Các nhà giao dịch sơ cấp đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tích cực giao dịch và tạo tính thanh khoản trên thị trường; đồng thời cũng là những đối tượng giao dịch quan trọng trên thị trường trái phiếu quốc gia. Sự ra đời và hình thành của các nhà giao dịch sơ cấp có mối quan hệ mật thiết với sự phát triển của thị trường repo tư nhân thứ cấp – thị trường này chưa thực sự phát triển ở Việt Nam. Theo đó, cần cho phép các hoạt động cả trên TTTT và thị trường trái phiếu; đồng thời phải đảm bảo các PDs này có đủ năng lực để hấp thụ cả trái phiếu và tiền mặt từ phía NHTW và phân phối một cách rộng rãi các hoạt động thông qua kênh phân phối của họ.
Các tổ chức được chỉ định là PDs thường được giao trách nhiệm để đổi lại được hưởng một số đặc quyền và lợi ích. Với thực trạng thị trường liên ngân hàng Việt Nam hiện nay, có thể xem xét thúc đẩy, hình thành và phát triển hệ thống 10- 15 PDs (có thể là các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) được thành lập và hoạt động theo Luật các TCTD, đảm bảo các tiêu chí như: (i) Có mức vốn điều lệ phù hợp; (ii) Có lịch sử về đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về vốn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng; (iii) Có lịch sử về việc nắm giữ khối lượng lớn và đa dạng các loại trái phiếu Chính phủ; (iv) Tham gia tích cực trong hoạt động đấu thầu trái phiếu Chính phủ: có giao dịch thực sự, tham gia đấu thầu với mức giá cạnh tranh và khối lượng lớn, là thành viên chủ chốt trong thị trường trái phiếu Chính phủ; (v) Có kinh nghiệm hoạt động trên TTTT và có danh mục khách hàng tốt; (vi) Có danh tiếng tốt, không có sự phàn nàn từ khách hàng hay đối tác; tuân thủ pháp luật, các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức.
Theo đó, các PDs có trách nhiệm tham gia đầy đủ các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ của Bộ Tài chính với khối lượng và giá cả hợp lý (vừa là PDs trên thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ vừa là PDs trên thị trường liên ngân hàng).
Việc phát triển hệ thống PDs cũng gắn liền với việc phát triển và điều chỉnh cách thức hoạt động trên thị trường mở cho phù hợp do trên thị trường liên ngân hàng, các TCTD khác sẽ đặt hàng nhu cầu của mình với các PDs; các PDs sẽ căn cứ các nhu cầu này và nhu cầu của bản thân để tham gia thị trường mở (khối lượng, lãi suất đặt thầu). Ở Việt Nam, do hệ thống các PDs chưa được hình thành nên các TCTD nếu có thể đều muốn trực tiếp tiếp cận nguồn thanh khoản qua thị trường mở của NHNN; vì vậy, hay xảy ra hiện tượng cùng lúc thừa và thiếu vốn cục bộ và lạm dụng nguồn vốn từ NHNN.
Thúc đẩy hình thành các nhà môi giới tiền tệ/công ty môi giới tiền tệ và các công ty xếp hạng tín nhiệm
Từ kinh nghiệm của Thái Lan, khi BOT không giữ vai trò là một trung gian giữa người cho vay và đi vay, các nhà môi giới tiền tệ sẽ trở nên cần thiết để hỗ trợ cho sự phát triển thị trường repo, góp phần phát triển TTTT. Ngoài ra, trên thị trường liên ngân hàng các quốc gia khác thường có các công ty môi giới, như ở thị trường liên ngân hàng Nhật Bản có Công ty môi giới tiền tệ Tanshi, bên cạnh nó còn có cả một Hiệp hội môi giới tiền tệ (Money Broker Association), góp phần kết nối cung cầu vốn của các thành viên tham gia, khơi thông hoạt động cho thị trường;
ở Trung Quốc có Hiệp hội các tổ chức đầu tư trên thị trường tài chính của Trung Quốc (NAFMII).
Việc thiếu những nhà môi giới tiền tệ chuyên nghiệp trên thị trường, khiến các thành viên thị trường phải mất nhiều thời gian mới tìm được đối tác có nhu cầu phù hợp, và thường sẽ tìm đến những đối tác thân thuộc là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân nhóm hoạt động cục bộ trên thị trường liên ngân hàng nói riêng và TTTT nói chung. Do đó, việc thành lập các công ty môi giới tiền tệ ở Việt Nam sẽ góp phần tăng khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng; giảm bớt sự phụ thuộc vào vốn vay từ NHNN cho các TCTD vì khi các TCTD thiếu hụt vốn khả dụng, họ có thể tìm đến các trung gian này để bù đắp nguồn vốn cần bổ sung. Để thúc đẩy hình thành các nhà môi giới/công ty môi giới tiền tệ, việc xây dựng hệ thống giao dịch tập trung giữa các thị trường bộ phận của TTTT liên ngân hàng cũng cần được chú trọng.
Ngoài ra, trên thực tế, theo Quyết định số 351/2004/QĐ-NHNN về môi giới tiền tệ, đối tượng được phép hoạt động môi giới là các TCTD được thành lập và hoạt động tại Việt Nam; điều này hạn chế sự tham gia của các TCTD nước ngoài. Do đó, cần khuyến khích hình thành hệ thống môi giới tiền tệ tại Việt Nam theo đó cho phép công ty môi giới tiền tệ nước ngoài hoặc loại hình khác hoạt động về môi giới tiền tệ.
Việc chưa có công ty định mức tín nhiệm có uy tín tại Việt Nam cũng là một hạn chế đối với việc phát triển và sử dụng các công cụ chuyển nhượng trong các giao dịch trên TTTT khiến các hình thức và công cụ giao dịch trên thị trường thiếu đa dạng, hạn chế sự phát triển toàn diện hơn về cấu trúc TTTT so với các nước khác. Tuy nhiên, để tạo tiền đề cho sự ra đời của các công ty định mức tín nhiệm thực sự có uy tín, hiệu quả và độc lập ở Việt Nam, bên cạnh vai trò của một khuôn khổ pháp lý phù hợp, thị trường phải có một nền tảng hệ thống thông tin minh bạch, cập nhật và hiện đại giúp cho việc định giá GTCG được chính xác và hạn chế rủi ro hoạt động của các thành viên thị trường.
Để lại một bình luận