Những cách tiếp cận khác biệt nhau về định nghĩa khái niệm “sự ác cảm của người tiêu dùng” đã dẫn đến các mối quan hệ khác nhau giữa các khái niệm và “hành vi tẩy chay”. Ngoại trừ nghiên cứu của Harmeling và cộng sự. (2015) vừa mới được công bố; chưa thấy các nghiên cứu kiểm định hoặc mở rộng thêm.
Khi xem xét mối quan hệ giữa “sự ác cảm của người tiêu dùng” và “hành vi tẩy chay” hàng hóa có xuất xứ từ một quốc gia nào đó, các tác giả trước thường tiếp cận nghiên cứu theo hướng lặp lại và mở rộng từ nghiên cứu gốc của Klein và cộng sự. (1998). Xét về bản chất, nghiên cứu của Harmeling và cộng sự. (2015) có thể xem như là mô hình mở rộng từ mô hình của Klein và cộng sự. (1998) và mô hình của nhóm Klein là mô hình mở rộng từ mô hình “vị chủng tiêu dùng” của nhóm Shimp và Sharma (1987).
Kể từ nghiên cứu của Klein và cộng sự. (1998), tổng kết lý thuyết13 của Riefler và Diamantopoulos (2007) cho thấy từ năm 2000 đến 2006 có 6 nghiên cứu dạng lặp lại (replicated research), điển hình là các nghiên cứu của Klein (2002); Nijssen và Douglas (2004). Giai đoạn cuối 2006 đến 2015 có thêm 4 nghiên cứu lặp lại của Nakos và Hajidimitriou (2007); Jensen (2008); Little và cộng sự. (2011); Eren (2013). Lập luận về khoảng trống nghiên cứu của các nhóm tác giả để lý giải tại sao cần tiến hành nghiên cứu lặp lại thường dựa trên bối cảnh nghiên cứu ở thị trường mới, sự khác biệt về văn hóa, chính trị, và đặc biệt là sự khác biệt về biến cố gây ra sự ác cảm của người tiêu dùng có thể khác nhau giữa các thị trường có thể dẫn đến những kết quả khác biệt. Ví dụ, Klein (2002) lặp lại nghiên cứu của Klein và cộng sự. (1998) dựa trên bối cảnh xung đột giữa Mỹ và Nhật, nhóm tác giả lý giải biến cố từ trận chiến Trân Châu Cảng và sự thâm hụt cán cân thương mại giữa Mỹ và Nhật có thể là nguyên nhân dẫn đến sự ác cảm về chiến tranh và kinh tế của người dân Mỹ đối với hàng hóa xuất xứ Nhật. Phương pháp thực hiện những nghiên cứu lặp lại thường tiếp cận theo hướng định lượng.
Hướng tiếp cận thứ hai, dạng nghiên cứu mở rộng (expanded research) – thu hút nhiều nhà nghiên cứu hơn. Lý do chính có thể giải thích vì sao nhiều tác giả chọn hướng tiếp cận này vì đây là hướng tiếp cận khám phá các nhân tố mới. Căn cứ trên tài liệu thu thập hiện có, dạng nghiên cứu thứ hai này chiếm tỷ lệ gần 70%. Ở giai đoạn 2000 – 2006, theo tổng kết của Riefler và Diamantopoulos (2007), có 8 nghiên cứu mở rộng từ nghiên cứu gốc. Giai đoạn 2006 đến 2010, tác giả luận án tổng kết có thêm 14 công trình dạng mở rộng, điển hình là các nghiên cứu của Hong và Kang (2006); Russell và Russell (2006); Edwards và cộng sự. (2007); Riefler và Diamantopoulos (2007); Leong và cộng sự. (2008); Ishii (2009) và Maher và Mady (2010). Giai đoạn 2011 đến 2015 có khoảng hơn hai mươi nghiên cứu mở rộng nghiên cứu gốc vd., Russell và cộng sự. (2011); Ma và cộng sự. (2012); Nes và cộng sự. (2012); Lee và Lee (2013); Wang và cộng sự. (2013); Cheah và Phau (2015); Fernández-Ferrín và cộng sự. (2015); Harmeling và cộng sự. (2015).
Tổng kết các nghiên cứu trước, luận án này rút ra các nhận xét sau:
Hầu hết các tác giả xem xét “sự ác cảm của người tiêu dùng” dưới một khái niệm tồn tại dưới nhiều thành phần độc lập khác nhau bao gồm “ác cảm chiến tranh”, “ác cảm quân sự”, “ác cảm kinh tế”, “ác cảm sắc tộc”, “ác cảm nội địa”, “ác cảm tôn giáo”. Biến cố tạo ra ác cảm là chiến tranh, xung đột quân sự, sắc tộc, vùng miền (vd., Đông Đức và Tây Đức), xung đột tôn giáo. Kết quả kiểm định cho thấy mối quan hệ cùng chiều giữa “sự ác cảm của người tiêu dùng” và “hành vi tẩy chay” sản phẩm có xuất xứ từ quốc gia bị ác cảm. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nghiên cứu không cho bằng chứng thống kê để chấp thuận sự tác động này vd., (Nijssen và Douglas, 2004; Nakos và Hajidimitriou, 2007; Leong và cộng sự., 2008; Chan và cộng sự., 2010; Maher và cộng sự., 2010; Hoffmann cộng sự., 2011; Ma cộng sự., 2012; Mrad cộng sự., 2014). Sự thiếu nhất quán về kết quả cho thấy cần phải kiểm định lại mối quan hệ dưới góc nhìn khác về phương pháp hoặc nội dung các khái niệm đo lường.
Để lại một bình luận