Theo Điều 21 Luật NHNN năm 1997 quy định các công cụ được giao dịch trên OMO chỉ bao gồm “…mua, bán tín phiếu kho bạc, chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu NHNN và các loại GTCG ngắn hạn khác”. Tại thời điểm này, do yêu cầu OMO phải có độ an toàn cao, nên khi mới đi vào hoạt động, GTCG sử dụng trong giao dịch OMO chỉ bao gồm các loại GTCG có tính an toàn và thanh khoản cao như tín phiếu Kho bạc Nhà nước, tín phiếu NHNN. Tuy nhiên, một phần các loại GTCG này được phát hành với mục đích để điều tiết thị trường nên lãi suất của các GTCG thường không cao, do vậy không hấp dẫn các TCTD mua để làm dự trữ thanh khoản. Từ năm 2003, các GTCG được sử dụng trong OMO đã được mở rộng theo tinh thần Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật NHNN, theo đó sửa đôi, bổ sung Điều 21 như sau: “NHNN thực hiện OMO thông qua việc mua, bán ngắn hạn tín phiếu kho bạc, chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu NHNN và các loại GTCG khác trên TTTT để thực hiện CSTT quốc gia”, theo đó NHNN đã mở rộng các loại GTCG sử dụng trong giao dịch OMO ngoài tín phiếu Kho bạc Nhà nước, tín phiếu NHNN còn bao gồm cả trái phiếu Kho bạc Nhà nước, công trái, trái phiếu đầu tư do Ngân sách trung ương thanh toán. Các GTCG được sử dụng trong OMO tại thời điểm này bao gồm tín phiếu NHNN và trái phiếu Chính phủ (gồm Tín phiếu Kho bạc, Trái phiếu Kho bạc, Trái phiếu công trình Trung ương, Công trái xây dựng tổ quốc); riêng TPCP do NHPT Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ chỉ định phát hành, Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, Trái phiếu Chính quyền địa phương chỉ được sử dụng trong giao dịch mua có kỳ hạn của NHNN qua OMO. Đặc biệt, từ cuối năm 2005, NHNN bổ sung thêm trái phiếu Chính phủ do Quỹ Hỗ trợ phát triển phát hành (nay là Ngân hàng phát triển) và trái phiếu chính quyền địa phương do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh phát hành vào danh mục GTCG được sử dụng trong các giao dịch vay vốn từ NHNN, trong đó có OMO.
Đến ngày 6/01/2010, NHNN đã ban hành Quyết định 11/2010/QĐ-NHNN về danh mục GTCG được sử dụng trong các giao dịch của NHNN thay thế Quyết định số 86/QĐ-NHNN, trong đó có cụ thể hóa tại Điều 1 và Điều 2 về Danh mục GTCG được giao dịch qua OMO được quy định16. Đến nay, NHNN đã ban hành thêm các Quyết định 1127/2012/QĐ-NHNN và 243/2013/QĐ-NHNN sửa đổi, bổ sung Quyết định 11 cho phép bổ sung Trái phiếu do Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam được Chính phủ bảo lãnh và Trái phiếu của UBND TP. Đà Nẵng phát hành vào danh mục GTCG được giao dịch với NHNN. Tại Quyết định này, NHNN cũng đã điều chỉnh giảm tỷ lệ chênh lệch giữa giá trị GTCG tại thời điểm định giá và giá thanh toán (haircut) trong giao dịch mua, bán có kỳ hạn giữa NHNN với TCTD đối với một số loại GTCG, theo đó số tiền TCTD được nhận khi bán có kỳ hạn các trái phiếu do Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn được tính theo thời hạn còn lại, đối với trái phiếu chính quyền địa phương được áp dụng mức tối đa bằng 80% thay vì mức 70% (giá trị trái phiếu tại thời điểm định giá) như trước đây, đồng thời các trái phiếu có kỳ hạn trên 5 năm đều áp dụng mức tối đa là 90%.
Đến khi Luật NHNN năm 2010 ra đời, thay thế các văn bản Luật trước đây, tại Điều 15 Luật NHNN 2010 có quy định “NHNN quy định loại GTCG được phép giao dịch thông qua nghiệp vụ thị trường mở”17, từ đó đến nay, hàng hóa giao dịch trên OMO đã phong phú và đa dạng hơn với sự mở rộng danh mục GTCG, tạo điều kiện thu hút thêm các thành viên tham gia OMO, qua đó tăng cường khả năng điều tiết tiền tệ của công cụ này và tăng cường tính thanh khoản đối với các GTCG; đồng thời nâng cao tính thanh khoản cho GTCG, đặc biệt là trái phiếu Kho Bạc, Tín phiếu Kho bạc và Trái phiếu chính quyền địa phương nhưng vẫn đảm bảo được tính an toàn trong các giao dịch GTCG của NHNN với TCTD, góp phần hỗ trợ cho sự phát triền của thị trường trái phiếu Chính phủ thời gian qua.
Như vậy, bên cạnh thị trường tín dụng truyền thống, thị trường nội tệ liên ngân hàng và ngoại tệ liên ngân hàng đã được tổ chức. Thị trường GTCG với những phiên đấu giá tín phiếu kho bạc đầu tiên cũng như việc phát hành tín phiếu NHNN và sự phát triển của thị trường phái sinh đã tạo nên những công cụ đáng tin cậy cho TTTT có điều kiện phát triển hơn nữa, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết cung cầu về nguồn vốn ngắn hạn nhằm hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống của các chủ thể trong nền kinh tế; thực hiện chức năng cân đối, điều hòa nguồn vốn giữa các ngân hàng, góp phần hỗ trợ cho các ngân hàng đảm bảo khả năng thanh toán, hoạt động an toàn và hiệu quả. Thông qua các hoạt động trên TTTT, NHNN Việt Nam đã thực hiện điều tiết tiền tệ nhằm thực thi CSTT quốc gia, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù còn khiêm tốn về mặt quy mô nhưng các bộ phận cấu thành của thị trường đã hình thành và phát triển ở một mức độ nhất định (bao gồm thị trường nội tệ và ngoại tệ liên ngân hàng, thị trường đấu thầu tín phiếu Kho bạc – thị trường GTCG ngắn hạn, các hoạt động nghiệp vụ tiền tệ của NHNN như nghiệp vụ cho vay của NHNN dưới các hình thức cho vay cầm cố, chiết khấu giấy tờ có giá, nghiệp vụ thị trường mở, nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ…). Thành viên tham gia thị trường, hàng hóa giao dịch trên thị trường cũng như doanh số hoạt động của các nghiệp vụ TTTT đều được mở rộng; hoạt động của thị trường đã từng bước được hiện đại hoá, đáp ứng được yêu cầu hội nhập.
Để lại một bình luận