanh;
– Các khoản chi phí phát sinh liên quan đến việc góp vốn liên doanh.
4. Trường hợp phát sinh các chi phí, doanh thu chung mà các bên tham gia hợp đồng phải gánh chịu hoặc được hưởng thì các bên tham gia liên doanh phải thực hiện các qui định về kế toán như đối với trường hợp hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát.
B- Kế toán một số nội dung liên quan đến hoạt động liên doanh theo hình thức tài sản đồng kiểm soát:
1. Trường hợp bên tham gia liên doanh đem TSCĐ của mình đi góp vốn vào hợp đồng hợp tác kinh doanh theo hình thức tài sản đồng kiểm soát, kế toán vẫn tiếp tục theo dõi TSCĐ đó trên Tài khoản 211 và chỉ phản ánh sự thay đổi mục đích, nơi sử dụng của TSCĐ.
2. Trường hợp bên tham gia liên doanh mua hoặc đem các tài sản khác đi góp vốn vào hợp đồng hợp tác kinh doanh theo hình thức tài sản đồng kiểm soát, căn cứ vào các chi phí thực tế bỏ ra để có được tài sản đồng kiểm soát, ghi:
Nợ các TK 211, 213 (Chi tiết tài sản đồng kiểm soát trong hợp đồng hợp tác kinh doanh)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112,…
Có TK 331- Phải trả cho người bán.
3. Trường hợp bên tham gia liên doanh tự thực hiện hoặc phối hợp cùng với đối tác khác tiền hành đầu tư xây dựng để có được tài sản đồng kiểm soát:
– Căn cứ vào chi phí thực tế bỏ ra của bên tham gia liên doanh, ghi:
Nợ TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang (Chi tiết tài sản đồng kiểm soát trong hợp đồng hợp tác kinh doanh)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 152, 153, 155, 156,…
Có các TK 331, 341,…
-Khi công trình đầu tư xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng, quyết toán được duyệt, kế toán xác định giá trị tài sản đồng kiểm soát hình thành qua đầu tư XDCB và các khoản chi phí không được duyệt chi (nếu có), ghi:
Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình (Chi tiết tài sản đồng kiểm soát)
Nợ TK 213 – TSCĐ vô hình (Chi tiết tài sản đồng kiểm soát)
Nợ TK 138 – Phải thu khác (1388) (Phần chi phí không được duyệt chi phải thu hồi- Nếu có)
Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu
Có TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang.
– Căn cứ vào nguồn vốn, quỹ dùng vào việc đầu tư, xây dựng tài sản đồng kiểm soát, kế toán kết chuyển ghi tăng nguồn vốn kinh doanh và ghi giảm nguồn vốn, quỹ theo qui định hiện hành.
– Phương pháp ghi chép các nghiệp vụ kinh tế liên quan đến kế toán chi phí, doanh thu mà bên tham gia liên doanh tài sản đồng kiểm soát phải gánh chịu hoặc được hưởng, thực hiện như qui định đối với trường hợp hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát.
Để lại một bình luận