EU là một thị trường có mức thu nhập bình quân đầu người cao, đây cũng là thị trường có chính sách bảo vệ, tôn trọng các quyền của người tiêu dùng chặt chẽ với việc áp dụng những hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt cho hàng hóa nhập khẩu. Trên thực tế, trong các hiệp định thương mại tự do khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ thì cùng với đó một loạt hàng rào phi thuế quan sẽ được xây dựng. Các biện pháp phi thuế quan có nhiều khả năng trở thành rào cản hơn đối với hàng hoá khi xuất khẩu vào thị trường EU. Bởi lẽ, Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi nhờ hệ thống thuế quan phổ cập (GSP), tuy nhiên khi xuất khẩu sang thị trường này Việt Nam cũng phải đương đầu trước những trở ngại trong việc đáp ứng yêu cầu về SPS (Sanitary and Phytosanitary Measure – Các biện pháp kiểm dịch động thực vật), TBT (Technical Barriers to Trade Agreement – Hàng rào kỹ thuật trong thương mại) với hệ thống các tiêu chuẩn đặt ra rất phức tạp. Thông thường khi rào cản thuế quan không còn là công cụ bảo vệ tối ưu nhất, các doanh nghiệp ở thị trường nhập khẩu sẽ có xu thế sử dụng nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. EU cũng là một trong những thị trường có “truyền thống” sử dụng các công cụ này với nhiều quy định hàng rào phi thuế quan về chất lượng sản phẩm, tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo dự thảo của hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU cũng thống nhất các nội dung liên quan tới thủ tục hải quan, SPS, TBT, phòng vệ thương mại,. tạo khuôn khổ pháp lý để 2 bên hợp tác có hiệu quả, tạo điều kiện cho hoạt động thương mại của doanh nghiệp. Tuy vậy, dù Việt Nam đã có khá nhiều các quy định của pháp luật về vấn đề vệ sinh và tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng nhưng SPS và TT là 2 vấn đề khiến Việt Nam quan tâm và lo ngại bởi những tiêu chuẩn của Việt Nam đưa ra không cao như thị trường EU.
Rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU rất khắt khe và không dễ đáp ứng đối với các yêu cầu đề ra. Bên cạnh những quy định về nguồn gốc xuất xứ, lao động và môi trường, việc xâm nhập vào thị trường EU vẫn còn nhiều khó khăn từ các hàng rào phi thuế quan về kỹ thuật từ phía EU. Cho nên, dù có được hưởng những ưu đãi về thuế quan thì hàng hóa của Việt Nam cũng phải cải thiện và nâng cao rất nhiều về chất lượng mới có thể vượt qua được các hàng rào này.
Đối với hàng công nghiệp, thị trường EU có yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn. EU đưa ra các quy định chặt chẽ về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo hàng hóa nhập khẩu tuân thủ theo các yêu cầu đó. Lợi thế cạnh tranh tại thị trường này thường thiên về chất lượng, thiết kế, mẫu mã của sản phẩm hơn là giá cả. Nhiều sản phẩm công nghiệp như máy móc, thiết bị, đồ chơi, các thiết bị y tế, thiết bị an toàn cá nhân,… phải được gắn nhãn CE mới được lưu hành trên thị trường EU. CE là tiêu chuẩn của hàng hoá để được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, nghĩa là sản phẩm được đánh giá đã đáp ứng những yêu cầu về luật pháp cũng như yêu cầu về sức khỏe, độ an toàn để có thể được tiêu thụ tại EU. Bên cạnh vấn đề về chất lượng sản phẩm, EU cũng chú trọng nhiều hơn đến các yếu tố khác như mức độ ảnh hưởng đến môi trường của sản phẩm, cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
Nhiều ngành hàng thuộc nhóm hàng chế biến của Việt Nam đã và đang nỗ lực vượt qua các rào cản phi thuế quan để tận dụng được cơ hội từ thị trường EU. Ví dụ, trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU, muốn thâm nhập thị trường này thì các doanh nghiệp trong nước phải cam kết tuân thủ theo các quy định REACH (quy định về sử dụng hóa chất), FLEGT (luật lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ) và các chứng nhận truy nguyên sản phẩm (như FSC, PEFC), các quy định về các chất nguy hiểm trong sản phẩm, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR),…
Sản phẩm nội thất gỗ cũng cần phải có giấy chứng nhận nhãn mác CE. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm gỗ có nguy cơ tuyệt chủng thì phải có chứng chỉ CITES – Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Đối với ngành dệt may, bên cạnh việc đáp ứng quy định về nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm dệt may Việt Nam phải tuân thủ các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng như tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như sự an toàn sản phẩm đối với người sử dụng. Các vấn đề liên quan đến xử lí nguyên liệu và các chất thải độc hại sinh ra từ việc trồng nguyên liệu, sản xuất vải, chế biến vải, dệt, nhuộm, in ấn cũng được EU quy định cụ thể. Khi xuất khẩu sang EU, doanh nghiệp cũng cần lưu tâm đến vấn đề bao bì, đóng gói hàng hóa để chống đỡ được ảnh hưởng xấu từ thời tiết, khí hậu,. trong quá trình vận chuyển. Cách thức ghi nhãn sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cần chi tiết cụ thể, cung cấp đúng, đủ, chính xác các thông tin về thành phần nguyên liệu của sản phẩm và các thông tin cần thiết khác cho khách hàng sử dụng sản phẩm. Đối với sản phẩm da giầy, ngoài các quy định về nguồn gốc, quy tắc xuất xứ, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ và đáp ứng các rào cản kỹ thuật do EU đặt ra nhất là các quy định về hạn chế hóa chất độc hại, an toàn sản phẩm và các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp…
Như vậy, có the thấy, cùng với quá trình toàn cầu hoá thì hệ thống hàng rào phi thuế quan mà đặc biệt là rào cản kỹ thuật của thị trường EU áp dụng đối với các hàng chế biến nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt hơn. Điều này là yếu tố bất lợi, có ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu hàng chế biến của Việt Nam sang EU. Do vậy, Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá nói chung và hàng chế biến nói riêng cần có những giải pháp phù hợp để đáp ứng các yêu cầu khắt khe này, tạo điều kiện cho hàng hoá của Việt Nam dễ dàng tiếp cận với thị trường EU.
Để lại một bình luận