Quy mô nền kinh tế của EU
+ Theo kết quả hồi quy đã trình bày ở trên, hệ số ước lượng dương và có ý nghĩa thống kê của biến LnGDPiịt cho thấy khi GDP của EU tăng lên đồng nghĩa với sự gia tăng về thu nhập của thị trường này, kéo theo nhu cầu ngày càng cao trong việc tiêu thụ các hàng hóa có hàm lượng chế biến nhiều và do vậy, EU sẽ có xu hướng nhập khẩu các sản phẩm chất lượng cao.
Trong giai đoạn 2005 – 2016, GDP của EU tăng trưởng rất nhanh, năm 2005 là 13.791 tỷ USD đến năm 2016 là 18.126 tỷ USD (Phụ lục 6). GDP của EU lớn cho thấy nhu cầu mua sắm và nhập khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến cao của EU sẽ tăng lên. Tuy nhiên điều này cũng là một thách thức đối với xuất khẩu hàng chế biến của Việt Nam do khả năng sản xuất của EU lớn hơn dẫn đến mức độ cạnh tranh giữa hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu ngày càng trở nên gay gắt.
Nhìn chung, GDP của EU tăng lên thì khả năng nhập khẩu của EU cũng nhiều hơn, sẽ có tác động tích cực đối với xuất khẩu hàng chế biến của Việt Nam.
+ Như đã đề cập ở trên, biến LnGDPCijt của mô hình hồi quy có giá trị dương và có ý nghĩa thống kê, điều này khẳng định rằng mức thu nhập bình quân đầu người của EU là một yếu tố ảnh hưởng tích cực đến xuất khẩu hàng chế biến của Việt Nam sang EU.
Trong giai đoạn 2005 – 2016, GDP bình quân đầu người của EU tăng từ 29.322 USD năm 2005 lên 32.462 USD năm 2016 (Phụ lục 7). Mức thu nhập này cũng có sự chênh lệch giữa các quốc gia thành viên EU. Nhóm nước có thu nhập bình quân đầu người cao như Luxembourg, Ai-len, Đan Mạch, Pháp, Đức… Nhóm nước có thu nhập bình quân đầu người thấp trong khối EU như Bun-ga-ri, Latvia, Lithuania, tuy nhiên mức thu nhập của nhóm này vẫn cao hơn so với Việt Nam. Khi thu nhập của người dân EU tăng lên thì họ có nhu cầu dùng nhiều hàng hóa thiết yếu và hàng xa xỉ hơn. Như vậy, Việt Nam cần nâng cao chất lượng của các sản phẩm chế biến để có thể tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này.
– Chất lượng hàng hóa
EU là thị trường xuất khẩu truyền thống và đầy tiềm năng của Việt Nam với đòi hỏi cao về chất lượng. Khi xuất khẩu sang EU, các đối tác EU luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Vì vậy, vấn đề chất lượng được xem như yếu tố đặt lên hàng đầu.
Hiện nay, phần lớn hàng chế biến của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU chưa được nhận diện thương hiệu do các doanh nghiệp chưa chú trọng vào xây dựng thương hiệu. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp xuất khẩu chưa có hiểu biết đầy đủ về thông tin và tuân thủ theo những tiêu chuẩn, quy định do phía đối tác đặt ra cho hàng chế biến xuất khẩu, điều này dẫn đến chất lượng hàng hóa không đạt yêu cầu, lượng hàng hóa bị trả lại cao. Trong một số ngành xuất khẩu chủ lực của nhóm hàng chế biến như giầy dép, dệt may, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh và kỹ thuật (SPS, TBT) nhưng vẫn có trường hợp vi phạm những quy định này, dẫn đến khi xuất khẩu vào thị trường EU nhiều lô hàng hoá của Việt Nam đã bị từ chối. Điều đó có thể thấy rằng, mức độ sẵn sàng của Việt Nam chưa đủ mạnh, còn yếu.
Để hàng chế biến xuất khẩu của Việt Nam gây dựng được thành những thương hiệu lớn thì các doanh nghiệp cần khẳng định uy tín, mức độ tin tưởng và hài lòng cao đối với các sản phẩm thông qua việc thực thi “trách nhiệm xã hội” theo mô hình kim tự tháp, đó là trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm từ thiện.
Điểm yếu của hàng chế biến hiện nay là gia công, giá trị xuất khẩu thấp, do chú trọng nhiều đến số lượng mà chưa tập trung vào chất lượng. Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU chủ yếu là các mặt hàng có ưu thế về điều kiện tự nhiên sẵn có và lực lượng lao động dồi dào. Đơn cử như đối với ngành dệt may, giầy dép, các mặt hàng này chủ yếu là gia công xuất khẩu, tỷ lệ nội địa hoá thấp, nguyên phụ liệu hầu như đều phải nhập khẩu. Hay đối với hàng điện tử, phần lớn các doanh nghiệp trong nước chỉ tham gia vào các công đoạn lắp ráp, cung cấp dịch vụ và linh kiện giản đơn nên giá trị gia tăng không cao, sức cạnh tranh kém, còn ở những khâu quan trọng đều do doanh nghiệp FDI nắm giữ. Do vậy, lợi nhuận thực tế của các doanh nghiệp trong nước thu được không cao và chủ yếu do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng chế biến của Việt Nam vào thị trường EU phải đảm bảo tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn riêng. Tiêu chuẩn chung là những quy định bắt buộc áp dụng đối với hàng hóa, trong trường hợp hàng hóa không đạt được yêu cầu đó sẽ bị từ chối nhập khẩu và doanh nghiệp không được phép xuất khẩu vào thị trường này trong một khoảng thời gian hoặc vĩnh viễn. Tiêu chuẩn riêng là những quy định mang tính khuyến khích cho các doanh nghiệp xuất khẩu như quy định về môi trường làm việc tốt, tạo sự công bằng cho người lao động, quy trình sản xuất không gây ô nhiễm môi trường…
Để đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường EU, các doanh nghiệp nên lưu trữ hồ sơ về nguồn gốc sản phẩm một cách minh bạch, đầu tư đổi mới khoa học công nghệ, tăng cường sử dụng nguyên liệu nội địa cho hàng chế biến. Chỉ có nâng cao chất lượng hàng chế biến, Việt Nam mới có nhiều cơ hội thâm nhập và xuất khẩu nhóm hàng này nhiều hơn nữa vào thị trường EU. Như vậy, hàng chế biến với chất lượng tốt có ảnh hưởng tích cực đến xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Để lại một bình luận