Quy mô sản xuất của nước xuất khẩu
Trong nhiều công trình nghiên cứu thực nghiệm, quy mô sản xuất của một quốc gia thường được đo bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và GDP bình quân đầu người.
Việc đưa quy mô sản xuất vào mô hình để giải thích hiện tượng trao đổi thương mại giữa hai quốc gia được dựa trên nền tảng lý thuyết giải thích từ phía yếu tố cung (cung xuất khẩu) và yếu tố cầu (cầu nhập khẩu). về phía cung, khi quốc gia xuất khẩu có quy mô sản xuất càng lớn thì quốc gia đó càng có khả năng sản xuất cao hơn, đồng thời quốc gia đó càng có cơ hội khai thác lợi thế theo quy mô (Sohn, 2005). Do đó, quốc gia có quy mô sản xuất lớn hơn thì càng có xu hướng xuất khẩu nhiều hơn.
– GDP của nước xuất khẩu: GDP đo lường giá trị tổng thể của tất cả các hàng hoá và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ở một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định và là thước đo cho hoạt động kinh tế quốc gia. GDP của nước xuất khẩu thường được sử dụng để đại diện cho mức thu nhập. Khi GDP tăng trưởng được coi là sự thịnh vượng của đất nước. Tốc độ tăng trưởng GDP là một trong những chỉ số quan trọng nhất phản ánh tình hình kinh tế của một quốc gia. Nếu có sự tăng trưởng trong GDP thì cũng sẽ có tăng trưởng thu nhập cá nhân, kinh doanh và việc làm (Economic Watch, 2010). GDP của nước xuất khẩu tăng lên thì khả năng cung cấp hàng hoá sẽ tăng và tác động tích cực đến quan hệ thương mại song phương (Anh và Thắng, 2008). Do đó, GDP của nước xuất khẩu được giả định là có tác động tích cực đối với xuất khẩu hàng hóa của một quốc gia.
– GDP bình quân đầu người của nước xuất khẩu: GDP bình quân đầu người chỉ đơn giản là GDP chia cho dân số ở mỗi quốc gia và do đó cung cấp một sự đo lường cho sự giàu có trung bình của người dân. Chỉ tiêu này gia tăng thể hiện sự phồn thịnh của một quốc gia. Vì vậy, GDP bình quân đầu người của nước xuất khẩu cũng được dự đoán là có tác động tích cực đến xuất khẩu.
Sự sẵn sàng về công nghệ:
Trong thế giới toàn cầu hoá ngày nay, công nghệ ngày càng trở nên cần thiết để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh và phát triển. Sự sẵn sàng về công nghệ đo lường sự nhạy bén của một nền kinh tế trong việc áp dụng các công nghệ hiện có để nâng cao năng suất của các ngành của nước mình. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến khả năng tận dụng tối đa công nghệ thông tin và truyền thông trong các hoạt động hàng ngày cũng như các quy trình sản xuất để nâng cao hiệu quả và cho phép đổi mới để tăng khả năng cạnh tranh. Công nghệ thông tin và truyền thông đã phát triển thành “công nghệ mục đích chung” trong thời đại hiện nay do những tác động chảy tràn sang các ngành kinh tế khác và vai trò của chúng đối với phát triển cơ sở hạ tầng cho toàn ngành. Do đó, việc tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông là chìa khóa mở ra sự sẵn sàng về công nghệ của các quốc gia.
Cho dù công nghệ đang sử dụng được phát tri ển trong phạm vi biên giới quốc gia hay ngoài phạm vi biên giới quốc gia thì cũng không nói lên được khả năng chuyển hóa công nghệ đó sang việc nâng cao năng suất. Điều quan trọng là các công ty tiếp cận được với công nghệ và có khả năng hấp thu, sử dụng công nghệ đó. Trong số các kênh tiếp nhận công nghệ nước ngoài, FDI thường đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt là đối với các nước đang trong giai đoạn chậm phát triển về công nghệ. Điều cần lưu ý ở đây là cần phải phân biệt hai vấn đề: mức độ sẵn có về công nghệ cho các công ty và khả năng của quốc gia trong việc tiến hành nghiên cứu và phát tri n các công nghệ mới cho sự đổi mới, mà sự đổi mới đó dẫn đến việc đi đầu về tri thức. Đó là lý do tại sao cần phải tách biệt sự sẵn sàng về công nghệ với đổi mới.
Một trong những vấn đề chính đối mặt với kinh tế thế giới là thay đổi công nghệ, điều này tạo ra trở ngại đối các nước đang phát triển trong việc nâng cao trình độ công nghệ của họ. Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu đã đánh giá trình độ công nghệ của các nước đang phát triển (Arvanitis và cộng sự, 2006, Sobanke và cộng sự, 2014). Hơn nữa, có một số bằng chứng thực nghiệm cho thấy các hoạt động công nghệ đã ảnh hưởng đến thương mại quốc tế theo nhiều kênh và công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định các mô hình thương mại (Krugman, 1995; Chadha, 2009; Montobbio và Rampa, 2005).
Như vậy, công nghệ được dự đoán có ảnh hưởng tích cực đến xuất khẩu.
Để lại một bình luận