Nghiên cứu của Durand (1952), là công trình đầu tiên về CTV của doanh nghiệp. Nghiên cứu này cho rằng giá trị doanh nghiệp bị tác động bởi CTV của chính doanh nghiệp đó. Quan điểm truyền thống khẳng định, chi phí sử dụng nợ thấp hơn chi phí sử dụng VCSH nhờ khoản tiết kiệm từ thuế. Vì vậy, chi phí sử dụng vốn bình quân (WACC) giảm khi doanh nghiệp tăng sử dụng nợ. Ngoài ra, theo quan điểm này, tồn tại một cơ cấu vốn tối ưu, tại đó làm tối đa hóa giá trị doanh nghiệp bằng cách kết hợp giữa nợ và VCSH ở một tỷ lệ nhất định giúp tối thiểu hóa WACC, do đó, tối đa hóa giá trị doanh nghiệp (Brealey và ctg, 2008). Tuy nhiên, quan điểm này cũng khuyến cáo, khi tăng mức độ sử dụng nợ thì áp lực trả nợ cao, rủi ro tài chính lớn, tăng nguy cơ phá sản. Vì vậy, các chủ sở hữu nâng suất sinh lời kỳ vọng nhằm bù đắp rủi ro tài chính gây ra, theo đó, WACC cũng tăng.
Quan điểm truyền thống đã nhận được sự ủng hộ của Solomon và Weston. Tuy nhiên, những lập luận theo quan điểm này tương đối đơn giản, chưa thuyết phục so với các lý thuyết CTV khác và thậm chí bị bác bỏ, bởi vì không đủ cơ sở vững chắc.
Vì vậy, Lý thuyết MM ra đời trên cơ sở cung cấp bằng chứng cũng như bổ sung thêm những khiếm khuyết mà quan điểm này còn thiết sót (Bringham và Houston, 2009).
Lý thuyết hiện đại về CTV của Franco Modigliani và Merton Miller ra đời năm 1958 và sau đó, tiếp tục được phát triển vào năm 1963. Đây được xem là một trong những lý thuyết nền tảng của CTV. Lý thuyết MM được xây dựng dựa trên cơ sở tồn tại hoạt động kinh doanh chênh lệch giá và một số giả thuyết không tồn tại như TTTC hoàn hảo, các doanh nghiệp hoạt động trong môi trường như nhau, doanh nghiệp chia 100% lợi nhuận cho các chủ sở hữu và không có chi phí kiệt quệ tài chính do sử dụng nợ.
Trên cơ sở các tiền đề này, Lý thuyết MM nghiên cứu tác động của CTV đến giá trị doanh nghiệp trong hai trường hợp: môi trường kinh doanh không có thuế và môi trường kinh doanh có thuế. Đối với trường hợp môi trường kinh doanh không có thuế (Modigliani và Miller, 1958), lý thuyết này đưa ra kết luận, giá trị của doanh nghiệp hay chi phí sử dụng vốn bình quân độc lập với CTV. Giá trị doanh nghiệp hay WACC của doanh nghiệp có vay nợ bằng giá trị doanh nghiệp hay WACC của doanh nghiệp không có vay nợ. Do đó, tỷ số nợ không ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp cũng như WACC. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không có CTV tối ưu cũng như doanh nghiệp không thể tăng giá trị bằng cách thay đổi CTV.
Lý thuyết MM (1963) ra đời nhằm khắc phục những hạn chế của Lý thuyết MM (1958) và bổ sung vai trò lợi ích của thuế đối với nợ. Trong môi trường kinh doanh có thuế, giá trị doanh nghiệp tăng khi doanh nghiệp sử dụng nợ nhờ khoản tiết kiệm từ lãi vay. Giá trị của doanh nghiệp sử dụng nợ lớn hơn giá trị doanh nghiệp không có nợ đúng bằng giá trị hiện tại của khoản tiết kiệm thuế từ lãi vay. Khi mức độ sử dụng nợ tăng lên nhờ khoản tiết kiệm thuế từ lãi vay mà chi phí sử dụng nợ thực tế của doanh nghiệp giảm. Do vậy, WACC của doanh nghiệp sử dụng nợ sẽ thấp hơn WACC của doanh nghiệp không sử dụng nợ.
Mặc dù Lý thuyết MM đưa ra nhiều góc nhìn khác nhau về tác động của CTV đến giá trị doanh nghiệp và WACC, nhưng lý thuyết này được xây dựng dựa trên các tiền đề không thực tế. Đây là cơ sở cho sự ra đời của các lý thuyết hiện đại sau này.
Để lại một bình luận