Trên thực tế, việc lựa chọn mục tiêu điều hành CSTT sẽ có tác động trực tiếp đến sự ổn định của TTTT. Các thành viên tham gia thị trường sẽ sẵn sàng đầu tư và giao dịch trên thị trường nếu họ có niềm tin rằng các khoản lợi nhuận họ có được từ hoạt động đầu tư sẽ không bị suy giảm do biến động của lạm phát. Mục tiêu của CSTT đa phần hướng tới sự ổn định của giá cả. Tuy nhiên, ở một số nước, NHTW còn có thêm nhiệm vụ đảm bảo tăng trưởng kinh tế và việc làm, thúc đẩy sự ổn định của hệ thống tài chính. Để đạt được những mục tiêu này, NHTW cần can thiệp vào TTTT nhằm đảm bảo các lãi suất ngắn hạn (bao gồm cả tỷ giá) và thanh khoản thị trường được duy trì ổn định và phù hợp với mục tiêu CSTT đã đề ra. Điều này cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa sự ổn định của TTTT và sự ổn định của giá cả cũng như ổn định các mục tiêu khác của CSTT.
Mặt khác, mỗi khuôn khổ CSTT khác nhau lại kéo theo vai trò khác nhau của từng NHTW trong việc quản lý, giám sát TTTT. Chẳng hạn, trong khuôn khổ CSTT đặt mục tiêu tỷ giá và tự do tài khoản vốn, CSTT được thực thi chủ yếu qua việc can thiệp vào thị trường ngoại hối. Trường hợp NHTW áp dụng khuôn khổ CSTT đặt mục tiêu tỷ giá nhưng duy trì kiểm soát tài khoản vốn, NHTW phải đặt ra điều kiện nhất định về thanh khoản nội địa trên TTTT. Với trường hợp tỷ giá thả nổi và lạm phát mục tiêu, vai trò của một TTTT phát triển càng có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm bớt tính không chắc chắn xung quanh các hoạt động tiền tệ để thực hiện được hiệu quả các mục tiêu CSTT.
NHTW các nước trên thế giới nói chung đều thống nhất về những lợi ích cho nền kinh tế của việc thực thi CSTT thông qua các công cụ có tính thị trường. Đặc biệt, sau trào lưu được khởi xướng từ những năm 1970 ở các nước công nghiệp, hầu hết NHTW các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi đều nỗ lực điều tiết các điều kiện thanh khoản chung trong nền kinh tế thông qua các hoạt động tài chính trên TTTT nội địa. Mục tiêu của NHTW là gây ảnh hưởng lên các điều kiện cung, cầu quan trọng đối với tiền NHTW. Sự thay đổi này diễn ra song song với xu thế nâng cao vai trò của các tín hiệu giá cả trong nền kinh tế bởi khi thị trường tài chính phát triển với ngày càng nhiều công cụ tài chính, cầu về tiền trở nên không ổn định, khiến cho việc đặt mục tiêu vào khối lượng tiền tệ trở thành không hiệu quả. Theo đó, các NHTW hoạt động bằng cách xác định các lãi suất ngắn hạn mục tiêu hay lãi suất chỉ đạo, mà trong điều kiện TTTT ổn định sẽ có khả năng ảnh hưởng lớn tới các lãi suất dài hạn. Để truyền dẫn những tín hiệu của CSTT một cách hiệu quả đến các lãi suất dài hạn, NHTW cần thúc đẩy sự phát triển của TTTT. Bởi vậy, TTTT sẽ là một điểm tựa cho sự can thiệp hiệu quả của NHTW. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc thực hiện các mục tiêu của CSTT cũng thống nhất với việc duy trì tính ổn định và hỗ trợ sự phát triển của TTTT. Chẳng hạn như việc đột ngột tăng lãi suất hay hạn chế cung tiền nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát có thể tạo nên một cú sốc cho các thành viên tham gia thị trường. Do đó, việc lựa chọn một khuôn khổ CSTT phù hợp với trình độ phát triển của TTTT là một việc hết sức quan trọng.
Để lại một bình luận