Là tỉnh có ngành công nghiệp khai thác khoáng sản (chủ yếu là dầu khí), nên từ khi thành lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã xác định được vai trò của ngành kinh tế này đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, bởi vì đây là ngành kinh tế có rất nhiều công đoạn từ tư vấn, phân định địa giới, lãnh hải, thiết kế bản đồ, sơ đồ khu vực, đến thăm dò, đo đạc, định lượng, khai thác, vận tải, lọc dầu, đến các hoạt động thương mại… với hàng vạn con người từ chuyên gia, kỹ sư, công nhân, chuyên viên trong nước và người nước ngoài đang làm việc; Do đó cũng có hàng trăm các loại dịch vụ liên quan phục vụ cho các công việc nói trên như: Dịch vụ quản lý, khai thác, thuê, cho thuê tàu và các phương tiện nổi (bao gồm các tàu dịch vụ chuyên ngành, tàu vận chuyển các sản phẩm dầu khí). Dịch vụ khảo sát địa lý, địa chấn, địa chất công trình và dịch vụ định vị phục vụ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; dịch vụ môi giới hàng hải; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, hoán cải, mua bán vật tư và trang thiết bị phục vụ sản xuất của tàu thuyền và các phương tiện nổi; dịch vụ cung ứng lao động chuyên ngành dầu khí, hàng hải, phiên dịch; các dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ đi lại, dịch vụ thông tin liên lạc…, cho các chuyên gia, kỹ sư, công nhân làm việc trên biển, trên dàn khoan và trong bờ. Có thể nói với hàng trăm loại dịch vụ phục vụ cho ngành dầu khí thì đây là một lợi thế vô cùng to lớn mà chỉ có Bà Rịa – Vũng Tàu mới có được. Mặc dù đây là ngành kinh tế do trung ương quản lý vì do nhiều yêu cầu đặc thù về vốn, kỹ thuật, nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế trong quá trình khai thác, chế biến. Tuy nhiên trong suốt 20 năm qua tỉnh đã cùng với Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã có sự phối hợp chặt chẽ, đưa ra nhiều giải pháp, tạo nhiều điều kiện tốt nhất để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Là một tỉnh được xác định có cơ cấu kinh tế công nghiệp – xây dựng và dịch vụ là chủ yếu, hiện nay Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều KCN và CCN lớn như: KCN Long Sơn TP Vũng Tàu; KCN Sonadezi huyện Châu Đức (KCN hiện đại nhất Việt Nam); KCN Phú Mỹ III huyện Tân Thành (KCN đô thị chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ dành cho nhà đầu tư Nhật Bản); CCN Đá Bạc (CCN đô thị chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ dành cho nhà đầu tư Nhật Bản); KCN Phú Mỹ I huyện Tân Thành; KCN Đông Xuyên, TP Vũng Tàu; KCN Mỹ Xuân A; KCN Mỹ Xuân A2; KCN Mỹ Xuân B1- CONAC; KCN Cái Mép; KCN Phú Mỹ II; KCN Mỹ Xuân B1 – Tiến Hùng; KCN Mỹ Xuân B1 – Đại Dương huyện Tân Thành; KCN Long Hương TP Bà Rịa; KCN Đất Đỏ 1 huyện Đất Đỏ; tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn TP Vũng Tàu…, hiện tỉnh đang quy hoạch thêm các khu công nghiệp ở huyện Đất Đỏ; ngoài ra, tỉnh đã quy hoạch 29 cụm công nghiệp tại các huyện, thành phố. Do vậy phát triển ngành dịch vụ vận tải biển, dịch vụ cảng biển là một hướng đi đúng đắn của tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa cho các KCN, phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và xu thế của thế giới.
Đến nay Bà Rịa – Vũng Tàu đã có 52 dự án cảng, trong đó có 18 cảng đang hoạt động, với tổng công suất khoảng 34 triệu tấn hàng hóa/năm, 11 dự án cảng đang triển khai xây dựng, 23 cảng đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Hầu hết các cảng nước sâu này đều tập trung ở khu vực sông Thị Vải – Cái Mép, nhiều dự án cảng sẽ được đưa vào hoạt động trong những năm tiếp theo như: Cảng công-ten-nơ Cái Mép thượng – Tân cảng Sài Gòn, Cảng tổng hợp Mỹ Xuân, Cảng đạm và dịch vụ dầu khí tổng hợp.
Nhìn chung trong hơn 20 năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền địa phương cùng với các ngành có liên quan, Bà Rịa – Vũng Tàu đã từng bước quy hoạch, đầu tư, kêu gọi đầu tư, xây dựng được một hệ thống cảng biển, bến cá, trong đó có một số cảng hiện đại tầm cỡ quốc tế, bước đầu đã cơ bản đáp ứng được phần lớn nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường biển, phục vụ cho các ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông nghiệp trong toàn tỉnh cũng như các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ và tham gia vào vận chuyển quốc tế, số lượng cảng biển không ngừng được mở rộng về quy mô và số lượng, chất lượng phục vụ cũng từng bước được cải thiện, hệ thống máy móc, thiết bị, phục vụ công tác vận tải, bốc xếp, vận chuyển, lưu kho, đến một số dịch vụ sửa chữa, vệ sinh, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi cũng được cải thiện, một số thủ tục hành chính phục vụ hoạt động như khai báo thuế, thủ tục hải quan, kê khai hàng hóa cũng từng bước được nâng cấp, hiện đại và thông thoáng, tạo điều kiện cho tàu ra vào thuận tiện hơn, góp phần đáng kể vào năng lực vận chuyển hàng hóa.
Để lại một bình luận